Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đất nước muốn phát triển, hệ thống giáo dục đại học phải có chất lượng cao
(Dân trí) - “Theo kinh nghiệm của các quốc gia thành công, đất nước muốn phát triển phải hội tụ hai yếu tố: hệ thống giáo dục đại học có chất lượng cao và lực lượng lao động được đào tạo bài bản”.
Đó là chia sẻ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong vai trò là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM tại lễ khai giảng của trường sáng nay (6/9). Ông cho biết, “là một cựu sinh viên của nhà trường, tôi vui mừng vì sự phát triển, vì vai trò ngày càng quan trọng của nhà trường đối với nền giáo dục nước nhà”.
Nguyên Chủ tịch nước khẳng định, nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, là điểm đến học thuật có uy tín đối với bạn bè quốc tế muốn học tập và nghiên cứu về Việt Nam.
Ông cũng đánh giá cao nhà trường trong việc đào tạo ra nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng. Trong số đó có nhiều người trở thành những nhà khoa học, chính trị gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ uy tín.
Bên cạnh đó, trong nghiên cứu khoa học, nhà trường cũng có nhiều đóng góp với các công trình nghiên cứu đã tạo nhiều dấu ấn tốt cho nhiều địa phương. Trường đã có nhiều đột phá khi khoa học xã hội không còn là tri thức chỉ dành riêng cho các nhà nghiên cứu mà được lan tỏa đến nhiều người. Đại học này đã hỗ trợ nhiều tỉnh Nam Bộ đưa chương trình đào tạo các môn cơ bản vào cấp phổ thông, gây nhiều hứng khởi cho học sinh.
Nguyên Chủ tịch nước cũng cho rằng: “Theo kinh nghiệm của các quốc gia thành công, đất nước muốn phát triển phải hội tụ hai yếu tố: hệ thống giáo dục đại học có chất lượng cao và lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Riêng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chất lượng đào tạo không chỉ đo bằng trí tuệ, sáng tạo của người học mà còn yếu tố nhân cách, nhân bản, tinh thần yêu nước, yêu dân tộc. Như vậy, giáo dục đại học là đầu vào tạo nên sự phát triển của đất nước, là thời gian chuẩn bị để tạo ra những nhà khoa học và nghiên cứu thực thụ - những người sẽ không ngừng tìm ra chân trời kiến thức mới", ông Sang nói.
Theo ông, giáo dục đại học cũng từ đó có vai trò là hệ thống nuôi dưỡng mọi lĩnh vực trong đời sống, là nguồn cung cấp nhân lực tối cần thiết để phục vụ các công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu xây dựng đất nước.
Nguyên Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh vai trò của người thầy ở xã hội hiện đại. “Trong quan niệm truyền thống phương Đông, người thầy đứng thứ hai trong cương thường Quân - Sư - Phụ. Thiên chức người thầy không chỉ truyền bá kiến thức mà còn đào tạo nhân tài cho quốc gia. 'Lương sư hưng quốc', thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh", ông Trương Tấn Sang nói.
Ông cũng cho rằng xã hội Việt Nam, người thầy luôn được xã hội kính trọng. Bởi vì người thầy là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo ra những con người để xây dựng đất nước. Trong quá trình đổi mới giáo dục và giai đoạn hiện đại hóa đất nước, vị thế người thầy càng được nhìn nhận theo quan điểm mới. Họ còn là người khuyến khích, tạo động lực cho học trò không ngừng sáng tạo, phát huy hết khả năng trong việc học và nghiên cứu.
Nữ hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM tặng hoa đến nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - cựu sinh viên đặc biệt của trường. (Ảnh: Ngọc Phượng)
Dịp này, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM cho biết nhà trường xác định 6 trọng tâm trong đó thực hiện lộ trình tự chủ đại học. Bên cạnh đó, trường tiếp tục cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo và chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ đào tạo; tiếp tục nghiên cứu phục vụ cộng đồng nhất là khu vực Nam bộ…
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là trung tâm đào tạo nhân lực ngành khoa học xã hội lớn phía Nam, có lịch sử hơn 60 năm phát triển. Đây cũng là đại học có nhiều sinh viên quốc tế đến từ các nước Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ.
Hiện, trường có hơn 20.000 sinh viên các hệ với 54 chương trình giáo dục thuộc 27 ngành đào tạo bậc đại học, 43 ngành sau đại học và trên 10 chương trình liên kết quốc tế.
Lê Phương