Nhà giáo dục Việt đưa triết lý "Trường học kiến tạo" đến Việt Nam
(Dân trí) - Khi đến trường Riverside (Ấn Độ) - mô hình trường học sáng tạo nhất giới năm 2023 - đoàn giáo viên Việt Nam đã nhìn thấy sự thật tâm cho giáo dục, cho trẻ nhỏ là việc có thể thực hiện được, bắt đầu từ những điều giản dị.
Vào giữa năm 2023, 25 nhà giáo dục, quản lý, giáo viên từ Việt Nam đến Ấn Độ trải nghiệm tại ngôi trường kiến tạo Riverside - mô hình trường học vừa chiến thắng giải thưởng WorldsBestSchool Prizes và trở thành một trong những trường học sáng tạo nhất thế giới năm 2023.
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - người đưa mô hình "Trường học kiến tạo" về Việt Nam, Giám đốc quốc gia của phong trào trẻ em thế giới Design for Change - chia sẻ hành trình đặc biệt này.
Là người đưa mô hình giáo dục "Trường học kiến tạo" từ trường Riverside ở Ấn Độ về Việt Nam, cũng là cầu nối để các nhà giáo dục Việt đến tham quan trường, điều gì ấn tượng nhất với bà từ những chuyến đi này?
- Sự khác biệt tại ngôi trường này là họ thật sự tin đứa trẻ và trao quyền cho trẻ. Khi tôi đưa triết lý giáo dục của "Trường học kiến tạo" về Việt Nam, thường gặp rào cản về niềm tin rằng, đấy chỉ là lý tưởng, giấc mơ, chứ thực tế không thực hiện được.
Phải khi sang Ấn Độ, mắt thấy tai nghe, nhiều người mới tin rằng giấc mơ giáo dục ấy có thật, bắt đầu từ những điều rất giản dị.
Trường Riverside tin và trao quyền cho đứa trẻ như thế nào?
- Năm 2017, khi lần đầu đến trường, tôi được hai học sinh tiểu học tiếp đón, giới thiệu. Tôi ngạc nhiên và giải thích rằng, mình là chuyên gia đến tìm hiểu triết lý giáo dục của trường chứ không phải phụ huynh đến tham quan. Họ đáp: "Vâng! bất cứ điều gì cô muốn hỏi, hãy hỏi học sinh".
Nỗi hoài nghi của tôi hạ xuống khi mọi câu hỏi, thắc mắc, sự quan tâm của tôi đều do học sinh trả lời, giải đáp.
Triết lý giáo dục một trường học thường được trình bày qua phát ngôn của lãnh đạo trường nhưng ở đây học sinh cho thấy các em thực sự thấm nhuần và sống cùng các triết lý giáo dục đó mỗi ngày.
Lần này cũng vậy, không ít lần chúng tôi trở thành "học trò" của các em. Học sinh là người "đứng lớp" để trao đổi, trả lời câu hỏi, thắc mắc từ các vị khách Việt Nam một cách tự nhiên chứ không phải kiểu thuộc bài.
Giờ học thể thao của họ không có giáo viên, các em tự hướng dẫn nhau. Lớp chia theo nhóm, mỗi nhóm sẽ nhận trách nhiệm hướng dẫn lớp thực hiện một trò chơi hay kỹ năng thể thao nào đó.
Dịp chúng tôi đến cũng là ngày trẻ mầm non nhập học. Trường có hoạt động gọi là "bạn đồng hành", các bé ngày đầu đến trường được hướng dẫn, hỗ trợ bởi chính các anh chị học sinh cấp 2.
Các bạn tuổi teen rất kiên nhẫn, dịu dàng với các bé không kém gì một giáo viên mầm non. Sau đó, các bạn còn họp để tự đánh giá, rút kinh nghiệm xem mình đã làm gì tốt, chưa tốt trong buổi đầu.
Nhìn cách họ làm, chúng tôi tự hỏi mình có dám trao quyền cho học sinh đến thế chưa, có dám để các em chủ trì buổi họp với khách, tự dạy học cho nhau, hội nhập cho học sinh mới như vậy?
Người lớn thường mang nỗi hoài nghi "trẻ con sao làm được". Điều này được ngôi trường sáng tạo nhất thế giới giải quyết ra sao?
- Nhiều người nhầm lẫn "tự do", "tôn trọng" hay "trao quyền" tức là để học sinh muốn làm gì thì làm. Cần hiểu "tự do" hay "trao quyền" chỉ có giá trị, ý nghĩa và đúng hướng khi học sinh có năng lực để đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong không gian tự do mình được trao.
