"Nhân cách Hồ Chí Minh" vào đề Văn thi lớp 10 tại Hà Nội

(Dân trí) - Sáng nay 8/6, hơn 75.000 thí sinh thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội làm bài thi môn Ngữ Văn. Theo đánh giá của một số chuyên gia và học sinh, đề thi năm nay hay, phù hợp với học sinh và cách hỏi khá sáng tạo.

Khoảng 10h sáng 8/6, thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT 2016 của Hà Nội hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn. Theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số điểm thi, thí sinh đều hoàn thành bài thi theo đúng thời gian. Một số thí sinh ở điểm thi THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), làm bài xong sớm nhưng còn ngồi lại trong phòng để dò bài lần cuối nên không ra trước thời gian quá sớm.

Em Thiều Gia Khánh, học sinh lớp 9 Trường THCS Thịnh Quang cho biết, đề thi vào lớp 10 THPT năm 2016 vừa sức. Trong đề thi, có cả câu hỏi dễ và câu hỏi khó, đáp ứng nhiều trình độ năng lực của học sinh. Đặc biệt câu hỏi mở- giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, là câu hỏi hay.

Ở câu hỏi về nhân cách Hồ Chí Minh, Khánh đã vận dụng những câu chuyện về Bác Hồ sống ở nước ngoài mà các em đã học và đọc qua sách báo để làm bài.

Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 THPT 2016 của Hà Nội
Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 THPT 2016 của Hà Nội

Thí sinh Đức Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, em ôn tập tất cả các kiến thức đã học nên không khó khăn khi làm bài.

Em Hải Long, học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Trãi cho biết, đây là đề thi hay. Câu hỏi “Trình bày suy nghĩ và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc gìn giữ văn hóa bản sắc dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển” là câu hỏi thú vị.

Liên quan đến câu hỏi về giới trẻ trên đây, một số học sinh cho biết, nhiều trào lưu hiện nay như chạy theo Kpop, trào lưu phim “Hậu duệ mặt trời” là những ví dụ hay để có thể đưa vào bài làm của câu hỏi này. Tuy nhiên, dù đặt ra vấn đề nào đi chăng nữa, học sinh cũng phải nêu rõ ý, tiếp thu được truyền thống văn hóa nước ngoài làm giàu cho truyền thống văn hóa dân tộc.

Đề thi hay, câu hỏi sáng tạo

Đánh giá về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT 2016 của Hà Nội năm nay, TS Phạm Hữu Cường - người có kinh nghiệm 20 năm giảng dạy môn Ngữ Văn cho biết, đề thi tương đối hay, sát với trình độ học sinh, đảm bảo được yêu cầu tuyển sinh vào lớp 10.

Cụ thể:

Cấu trúc đề thi cân xứng. Đề thi có 2 phần, phần 1 có 3 câu hỏi nhỏ, phần 2 có 4 câu hỏi nhỏ.

Các vấn đề được hỏi trong đề thi đều nằm trong chương trình Ngữ Văn lớp 9 nên tất cả học sinh lớp 9 nếu nắm vững được kiến thức của cấp học này đều có thể làm bài.

Đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh nhưng vẫn có thể gợi mở được sức sáng tạo của học sinh. Đồng thời, đòi hỏi các em phải có bản lĩnh mới làm bài thi tốt.

Thí sinh tại điểm thi THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) sau giờ thi Văn
Thí sinh tại điểm thi THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) sau giờ thi Văn

Ở câu hỏi về phần thi Tiếng Việt, đòi hỏi các em phải có kiến thức và kĩ năng sử dụng Tiếng Việt mới có thể giải quyết được. Các câu hỏi này hay, không lặp lại những lối mòn quen thuộc, yêu cầu học sinh phải tư duy cao mới giải quyết được.

“Bên cạnh đó, những câu hỏi về phần nghị luận xã hội nhỏ liên quan đến giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” là câu hỏi tôi đánh giá cao, cách thức của người ra đề đã lay động được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc- một vấn đề mà không chỉ Đảng, Nhà nước mà bất kì người dân nào cũng phải quan tâm trong thời kì hội nhập sâu rộng như bây giờ”, TS Cường cho biết.

Cũng theo TS Cường, ở câu hỏi nghị luận này cũng phù hợp với đoạn văn bản ở phần 1 của tác giả Lê Anh Trà, việc học tập tấm gương Hồ Chí Minh trong việc tiếp thu văn hóa của nước ngoài để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc, trong việc kết hợp truyền thống văn hóa phương Đông với phương Tây.

Phụ huynh ngóng con qua cánh cửa trường thi
Phụ huynh ngóng con qua cánh cửa trường thi

Câu hỏi đã động đến vấn đề rất thời sự hiện nay là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nó vẫn có ý nghĩa thêm trong việc khơi gợi lứa tuổi học sinh lớp 9 trong việc tiếp thu văn hóa nước ngoài để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Như vậy, về mặt ý nghĩa xã hội và mặt văn học đều hay.

Ở phần 2, câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn về tình bà cháu cũng là câu hỏi rất thú vị, khơi gợi được tình cảm sâu sắc, thiêng liêng. Với câu hỏi này, học sinh có thể chân thành bộc lộ được bản chất của mình đối với hình ảnh người bà trong tác phẩm cũng như trong gia đình.

Ở câu hỏi về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, người ra đề đã đặt câu hỏi rất thông minh, không chỉ bao quát được ý tưởng chủ đạo của bài thơ mà còn giúp thức tỉnh học trò về lòng biết ơn đối với quá khứ, với những gì bình dị trong đời thường nhưng vẫn có ý nghĩa lớn lao cao cả.

Ngoài ra, các hệ thống câu hỏi của đề thi có khả năng phân loại rất tốt, có câu hỏi dễ, câu hỏi vừa nhưng cũng có câu hỏi kích thích học sinh phải tìm tòi, sáng tạo, khơi dậy cảm xúc viết văn (câu hỏi về tình bà cháu) cũng như thể hiện bản lĩnh của thí sinh (câu hỏi về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc).

Như vậy, theo đánh giá của TS Cường, đây là đề thi chuẩn vào lớp 10 THPT, cách hỏi hay, sáng tạo. Nhìn chung, phổ điểm sẽ tập trung khoảng 7-8 điểm. Nếu em nào biết vận dụng kiến thức xã hội tốt, có bản lĩnh, sẽ đạt điểm 9.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)