Nhà giáo Đào Văn Định – người thầy của những nhân cách lớn

(Dân trí) - Ngót một thế kỷ thành lập, 55 năm trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhiều thế hệ học trò đã khôn lớn và trưởng thành từ mái trường THPT chuyên Lê Hồng Phong này, nhưng ít ai biết về người thầy hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường nức tiếng thành Nam. Thầy chính là nhà giáo Đào Văn Định.

Trải qua gần 40 năm đứng lớp (1926 – 1962), trong đó có 12 năm trực tiếp làm hiệu trưởng đầu tiên và liên tục từ trường chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền, đến trường Phổ thông cấp III kháng chiến Liên khu III, trường THPT Lê Hồng Phong, nhà giáo Đào Văn Định đã góp phần xây nền đắp móng, cùng với tập thể giáo viên các thế hệ, vượt qua bao gian nan vất vả trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, thủy chung một lòng đóng góp công lao giáo dục và đào tạo nhiều thế hệ trẻ thành công dân tốt cho đất nước.



Nhà giáo Đào Văn Định – người thầy của những nhân cách lớn

Họa sỹ Văn Thơ trao tặng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bức tranh kỷ niệm về thầy hiệu trưởng Đào Văn Định

“Phải học cho thành tài, làm gì thì làm nhưng chớ làm quan”

Sinh năm 1900, gốc tại Hưng Yên nhưng nhà giáo Đào Văn Định lại ra đời và lớn lên tại Nam Định. Năm 1923, thầy Đào Văn Định tốt nghiệp khóa 2 trường CĐ Sư phạm Đông Dương, ban khoa học tự nhiên. Lúc này, thầy có điều kiện đầy đủ để xin làm quan, được hưởng lương cao, bổng hậu, nhưng nhớ lời cha dặn “phải học cho thành tài, làm gì thì làm nhưng chớ có làm quan”, thầy đã chọn nghề dạy học. Thầy được bổ nhiệm làm Giáo sư CĐ Tiểu học Hải Phòng cùng năm tốt nghiệp.

Đến tháng 2/1925 thầy chuyển về dạy ở trường CĐ Tiểu học Phát – Việt Nam Định hay còn gọi là trường Thành Chung (tiền thân của trường THPT Lê Hồng Phong). Giữa năm 1926 thầy bị giáng chức xuống dạy bậc tiểu học ở Sơn Tây vì khuyến khích học sinh của trường tham gia bãi khóa và làm lễ truy điệu, để tang cụ Phan Châu Trinh. Những học sinh khởi xướng như Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (Tổng bí thư Trường Chinh)… bị đuổi học vĩnh viễn, hơn 130 học sinh bị buộc thôi học tạm thời hoặc tước học bổng.

Thầy trò Trường Thành Chung-Nam Định năm 1941 (Thầy Đào Văn Định ngồi hàng đầu, thứ 4 từ trái qua)

Thầy trò Trường Thành Chung-Nam Định năm 1941 (Thầy Đào Văn Định ngồi hàng đầu, thứ 4 từ trái qua)

Giáo viên Trường Lê Hồng Phong (1959-1960)

Giáo viên Trường Lê Hồng Phong (1959-1960)

Năm 1946, thực hiện vườn không nhà trống, thầy Đào Văn Định đã cùng vợ dắt theo các con đi tản cư. Nhớ lại những ngày này, GS.TS Đào Văn Phan, người con thứ bảy của thầy viết: Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cụ đã bỏ lại toàn bộ nhà cửa, tài sản dẫn một bày con lóc nhóc đi tản cư, không hề biết ngày về.

Với lương bằng vài chục cân gạo, các cụ phải tự bươn trải cho cuộc sống mà chẳng hề kêu ca. Kháng chiến chống Pháp thành công, các cụ trở về thành phố nhưng nhiều năm sau đó vẫn không được ở căn nhà của mình. Cũng không một lời kêu ca trách móc, luôn giữ vững lòng tin, luôn vui vẻ công tác, luôn động viên con cháu học tập và làm việc.

Có lẽ với nhà giáo Đào Văn Định, điều hạnh phúc nhất của thầy là những học trò của mình đã góp phần làm rạng danh đất nước. 40 năm trong ngành giáo dục, thầy Định cùng với các thầy của trường Thành Chung, Nam Định và các trường hậu duệ trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến, phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền, rồi Nguyễn Quốc Trị Liên khu III, Lê Hồng Phong Nam Định, đã kịp đào tạo hàng vạn thanh niên, học sinh của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trở thành những nhà khoa học, viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, những công nhân, cán bộ chiến sĩ ưu tú. Đó là các nhà hoạt động chính trị như Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Phạm Minh Hạc, Đỗ Nguyên Phương. Các tướng lĩnh như Mai Chí Thọ, Nguyễn Sỹ Quốc; các nhà báo, nhà văn như Thép Mới, Nguyễn Tuân, Nguyễn Gia Nùng; các nhà khoa học như GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, Đào Thế Tuấn, Nguyễn Năng An…

Giáo viên Trường Lê Hồng Phong (1959-1960)

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT chia sẻ kỷ niệm về người thầy kính yêu Đào Văn Định

Một gia đình của những nhà giáo

Đặc biệt, một số học trò của thầy đã tự nguyện, tận tâm tiếp nối sự nghiệp trồng người mà thầy đã mở lối và khuyến khích để trở thành những người thầy giáo, cô giáo thủy chung, hết mình vì các thế hệ học trò.

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, bước chân ông đã run run, ánh mắt đã mờ hơn vì tuổi già, nhưng ông vẫn trở về mái trường này để dự buổi tọa đàm về người thầy kính yêu. Ông liên tục phải ngừng lời vì xúc động: “Chúng tôi thật may mắn và tự hào là học sinh của thầy Hiệu trưởng Đào Văn Định, một nhà văn hóa và giáo dục tiêu biểu, đã lãnh đạo nhiều trường trung học trong cả nước trong những năm đầu xây dựng nền giáo dục cách mạng nước nhà.

Chúng tôi nhớ mãi những bài giảng của thầy đã cho chúng tôi nhiều kiến thức vững vàng, phương pháp tư duy khoa học, đủ sức đi tiếp các bậc học cao hơn, sánh kịp với các trường khác trong nước và cả nước ngoài.

Tôi nhớ mãi những giờ giảng Toán của thầy, giờ nào thầy cũng nghiêm trang, nhưng ánh mắt qua cặp kính của thầy dưới ngọn đèn dầu như nhìn thấu sự tiếp thu của từng học sinh, câu nào của thầy cũng “như đinh đóng cột”, khắc sâu cách chứng minh và cách ứng dụng bài tập toán một cách khoa học, chân lý vào tâm trí chúng tôi”.

Không được học thầy Đào Văn Định, nhưng với nhà giáo Dương Quang Cung, cựu giáo viên trường Phổ thông Cấp III liên Khu III vẫn không thể quên những ngày đầu về nhận công tác làm việc tại ngôi trường này. Thầy còn nhớ rất rõ: Trường cấp III liên khu III bấy giờ mới rời về bên cạnh hồ Ra – két, là 2 dãy nhà lá hun hút. Đặt đôi chân trước cổng trường, mọi cái đều xa lạ, bỡ ngỡ, cái ý niệm về công việc dạy học trong tôi lúc đó còn rất mơ hồ, chông chênh. Nhưng trong giây phút đầu tiên gặp cụ Hiệu trưởng (thầy Đào Văn Định), tự nhiên lòng thấy bình yên, giống như đứa trẻ chập chững tập đi những bước đầu tiên, bên cạnh có người cha dang rộng đôi tay dìu dắt nâng đỡ.”

Thuộc thế hệ con cháu và từng học với cháu nội của nhà giáo Đào Văn Định cũng tại mái trường Lê Hồng Phong, Th.s Vũ Đức Thọ, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong đã chia sẻ: Tên tuổi, danh tiếng của trường Lê Hồng Phong được tạo dựng nên bởi công lao của nhiều thế hệ, như một dòng chảy liên tục của lịch sử nhà trường, trong đó không thể không nhớ đến thầy Đào Văn Định. Thầy là mẫu mực điển hình của một nhà sư phạm, từ cách suy nghĩ, lối ứng xử đến lời nói, nếp sống, tác phong đều rất chuẩn mực.

Là Hiệu trưởng, thầy có cách làm việc khoa học, nghiêm túc, cẩn trọng nhưng trong cuộc sống thầy lại rất gần gũi, thân tình. Thầy đã trở thành trung tâm đoàn kết của Hội đồng giáo viên. Dưới sự dẫn dắt của thầy, tập thể giáo viên của trường đã phát huy tinh thần làm việc hăng say, tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh, đưa nhà trường trở thành cái nôi đào tạo nhân tài cho cả nước.


Giáo viên Trường Lê Hồng Phong (1959-1960)

Các con cháu nhà giáo Đào Văn Định dự buổi tọa đàm về người cha, người ông kính yêu do trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức ngày 21-3

Sự tâm huyết với nghề giáo của thầy Đào Văn Định còn truyền lửa cho các con của thầy.

Thầy sinh được 12 người con nhưng một người con của thầy đã qua đời khi còn nhỏ sau một trận ốm nặng. 11 người con của thầy đã noi gương cha phần lớn trong số đó đều gắn bó với nghề giáo, tạo nên một nếp nhà gia giáo và họ đều là đảng viên Đảng cộng sản. Đó là nhà giáo Đào Văn Phúc, nguyên Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục; NGƯT Đào Văn Phú, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội; Đại tá Đào Văn Phùng, nguyên Trưởng khoa Quân sự, ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh; TS. Đào Văn Phong, nguyên Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Nam Định; nhà giáo Đào Thị Phượng, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hà, Hoàng Văn Thụ, TP. Nam Định; GS.TS Đào Văn Phan, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, ĐH Y Hà Nội; nhà giáo Đào Văn Phiên, nguyên Trưởng phòng phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nam.

Nói về cha mình, GS.TS Đào Văn Phan không khỏi xúc động khi có lúc ông cũng không thể tin được vì sao bố mẹ ông đã vượt được bao khó khăn của cuộc sống tản cư để nuôi dạy 11 người con thành người, tất cả đều siêng năng học hành, trở thành các tri thức, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. “ Có lẽ chính niềm tin mãnh liệt về kháng chiến, về Đảng và Bác Hồ đã trở thành lẽ sống, giúp bố tôi vượt qua mọi khó khăn, sắt son, thủy chung kiên định với cong đường cách mạng và nghề dạy học mà ông yêu thích từ nhỏ” – GS. TS Đào Văn Phan bày tỏ tâm niệm…

Trong hai ngày 21, 22/3, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường và đón Cờ thi đua của Chính phủ. Món quà kỷ niệm nhà trường tặng cho các thế hệ học sinh là cuốn kỷ yếu nhỏ kỷ niệm lần thứ 115 năm sinh của nhà giáo, thầy hiệu trưởng Đào Văn Định.

Ai đã từng học thầy đều thổn thức kỷ niệm, cảm xúc và bao tình cảm thân thương dành cho người thầy đáng kính một đời thanh bạch. Ai chưa từng học thầy cũng thấy rộn lên niềm tự hào khi ngôi trường danh tiếng này đã được gây dựng bởi một nhà giáo tận tâm, tận lực cho đời.

Và hàng ngàn học sinh, cựu học sinh Lê Hồng Phong tề tựu trong ngày hội trường đều chung nguyện ước, có một ngày nào đó, Nam Định sẽ có một trường THPT mang tên nhà giáo Đào Văn Định, để tri ân công ơn của thầy và cũng để viết tiếp trang sử giáo dục vẻ vang của tỉnh nhà.

Lam Yên