Nhà giáo U80 kể khổ đời hiệu trưởng và sự "cởi trói" để thầy, trò hạnh phúc

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Gần 500 hiệu trưởng trên khắp cả nước cùng tham gia hội thảo giáo dục để tìm ra giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa (78 tuổi, nhà sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những diễn giả của hội thảo "Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi" diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội ngày 20/10.

Tại hội thảo, thầy Hòa chia sẻ kinh nghiệm quý báu về hành trình "cởi trói" cho học trò và những điều thầy quyết định thay đổi để xây dựng nên trường học hạnh phúc.

Nhà giáo U80 kể khổ đời hiệu trưởng và sự cởi trói để thầy, trò hạnh phúc - 1

Gần 500 thầy cô hiệu trưởng từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước tham gia hội thảo về xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Phương Nhung).

"Đời hiệu trưởng sao mà khổ thế!"

Nhớ về những năm đầu mới thành lập trường, thầy Hòa luôn giữ triết lý và mục tiêu giáo dục để đào tạo nên những lứa học trò xuất sắc, tài năng và trở thành nhân tài của xã hội.

Bên cạnh đó, dù là hiệu trưởng trường dân lập nhưng thầy xây dựng phương hướng quản lý, phong cách theo hướng các trường công lập vì phụ huynh lúc bấy giờ tin tưởng vào chất lượng các trường công lập nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào hiện thực, nhiều vấn đề nảy sinh khiến "tư tưởng đào tạo nhân tài" tiêu tan: học sinh quậy phá, không chịu học hành, gây rối; giáo viên bị xúc phạm, lên tìm hiệu trưởng để "kiện", không chịu được áp lực rồi xin nghỉ việc; phụ huynh khi thấy con không tiến bộ cũng lên tìm hiệu trưởng để "kiện",…

"Cha mẹ mong con đến trường sẽ giỏi giang. Nhà trường thi hành những biện pháp, quy chế ngặt nghèo. Nhiều thầy cô phải bỏ nghề do không chịu được áp lực từ trường tư. Tôi thì suốt ngày đi "xử kiện", nhiều lúc nghĩ: Đời hiệu trưởng sao mà khổ thế!", thầy Hòa kể lại.

Nhà giáo U80 kể khổ đời hiệu trưởng và sự cởi trói để thầy, trò hạnh phúc - 2
Thầy Nguyễn Văn Hòa, nhà sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Phương Nhung).

Nhận thấy nhiều vấn đề trong cách vận hành và quản lý trường học, thầy Hòa quyết định phải thay đổi nhà trường và thay đổi chính bản thân mình: "Tôi nghĩ đến việc phải cởi trói cho học trò bằng cách giảm bớt những quy chế, quy định trong nhà trường".

Thầy Hòa cho biết, nhiều người tin rằng càng đặt ra nhiều quy định sẽ càng dễ quản lý được học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nhà trường đưa ra càng nhiều quy định, học sinh càng tìm cách phá vỡ vì các em đang trong tuổi dậy thì, độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm.

Để làm được điều ấy, thầy thuyết phục giáo viên và thuyết phục chính mình phải yêu thương học trò, không áp dụng những kỷ luật hà khắc khi học sinh làm sai hoặc bị điểm kém. Ngoài ra, thầy Hòa cũng nhấn mạnh rằng, thầy cô không nên đặt nặng thành tích, chạy theo điểm số và luôn phải tạo ra bầu không khí vui vẻ trong lớp học.

"Tôi khuyên các thầy cô đừng dùng con mắt phân loại, con mắt điểm số để nhìn học trò, đặc biệt với những em học sinh trường tư thục vì có những em không đủ điểm vào trường công lập mới vào trường tư thục", thầy Hòa chia sẻ.

Hậu quả của giáo dục chỉ chạy theo thành tích

Theo thầy Hòa, việc chạy theo thành tích sẽ khiến học sinh mất đi sự độc lập, tự tin và trở thành những con người "chỉ biết thực hành", không đào tạo ra được những người sáng tạo.

Sau tất cả, thầy Hòa nhận ra, học tập chỉ là một trong những năng lực của con người và không có học sinh nào là yếu kém. Bên cạnh đó, thầy cũng đặt ra mục tiêu giáo dục sẽ vì sự tiến bộ phát triển của học sinh thay vì đạt được điểm số và thành tích cao.

Ngoài câu chuyện về hành trình "cởi trói" cho không chỉ học trò mà cả với giáo viên, thầy Hòa cũng nêu lên vai trò, sứ mệnh và bản chất đích thực của nhà giáo. Đó là trở thành nhà giáo dục, đồng thời là nhà tâm lý.

"Các thầy cô cần nâng cao hiểu biết về tâm lý học để có thể hiểu chính mình, yêu chính mình và sống hài hòa. Đến lúc đó, thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và xã hội sẽ hạnh phúc", thầy Hòa chia sẻ.

Cũng theo thầy Hòa, người thầy nên trở thành người truyền cảm hứng. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy học làm sao để học sinh thấy hứng thú, thích đi học, cảm thấy tò mò, từ đó các em trở nên chăm học và phấn đấu trong tương lai.

Thay đổi phụ huynh, thay đổi cách vận hành trong nhà trường

Trao đổi tại buổi hội thảo, nhiều hiệu trưởng bày tỏ sự đồng tình với chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hòa, đồng thời nêu lên những góc nhìn khác về sự thay đổi trong nhà trường để tạo dựng trường học hạnh phúc.

Thầy Phạm Khắc Chung (Hiệu trưởng của một trường học tại tỉnh Đắk Nông) đưa ra ý kiến thay đổi từ những điều nhỏ. Cụ thể, thầy cho rằng nên thay đổi cách vận hành của đội sao đỏ do học sinh thực hiện khi chấm điểm các học sinh khác dựa trên nhưng bộ quy tắc do nhà trường đề ra.

Điều này vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa cả ngàn học sinh với những em học sinh tham gia vào đội sao đỏ của nhà trường.

Nhà giáo U80 kể khổ đời hiệu trưởng và sự cởi trói để thầy, trò hạnh phúc - 3

Thầy Phạm Khắc Chung, hiệu trưởng tại tỉnh Đắk Nông, chia sẻ câu chuyện giáo dục của trường mình tại hội thảo (Ảnh: Phương Nhung).

Cô Phạm Thị Nguyệt (Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đồng Nai) cho biết, đối tượng cô luôn hướng tới để thay đổi là phụ huynh. Trong nhiều năm làm hiệu trưởng, cô luôn cố gắng họp với gần như 1.000 phụ huynh để chia sẻ trực tiếp, thay đổi quan điểm, tư tưởng của họ.

"Phụ huynh là người đồng hành, chia sẻ, hiểu và giúp đỡ thầy cô. Nếu phụ huynh không thay đổi, vẫn đòi hỏi con cái và tạo áp lực cho thầy cô thì sẽ rất khó xây dựng được một trường học hạnh phúc", cô Nguyệt chia sẻ.

Nhà giáo U80 kể khổ đời hiệu trưởng và sự cởi trói để thầy, trò hạnh phúc - 4
Cô Phạm Thị Nguyệt đến từ tỉnh Đồng Nai chia sẻ câu chuyện giáo dục của mình tại hội thảo (Ảnh: Phương Nhung).

Hội thảo "Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi" được tổ chức bởi Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp cùng hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cùng kênh truyền hình giáo dục VTV7. Hội thảo năm nay có sự tham gia của khoảng 500 hiệu trưởng trên khắp cả nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm