Nhà trường vào mùa “than nghèo, kể khổ”

(Dân trí) - “Mở đường” cho các công trình, dự án xã hội hóa, đầu năm học, nhiều trường lại dùng đến chiêu “than nghèo kể khổ” đánh vào tâm lý “tự nguyện” của phụ huynh.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ong-hieu-truong-tu-dat-ra-phi-la-bi-xem-xet-ky-luat-948611.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Ông hiệu trưởng tự đặt ra “phí lạ” bị xem xét kỷ luật</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phu-huynh-ngop-tien-truong-947926.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Phụ huynh “ngộp” tiền trường</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-xuat-xay-nha-ve-sinh-2-ty-dong-phu-huynh-phan-phao-946921.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Đề xuất xây nhà vệ sinh 2 tỷ đồng: Phụ huynh “phản pháo”</b></a>

"Ngại cũng phải nói"

Buổi đại hội phụ huynh đầu năm tại một trường THCS ở TPHCM, phụ huynh được bữa “no nê” về tình cảnh nghèo khổ của trường. Thông qua hình ảnh trên màn hình máy chiếu, thầy hiệu trưởng than thở thay cho học sinh (HS) về phòng thí nghiệm không có chỗ để đồ đạc, thiếu bồn rửa tay tại chỗ, ổ điện hết sức nguy hiểm, nền lún sụt…
 
Rồi hiệu trưởng rút ra kết luận, vì nguyên nhân đó mà kết quả học tập, nghiên cứu của HS chưa cao như thể các em giỏi hay dở đều phụ thuộc hết vào cái phòng khang trang hay không. Nhà trường thì đang bất lực, không còn cách nào, chỉ có thể đề xuất sửa sang, xây dựng lại phòng thí nghiệm... chờ vào đóng góp từ phụ huynh.
 
Còn tại Trường THCS Colette (Q.3, TPHCM), sau khi phụ huynh phản ứng đề xuất đóng hàng triệu đồng để xây nhà vệ sinh như khách sạn 5 sao, lãnh đạo trường cũng trưng ra những hình ảnh “thảm thương” nhất về nhà vệ sinh hiện tại của trường mà HS đang phải chịu đựng cho đại diện phụ huynh các lớp biết rõ sự tình.

Lãnh đạo nói ra như nhận lỗi “chúng tôi ngại lắm, xấu hổ lắm” nhưng cách duy nhất khắc phục được nhắc đến lại… tùy thuộc vào sự “chịu chi” của phụ huynh.

Nhà trường vào mùa “than nghèo, kể khổ”
Vào năm học mới,  "thảm cảnh" của nhà trường thường được trưng ra để vận động phụ huynh đóng góp. Trong ảnh: Trường THCS Colette (Q.3, TPHCM).

Theo nhiều phụ huynh, thực tế các khu nhà vệ sinh không đến nỗi như góc ảnh nhà trường cung cấp. Có chăng, do việc vệ sinh lau dọn chưa được chú trọng. Việc nâng cấp, sửa chữa sẽ phù hợp với điều kiện thực tế hơn là xây mới với chi phí cắt cổ.

Để lôi kéo sự đồng thuận của phụ huynh trong các khoản đóng góp theo thỏa thuận, nhiều trường dùng đến chiêu than nghèo kể khổ. Có những chuyện phía sau cánh cổng trường ngày thường chẳng ai biết thì giờ nhiều việc được chính ban giám hiệu trường tự tay phanh phui.

Nhiều trường học quay cuồng trong các dự án tiêu tiền phụ huynh.
Nhiều trường học "quay cuồng" trong các dự án tiêu tiền phụ huynh.

Những góc thiếu thốn nhất ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của các em luôn được nhà trường “ưu tiên” giới thiệu đến phụ huynh. Từ chuyện đi vệ sinh phải bịt mũi, bàn ghế ọp ẹp, mái nhà dột, phòng thí nghiệm tồi tàn, phòng học nóng, cổng trường - sân trường thiếu khang trang… 

Không chỉ “nỗi khổ” của của HS mới được nhắc đến, có trường còn kể luôn tình cảnh thiếu thốn của giáo viên, ban giám hiệu. Tất cả đều có chung nguyên nhân: thiếu tiền.

Thế nên, trong trường có những xuất đóng góp hết sức hài hước như tiền hỗ trợ giáo viên, tiền sắm máy tính cho ban giám hiệu hay cả những khoản tiền rất khó để gọi tên. tCó trường năm nào cũng than, năm nào cũng thu nhưng mà chẳng lúc nào hết thảm. 

Nghèo nhưng sang!

Anh Nguyễn Trọng Dũng, có con học tại trường tiểu học ở quận Tân Phú, TPHCM cho hay, cứ đầu năm là phụ huynh lại được nghe nhà trường than nào là xuống cấp, nào là thiếu thốn. Mọi lý do ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt con em được đổ lỗi do hoàn cảnh túng thiếu mà ra chứ ít trường đề cập đến vai trò của ban giám hiệu, của giáo viên và của cả HS.

“Ai mà không muốn con được học trong điều kiện tốt nhất, các trường rất biết đánh vào tâm lý của phụ huynh. Phụ huynh rất áp lực, khó lên tiếng từ chối. Khổ nhất là những gia đình khó khăn”, anh Dũng bày tỏ.  

Việc nhà trường đưa ra được những hình ảnh, thông tin chứng minh sự thiếu thốn của trường là một việc hữu ích, để phụ huynh có cái nhìn khách quan hơn trong các khoản đóng góp. Có điều hình như các trường ít bàn đến các biện pháp làm sao để hoạt động dạy học tốt nhất trong điều kiện còn hạn chế đó, hay cách khắc phục cho phù hợp mà chỉ mới tập trung vào việc… đóng tiền để xây mới, thay đổi. Tinh thần "có thực mới vực được đạo" được nhiều trường tận dụng tối đa. 

Gánh càng đè nặng vai phụ huynh khi nhà trường nghèo mà thích chơi sang (Ảnh minh họa)
Gánh càng đè nặng vai phụ huynh khi nhà trường nghèo mà thích chơi sang. (Ảnh minh họa)

Số đông người dân hiện nay còn nghèo, đã nghèo thì phải “liệu cơm gắp mắm”. Tiết kiệm, tận dụng, khắc phục để hoạt động hiệu quả cao nhất có thể luôn phải ưu tiên trước các hạng mục xây mới chưa thật sự cần thiết nhưng nhiều trường đang bỏ quên điều này. Nhiều dự án "siêu sang" vẫn được đề xuất trong trường học làm khổ phụ huynh. 

Bên cạnh đó, điều phụ huynh và dư luận nghi ngại nhất là những khoản chi ở trường học thường có mức giá cao hơn nhiều so với ngoài thị trường. Từ các công trình xây dựng bảo dưỡng máy lạnh, tiền đóng xây nhà vệ sinh, màn hình chiếu, máy tính bảng cho đến tiền ăn uống, đồng phục... cứ vào trường là khác. 

“Nghèo mà chơi sang” - cách làm không phù hợp từ của nhiều trường học là một trong những rào cản đối với xã hội hóa giáo dục trong việc huy động đóng góp về mặt vật chất từ phụ huynh đồng thời gây bức xúc dư luận về môi trường giáo dục hiện nay.

Hoài Nam