Trong những ngày học tập và quan sát ở Riverside, tôi nhận ra những hành vi xuất sắc, tự chủ của học sinh không phải là một phép màu ngẫu nhiên. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị tỉ mỉ và kiên trì "gieo trồng" những tư duy, giá trị, năng lực thiết yếu trong cộng đồng nhà trường.
Họ quý thời gian của học trò nên từng hoạt động ở trường không được phép vô nghĩa, hời hợt. Mỗi hoạt động đều được đúc kết, trả lời kỹ lưỡng câu hỏi "Học sinh sẽ học được gì từ việc này?".
Họ tỉ mỉ, tinh tế trong tương tác với trẻ. Đó là sự kiên định, nhất quán, rất thật tâm với công việc, kiên trì làm đi làm lại một việc cho đến khi điều đó trở thành thói quen, bản tính.
Họ mất nhiều thời gian với học sinh nhưng không phải dành vào việc "đổ đầy kiến thức". Phần lớn thời gian của họ xoay quanh việc chuẩn bị những thứ giúp học sinh có năng lực đưa ra lựa chọn đúng đắn cho việc học, cho cuộc đời của các em.
Ở ta hay thấy cái gọi là "bệnh phong trào", rộ lên giáo dục STEM rồi rộ lên giáo dục cảm xúc..., được ít lâu thì quên lãng, chạy theo một phong trào mới. Mấy ai chịu dành thời gian 20 năm gieo trồng những "hạt mầm giáo dục" cho thật ăn sâu bén rễ như vậy?
Khi đưa mô hình giáo dục "đi vào đứa trẻ" này về Việt Nam, bà có lường trước những áp lực?
- Khi sang Việt Nam, nhà giáo dục Kiran Bir Sethi, người khai sinh mô hình "Trường học kiến tạo" ngạc nhiên: "Một ngày học của các bạn dài vậy ư?".
Ngày học của họ chỉ từ 9h sáng đến 2h chiều, học sinh ăn sáng ở nhà, bữa trưa ở trường là đồ ăn chay hoặc một món đơn sơ được phục vụ ở hành lang hay sân trường. Giờ trưa học sinh ra sân đất chơi bóng chứ không ngủ ở phòng máy lạnh. Họ không tốn thời gian cho những việc rườm rà hình thức.
Cơ sở vật chất của họ giản dị, bình thường nhưng chất lượng học tập và văn hóa trường học ở tầm vóc quốc tế. Họ dành phần lớn thời gian và tiền bạc để đầu tư cho những gì thực sự đi vào đứa trẻ, làm nên giá trị giáo dục thực chất.
Thời gian biểu có nhiều tiết dành cho các kiến thức đời sống, kỹ năng thực tế như lên kế hoạch, dự án, giờ rèn luyện nhân cách, cân bằng giữa học và chơi, giữa phát triển bản thân và cống hiến cho cộng đồng chứ không chỉ có học thuật.
Điều này không có nghĩa là họ hy sinh sự xuất sắc về học thuật. Trường đang dạy theo một chương trình tiêu chuẩn quốc tế, kết quả học tập của học sinh vẫn dẫn đầu bang. Học trò lễ phép, thể hiện rõ tinh thần về lòng biết ơn, sự thấu cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Chúng ta thường nghĩ về lựa chọn theo lối "được mất", chọn học giỏi thì phải hy sinh thời gian rèn luyện phẩm cách, trường học muốn hạnh phúc thì phải hy sinh tính hiệu quả… Họ lại cho rằng hoàn toàn có những cách để đạt được những mục tiêu này cùng nhau.
Giữa nhiều xu hướng giáo dục, tôi đặc biệt ấn tượng với "Trường học kiến tạo" và quyết định đưa nó về Việt Nam vì mô hình này chú trọng đến việc vun trồng tinh thần trăn trở và sẵn sàng kiến tạo giải pháp cho những vấn đề xung quanh mình.
Tinh thần ấy thật sự cần thiết, không chỉ trong học sinh, mà còn trong giáo viên, cha mẹ và bất cứ ai tham gia vào hành trình giáo dục đứa trẻ.
Vì đôi khi, bạn cứ mải mê đi tìm kiếm sự đổi mới giáo dục trong những thứ hình thức mà quên mất rằng sự đổi mới có thể nằm trong chính những lựa chọn hàng ngày của bạn.
Tại Việt Nam, FAROS Education & Consulting là đại diện chính thức và duy nhất của mô hình "Trường học kiến tạo" - một mô hình đã lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới, giúp các trường học đưa ra những lựa chọn hiệu quả và xây dựng những giá trị môi trường giáo dục tin tưởng, trao quyền cho học sinh.