Nguyên Ủy viên BCT Vũ Oanh nói về 2 dấu ấn lớn trong công tác khuyến học
(Dân trí) - “Từ khi tôi làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, tuy vất vả nhưng cũng rất thành công với khẩu hiệu: “Cả nước là một xã hội học tập” và giải thưởng của Hội là “Nhân tài đất Việt” - là hai dấu ấn lớn trong cuộc đời tôi” - ông Vũ Oanh nói.
Vào đúng buổi chiều lất phất mưa bay ngày 16/9/2014, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật tròn 90 tuổi của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh (tên thật là Vũ Duy Trương) - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (nhiệm kỳ 1999 - 2005) tại nhà riêng ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), PV Dân trí đã cùng nhiều đại diện từ các cơ quan ban ngành đến chúc mừng nguyên Uỷ viên BCT ngay tại căn nhà mang dáng dấp xưa cũ nhưng đã lưu đựng lại rất nhiều khoảng khắc, bảng vàng ghi nhận thành quả đóng góp cho Cách mạng, ghi nhận công lao xây dựng đất nước đến từ lãnh đạo nhà nước và nhân dân.
Chia sẻ với PV Dân trí về sức khỏe hiện tại, ông Vũ Oanh kể lại một lời “tiên tri” trước đó đã dự đoán rằng ông chỉ sống được đến năm 40 tuổi. Tuy nhiên, đúng thời điểm đón nhận những bó hoa tươi thắm, cùng những lời chúc mừng nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của mình - ông Vũ Oanh cho biết: “Thời trai trẻ, tôi nhận được một lời tiên tri mách rằng, tôi chỉ sống được đến năm 40 tuổi thôi. Nay đã đi qua tuổi 90 rồi, nhưng giờ đây tôi thấy mình vẫn còn đủ sức khoẻ để hướng đến những điều mà bản thân tôi mong muốn thành hiện thực”.
"Tôi nói đó là cái tình cờ của lịch sử mình vượt qua được, mà tôi đau ốm như thế rồi, sức khỏe yếu nhưng về sau thì Đảng, Nhà nước giao rất nhiều nhiệm vụ cứ phải làm, không phải do mình yếu mà từ chối được, cứ phải theo đuổi công việc, vượt khó khăn về sức khỏe để làm việc. Hiện tại, dù tôi đã già đi rất nhiều, nhưng đầu óc luôn tỉnh táo và minh mẫn, vẫn còn có thể đóng góp về kinh nghiệm cho thế hệ trẻ và duy trì sinh hoạt thường xuyên với các “bô lão” tại CLB Thăng Long" - ông Vũ Oanh chia sẻ.
Về những bí quyết học hỏi được trong cuộc đời làm cách mạng, ông Vũ Oanh cho biết: “Tôi làm Cách mạng đúng vào lúc Bác Hồ về, đổi mới tư duy là cái quan trọng lắm. Bác Hồ đặt vấn đề giải phóng dân tộc là trên hết, trước hết, thành ra tôi mới vào cuộc nắm ngọn cờ dân tộc tuyên truyền cho học sinh, các em mới theo. Sau này mới có những người bạn đồng hành; mấy trăm anh em cán bộ cùng làm việc với mình, ăn cơm nhà làm việc nước”.
Theo lời ông Vũ Oanh: "Hội Khuyến học đầu tiên được sáng lập có vấn đề giáo dục là quốc sách hàng đầu và cụ Nguyễn Lân làm Chủ tịch Hội. Đến cuối nhiệm kỳ lúc bấy giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp tôi và nói Tôi cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng tha thiết mời đồng chí Vũ Oanh ứng cử vào Hội Khuyến học. Tôi mới nói là tôi chưa học qua lớp 12, chỉ học trung học cơ sở qua lớp 7, nếu là văn hóa trong xã hội là không cao nên rất tự ti, nhưng Đại tướng đã nói là Chúng tôi tín nhiệm anh - thế là tôi ứng cử vào Hội và được bầu làm Chủ tịch”.
Từ khi được ứng cử vào Hội Khuyến học, nguyên Chủ tịch Vũ Oanh đã xây dựng Hội Khuyến học nhân rộng khắp các nước. Ông đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết đi mọi vùng miền trên cả nước để tập huấn, họp bàn công phu, tỉ mỉ với các tỉnh thành, các địa phương.
“Từ khi tôi làm Hội Khuyến học, khẩu hiệu: “Cả nước là một xã hội học tập” là do tôi đặt. Hai nữa là sau này tôi đưa ra giải thưởng “Nhân tài đất Việt”. Đó là hai dấu ấn lớn trong cuộc đời tôi. Cho nên tôi làm Hội Khuyến học là vất vả nhất nhưng cũng thành công nhất. Hồi tôi làm quyết liệt lắm, tôi lấy địa phương Thanh Hóa làm điểm. Tôi phất ngọn cờ Thanh Hóa lên, sau đó nhân rộng ra cả nước, về sau thành Hội ăn sâu bám rễ nhất vào trong nhân dân” - nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học kể lại.
Đồng chí Vũ Oanh (tên thật là Vũ Duy Trương) sinh ngày 16/9/1924, tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông nguyên là học sinh trường Bưởi - Chu Văn An. Từ năm 1941, ông tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Ông vào Đảng tháng 9/1944, và vào chính thức chỉ sau đó 3 tháng, tháng 12/1944. Ông từng được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách khối tự vệ thanh niên Hà Nội. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông (1946), sau đó đổi sang làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1947). Năm 1948, ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương khi 24 tuổi… Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV và trở thành Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII; được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, VII và Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, giữ các chức vụ Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế. Ông cũng là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội (1987-1989). Khi nghỉ hưu, ông được cử làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. |
Quốc Cường