Nguyên giám đốc Sở GD-ĐT xin nghỉ hưu sớm đi học Tiến sỹ
(Dân trí) - "Tôi nghĩ dù mình lớn tuổi nhưng đi học vẫn có lợi cho mình, giúp mình thỏa khát khao tìm hiểu tri thức mới... Điều tâm đắc nhất khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ đó là tôi muốn nhắc nhở con cháu mình phải học và học thật, học nữa” - tâm sự của thầy Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang.
Học để làm gương cho con cháu
Trước khi bước vào câu chuyện xin về hưu sớm đi học Tiến sỹ của mình, thầy Nguyễn Hữu Hạnh kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh khó khăn của gia đình thầy trước những năm 1975. Khi đó, gia đình thầy có 7 anh chị em và để nuôi đàn con này, cha thầy Hạnh đi bán vé xe, mẹ thầy đi bán bánh tầm.
Thầy Hạnh chia sẻ: “Do gia đình khó khăn nên cha tôi có phần thiên vị trong việc học hành của các con. Khi đó, cha chỉ cho con trai đi học và trong 4 người con trai thì chẳng hiểu sao cha tôi lại kỳ vọng ở tôi nhiều nhất trong chuyện học hành. Có một câu nói của cha mà tôi nhớ mãi đến bây giờ là Dù sống ở thời nào, ở đâu… thì trí thức vẫn quyết định được tất cả. Do đó, cha luôn khuyên anh em chúng tôi cố gắng học hành và sau này có con, cháu thì cũng nhắc nhở chúng nó phải học và học thật”.
Qua 4 năm nghiên cứu sinh đã tiêu tốn của thầy Hạnh khoản tiền không nhỏ mà ông đã tích lũy nhiều năm khi còn đang công tác. Đặc biệt, thầy Hạnh bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu, đi đi lại lại giữa Kiên Giang - Thái Nguyên ròng ra 4 năm trời. Tháng 11/2011, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ.
Thầy Hạnh bày tỏ: “Tôi nghĩ mặc dù mình lớn tuổi nhưng đi học vẫn có lợi cho mình, giảm được stress, giúp mình thỏa khát khao tìm hiểu về những tri thức mới. Khi có kiến thức thì tôi thấy lạc quan hơn và thấy rất vững vàng khi phân tích một vấn đề, mình sẽ biết đâu là bản chất, đâu là vấn đề cốt lõi để “giải” vấn đề đó không bị trật đường. Tuy nhiên đối với tôi, điều tâm đắc nhất khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ đó là tôi muốn nhắc nhở con cháu mình phải học và học thật, học nữa. Năm nay mình không đậu, năm sau ôn luyện tiếp, học tiếp để lấy kiến thức, không nên học vì điểm hay vì bằng cấp”.
"Thầy cô giáo phải là người học nhiều hơn"
Hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, lúc nào thầy Hạnh cũng đề cao việc tự học và học thật. Khi còn đương chức Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, không ít lần thầy Hạnh thẳng thừng từ chối những trường hợp xin điểm, xin bằng cấp. Trong khi đó, ông luôn tạo điều kiện cho các thầy cô giáo học tập, nghiên cứu.
Trong gia đình của thầy Hạnh, trong 4 người con của thầy thì có 3 người hoạt động trong ngành Giáo dục và có học hàm, học vị cao bằng sự phấn đấu, ham học hỏi của chính bản thân. Hàng năm, cứ đến ngày 20/11, thầy Nguyễn Hữu Hạnh rất vui vì nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp vẫn còn nhớ đến mình, đến thăm, chúc mừng thầy cũ.
Nhận xét về thầy Nguyễn Hữu Hạnh, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang nói: “Cá nhân tôi và đa số những đồng nghiệp nói chung rất khâm phục về tấm gương hiếu học của đồng chí Hạnh. Phải nói rằng đồng chí sinh ra lớn lên ở nông thôn, rồi tham gia kháng chiến nên việc học hành rất khó khăn. Khi tham gia kháng chiến thì đồng chí cũng yêu nghề giáo và ngay trong chiến khu đồng chí cũng theo học nghề này. Sau khi nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe không đảm bảo nhưng đồng chí lại quyết tâm làm nghiên cứu sinh. Phải nói rằng một sự phấn đấu như thế đối với chúng tôi những người làm nghề giáo dục hết sức trân trọng và kính nể. Đây là tấm gương tiêu biểu để giáo dục chủ trương học tập suốt đời mà Đảng và Nhà nước ta đang phát động”.
Xung quanh những vấn đề mà ngành Giáo dục đang chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dạy và học qua những quyết sách như thay đổi sách giáo khoa, thống nhất một kỳ thi quốc gia, thay đổi hình thức chấm điểm bằng nhận xét đối với giáo dục tiểu học…, thầy Hạnh chia sẻ: “Theo cá nhân tôi nhận thấy, những năm gần đây ngành Giáo dục có nhiều chuyển biến theo mặt tích cực và phát triển theo đúng chủ trương, mong mỏi của Đảng và nhà nước… Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng có hai vấn đề rất quan trọng cần làm ngay để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay đó là phải xem đội ngũ giáo viên là trọng tâm của sự cải cách, thay đổi. Khi đó, chúng ta tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, trình độ cho giáo viên để đội ngũ giáo viên cả nước, mọi bậc học đều phải giỏi, có phẩm chất tốt… Khi đó sẽ đào tạo ra những thế hệ học sinh giỏi và có đạo đức phẩm chất tốt như những thầy cô giáo của các em. Song song với nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đó là nâng cao thu nhập cho giáo viên, phải tính toán cho giáo viên không phải bận tâm về chuyện “cơm áo, gạo tiền” thì giáo viên chuyên tâm với việc giảng dạy, không phải “chạy xô” những việc khác.... Có như vậy, thì sự nghiệp trồng người mới có sự thay đổi vượt bậc và mang tính bền vững.”
Ông giáo Nguyễn Hữu Hạnh nhận tấm bằng Tiến sỹ khi tuổi đã xế chiều. Ham học hỏi, đam mê nghiên cứu là động lực để ông vượt qua những rào cản về sức khỏe, về tuổi tác. Với kiến thức của mình, ông vẫn luôn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà qua những bài báo về ngành giáo dục, những buổi trò chuyện với các em học sinh... Tấm gương hiếu học của ông là động lực cho thế hệ trẻ noi theo.
Nguyễn Hành
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến Ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |