Nhà nghiên cứu giáo dục lên tiếng về đề nghị sửa điểm thi của GS.Trần Phương

Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) đã lên tiếng trước đề nghị Bộ GD&ĐT sửa lại quy định bài thi thành 7 điểm, nếu không sinh viên sẽ lười học của GS. Trần Phương.

Ông Phạm Hiệp (bên phải)
Ông Phạm Hiệp (bên phải)

Trước đó, GS.Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng “Khi thi, sinh viên mở sách ra làm bài dễ dàng đạt điểm 5. Vì vậy, GS Phương đề nghị Bộ GD&ĐT sửa lại quy định đó thành 7 điểm, nếu không sinh viên sẽ lười học” .

Ngoài ra, GS.Trần Phương chỉ rõ 3 khuyết điểm của Bộ GD&ĐT trong giáo dục đại học. Thứ nhất, việc quy định sinh viên thi hết môn được 5 điểm là đạt.

Thứ hai, việc thi các môn có điểm trung bình toàn khoá 6,0 là đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề nghị Bộ tăng lên thành 7,0 để khuyến khích sinh viên học tốt.

Thứ ba, việc Bộ GD&ĐT quy định các trường chỉ cho phép sinh viên có điểm tổng kết toàn khoá học đạt học lực khá, giỏi thì mới được làm luận văn; những người không đạt phải thi là không ổn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng nhận định của GS Phương là rất đáng chú ý nhưng nếu nói đó là 3 khuyết điểm lớn nhất lớn nhất của Giáo dục đại học Việt Nam thì không thật đúng.

Cũng theo ông Phạm Hiệp, ở Việt Nam nói chung cách đánh giá, kiểm tra sinh viên chủ yếu ở hình thức kiểm tra qua bài thi cuối kì hoặc giữa kỳ, trong khi đó các kiểm tra ở các nước trên thế giới mở rộng hơn. Việc đánh giá một sinh viên vừa có kiểm tra vừa có các yếu tố khác tham gia như: sự chuyên cần, điểm kiểm tra cuối kì, làm dự án (project) và mỗi hình thức đánh giá này tính tỉ lệ % nhất định. Các đánh giá này sẽ bắt học sinh học tốt, toàn diện trong cả kì.

Nhiều trường trên thế giới cũng lấy con số 7 nhưng là 70% của cả kì chứ không phải 7 điểm. Ví dụ, tỉ lệ chuyên cần chiếm 25%, việc trao đổi bài: 15%, bài cuối học kì: 30%, điểm project: 30%. Sinh viên phải đạt được 70% của tất cả những yếu tố này.

Sinh viên đại học không nhất thiết phải làm luận văn. Trên thế giới nhiều trường không cần cử nhân tốt nghiệp bằng luận văn mà bằng dự án với nhiều thầy hoặc bạn học cùng nghiên cứu chung trong một phòng thí nghiệm.

“Đây cũng là cách đánh giá của chính trường học ở Đài Loan mà tôi đang làm nghiên cứu sinh, nếu đạt 70% thì mới giữ được học bổng. Nhưng nếu tham gia học tập ở lớp nghiêm túc thì cũng không có gì đáng ngại”- Ông Hiệp cho biết thêm.

Về ý kiến GS Trần Phương cho rằng những người không đạt học lực khá giỏi phải thi là không ổn? Ông Phạm Hiệp cho rằng, liệu sinh viên đại học có nhất thiết phải làm luận văn không, và luận văn có cần thiết phải một thầy 1 trò như hiện nay như ở các trường đại học của Việt Nam?

Ông Hiệp chỉ ra, trên thế giới nhiều trường không cần cử nhân tốt nghiệp bằng luận văn mà bằng nhiều project (dự án) hoặc nhiều thầy, nhiều trò cùng nghiên cứu chung trong một lab lớn.

“Với một số ngành, ở trình độ cử nhân, sinh viên không cần phải cho ra những kết quả nghiên cứu cứu phức tạp. Sinh viên chỉ cần tổng hợp lại những gì trong 3-6 tháng đã làm được gì trong lab của giáo sư đã là tốt rồi. Thậm chí, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ cũng không cần những nghiên cứu quá ghê gớm như chúng ta vẫn hình dung”- Ông Hiệp chia sẻ.

“Vấn đề đặt ra ở đây là có nên làm luận văn tốt nghiệp cho sinh viên ở những ngành nghề nào, nếu Toán- Lý thì cần nhưng các ngành như Quản trị, Kế toán, Du lịch, kỹ sư chưa chắc đã cần”- ông Hiệp phân tích.

ĐH đẳng cấp quốc tế, quá xa vời?

Ông Hiệp cho rằng, theo quan niệm truyền thống, một nền giáo dục có nhiều trường lọt vào tốp 100, 200 mới được coi là đạt đẳng cấp quốc tế. Quan niệm này có phần không còn đúng nữa.

“Đẳng cấp quốc tế của một nền giáo dục cần được hiểu là trường chất lượng thấp nhất nền giáo dục đó vẫn cao hơn mức trên tiêu chuẩn”- Ông Hiệp cho biết.

Ông Phạm Hiệp cũng cho rằng, chúng ta nên mạnh dạn xã hội hoá giáo dục, để các cơ quan đủ năng lực tham gia vào công tác kiểm định, thậm chí sử dụng nguồn lực bên ngoài như các đơn vị kiểm định của nước ngoài.

"Điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng đại học. Điểm sàn, thực tế giúp phân luồng thí sinh.

Mở cửa đầu vào tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giáo dục đại học nếu song hành với nó là hệ thống kiểm định chất lượng, siết chặt đầu ra nghiêm túc”.

Ông Phạm Hiệp

Cũng theo Ông Hiệp cho biết, điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng đại học. Chất lượng phụ thuộc vào kiểm định chất lượng và siết đầu ra. Điểm sàn, thực tế giúp phân luồng thí sinh.

“Mở cửa đầu vào tuyển sinh không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng giáo dục đại học nếu song hành với nó là hệ thống kiểm định chất lượng, siết chặt đầu ra nghiêm túc”- Ông Hiệp chỉ ra.

Cũng theo ông Hiệp, nhiều trường đại học không đợi chờ từ trên “ốp” xuống mới làm kiểm định chất lượng. ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM đã đi đầu tàu. Trong đó, 2 chương trình của ĐH Bách Khoa TP.HCM đã đạt chuẩn ABET của Mỹ.

Đầu năm 2016, ĐH Tôn Đức Thắng đạt chuẩn QS 3 sao. Cuối năm, ĐH Nguyễn Tất Thành đạt kết quả tương tự; trước đó từ năm 2012 là Đại học FPT. Đại học Hoa Sen trong năm 2016 cũng đạt chuẩn ACBSP - một chuẩn khá khó trong đào tạo ngành kinh doanh.

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm