Nguyện vọng 2 hay nguyện vọng “ảo”?
Ngày 12/8, điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2005 đã được công bố, kèm theo đó là chỉ tiêu dành cho NV 2, 3. Nhưng ngay lập tức các nhà tuyển sinh đã nhận ra tính chất “ảo” của cái gọi là NV2
Ma trận số và giấc mơ nguyện vọng 2 của thí sinh
Có thể dễ dàng nhận thấy điều này ngay từ những con số: tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cả nước là 122.491; số thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng 1 (NV1) đã là 116.969. Từ 2 con số tổng hợp trên có thể thấy số chỉ tiêu dành cho NV2 chỉ là 5.522! Với chỉ tiêu này, con số 152.282 thí sinh đủ tiêu chuẩn vào nguyện vọng 2 là quá lớn.
Vậy thực chất của con số 52.385 chỉ tiêu dành cho nguyện vọng (NV) 2, 3 là gì? Con số này bao hàm chỉ tiêu hơn 50 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi và các trường còn xét tuyển, trong đó chỉ có 10 trường ĐH. Trong 10 trường ĐH lại chỉ có 1 trường ĐH công lập, còn lại là 9 trường ĐH dân lập (DL).
Các chỉ tiêu cụ thể như sau: ĐH (chủ yếu là DL như đã nói ở trên): 15.400; CĐ: 21.740; hệ CĐ của các trường ĐH: 15.247.
Nếu lấy Hà Nội làm một ví dụ: Số thí sinh cần tuyển thêm theo NV2 của khu vực này chỉ là 2.624 trong khi nguồn tuyển (số thí sinh từ 15 điểm trở lên còn đứng ngoài cổng trường) là 25.622 (gấp khoảng 10 lần).
Lấy ĐHKH Tự nhiên thuộc ĐHQG HN làm một ví dụ: trường này dành 20% chỉ tiêu để lấy thí sinh theo NV2; nghe con số 20% có vẻ lớn nhưng thực chất chỉ còn khoảng 220 chỗ thí sinh theo NV2.
Tuy nhiên, hiện có khoảng 1.200 thí sinh đạt từ 19 điểm trở lên ở trường này có thể xếp hàng để chờ tuyển NV2. Trường này sẽ lấy NV2 từ trên xuống và có nghĩa là sẽ có khoảng non 1.000 thí sinh của chính trường đó lại rơi vào bi kịch trường thi lần thứ 2 (đó là chưa kể số lượng các thí sinh điểm cao (26-24 điểm) ở các trường ĐH khác như ĐHBK, ĐH Dược, ĐH Y khoa HN “đầu quân” vào NV2 của trường này.
Nếu số thí sinh điểm cao ở các trường khác cũng ném hy vọng cuối cùng của giấc mơ ĐH vào trường này nữa thì tỷ lệ chọi còn cao hơn và như các nhà phân tích miêu tả “cuộc chiến” còn có hồi gay gắt hơn.
Các nhà tuyển sinh có sẵn lòng lấy thí sinh nguyện vọng 2?
“Chúng tôi không có chỗ cho NV2”, có thể dễ dàng nhận được những câu trả lời tương tự từ các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Ngoại Thương, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Xây Dựng,...
6 điểm vẫn có thể vào học đại học
Theo ông Đỗ Duy Dự, Thư ký Ban Chỉ đạo Tuyển sinh, với các trường đào tạo nhân lực cho địa phương như khu vực ĐBSCL có thể áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh.
Theo đó, các trường này được lấy chênh lệch giữa các khu vực không phải là 0,5 điểm mà là 1,0 điểm hoặc 1,5 điểm, nhưng không quá 2. Nếu trường nào tính kịch kim đến 2,0 điểm tức là từ mức khởi đầu 14,0 điểm có thể lấy thí sinh khu vực 2 là 12,0; khu vực 2 nông thôn là 10,0; khu vực 1 là 8,0 thì có thể lấy kịch nhất 6,0 điểm. Tuy nhiên, thông thường các trường chỉ lấy chênh lệch đến 1,5. |
ĐHDL Thăng Long là trường DL luôn dành nhiều chỉ tiêu cho NV2,3 (năm nay trường này lấy chuẩn khối A là 16,0 nên dành tới 90% chỉ tiêu để nhận NV2). Tin từ trường này cho biết trường cũng phải gọi dôi thí sinh ra vì sau năm thứ nhất cũng có khoảng 10 % thí sinh xin bảo lưu để đi thi lại ĐH khác.
Nhìn chung, các ĐH tốp sau và các ĐHDL cũng ngại ngùng khi cực chẳng đã phải tuyển NV2.
Nguyện vọng 2, ở đâu?
Các trường ĐH công lập như đã nói, dành rất ít chỉ tiêu cho NV2. Ở khu vực phía Bắc, thí sinh có thể trông chờ vào các ĐHDL là chủ yếu như: ĐHDL Thăng Long (900 chỉ tiêu), ĐHDL Phương Đông (400-500 chỉ tiêu), ĐHDL Quản trị Kinh doanh HN (1200) nếu không có ý định dùng các trường này làm bến đỗ tạm để chờ thi ĐH khác.
Nếu các thí sinh sẵn sàng cho việc “di cư” vào khu vực phía Nam (xin lường trước khó khăn về chỗ ở, giá cả sinh hoạt đắt đỏ hơn...) thì sẽ có rất nhiều trường ĐHDL đang chờ đón.
Ngoài ra, có những trường ĐH khu vực đang chờ đón các bạn. Theo tính toán cơ học từ phía Bộ GD-ĐT, các trường đào tạo nhân lực cho địa phương có thể lấy “kịch kim” (theo khu vực, năm nay) là 6,0 điểm (xem box)!
Ý kiến các nhà tuyển sinh
Một số nhà tuyển sinh cho rằng trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này. Ông B, một nhà tuyển sinh ĐH tốp 3 cho rằng Bộ GD-ĐT đã giải quyết bài toán tuyển sinh một cách đầy lúng túng.
Theo ông, năm nay, Bộ đã tránh việc dư luận đánh giá điểm thấp biểu hiện chất lượng thấp của phổ thông nên đã làm dễ đề thi, dẫn đến kết quả cao quá và một lần nữa lại... lúng túng khiến các trường đang được một phen phải gỡ rối.
Dư luận đang cho rằng việc lấy thêm thí sinh có điểm dưới chuẩn vào học 7 ngành của ĐHBK thực chất là “hạ chuẩn” để cứu vớt số thí sinh đạt 24,5-25 điểm bị trượt ĐH (khoảng 700 người). Theo thông tin không chính thức, có các ĐHKTQD, ĐHBK, ĐHNT... cũng đang đề nghị Bộ cho thành lập lớp học đóng tiền để giải quyết số thí sinh đạt điểm cao quá bị trượt ĐH (ở ĐHNT, nếu Bộ cho phép, sẽ có 2 lớp đóng tiền chứa được khoảng 100-200 thí sinh).
“Không lý gì 25, 26 điểm cũng trượt ĐH thì thật phi lý. Số thí sinh này sẽ đi đâu và sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội” - Một nhà tuyển sinh ở ĐHNT nói.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho rằng nên có 3 ĐS: một sàn như kiểu 15 điểm để miễn dự tuyển; một sàn, với mặt bằng điểm như năm nay, khoảng 24 điểm và sàn thứ 3 cho riêng các trường ĐHDL.
Theo ông, ĐS số 2 có thể thay đổi theo mặt bằng điểm các năm. Như năm nay sàn đó có thể 24 điểm và tất cả các TS đạt 24,0 trở lên đều nên được bố trí vào học ở một số trường ĐH để đỡ bỏ phí nhân tài (thật không công bằng khi mà 15 điểm có thể học ĐH trong khi 25 điểm không được học ĐH).
Theo Hồ Thu
Tiền phong