Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chìa khóa để trở thành công dân toàn cầu chính là ngoại ngữ

(Dân trí) - Chìa khóa đầu tiên mà sinh viên Việt Nam cần có để trở thành công dân toàn cầu là phải biết ngoại ngữ. Nếu không có thì lao động nước ta sẽ không thể nào cạnh tranh với nhân lực các nước khác khi hội nhập.

Đó là những chia sẻ của ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư với sinh viên, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong vai trò là diễn giả chính của buổi đối thoại “Tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hóa” diễn ra vào ngày 18/5.


Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trong vai trò diễn giả chính tại buổi đối thoại với sinh viên, giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trong vai trò diễn giả chính tại buổi đối thoại với sinh viên, giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng

Chất lượng nguồn nhân lực cũng như sự cạnh tranh trong lao động ở trong nước lẫn nước ngoài ngày càng khốc liệt. Một giảng viên đặt câu hỏi rằng “Sinh viên Việt Nam phải có thái độ như thế nào ở trong việc học hàng ngày để định hướng sau khi tốt nghiệp đủ năng lực để cạnh tranh với nước ngoài?”.

Ông Bùi Quang Vinh cho rằng thời hội nhập, thời mà cả thế giới là một mặt phẳng cho nên chìa khóa đầu tiên mà các sinh viên Việt Nam muốn trở thành công dân toàn cầu chính là ngoại ngữ. Nếu không biết ngoại ngữ thì chúng ta không được nhận làm việc ở đâu cả. Đây là thách thức to lớn khi mở cửa thị trường lao động, lao động nước ta phải cạnh tranh rất cao bởi lao động các nước Philippines, Singapore, Indonesia,…đều nói được tiếng Anh.

Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài than phiền với ông rằng người Việt Nam rất giỏi nhưng ngoại ngữ lại rất kém. Do đó, ông Vinh cho rằng bản thân sinh viên phải nhìn thấy được hạn chế của mình và phấn đấu học hỏi. Nếu trong trường chuyên ngành chưa có thì nên trang bị ngoại ngữ thêm ở các trung tâm bên ngoài. Các trường phải phấn đấu rất nhiều bởi muốn trang bị cho sinh viên ngoại ngữ tốt thì các trường phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên có ngoại ngữ thông thạo, kỹ năng tốt.


Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng đặt câu hỏi với nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh

Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng đặt câu hỏi với nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh

Theo ông Vinh, lao động nước ngoài có thể cạnh tranh gay gắt với chúng ta ở một vấn đề nữa chính là kỷ luật lao động và cần cù. “Nhiều nước họ có tính kỷ luật lao động rất cao, giờ giấc nghiêm túc nên không có chuyện vừa làm vừa chơi như người Việt Nam. Chúng ta không lo lao động Việt Nam thiếu kiến thức mà quan trọng chính là ý thức trách nhiệm làm việc chăm chỉ”, nguyên Bộ trưởng nói.

Khi được hỏi bí quyết từ một người có bằng kỹ sư nông nghiệp và giờ trở thành chính khách trong lĩnh vực kinh tế, ông Bùi Quang Vinh chia sẻ dù học nông nghiệp nhưng ông được phân công làm quản lý nông trường đấy là môi trường để ông được rèn luyện. Còn trở thành chính khách kinh tế thì không chỉ học nông nghiệp mà sau đó còn phải học rất nhiều ở những trường khác. Tuy nhiên ông Vinh khẳng định, bằng cấp không phải là vấn đề quyết định mà cái chính là sự nghiên cứu bên cạnh đối chiếu với thực tế.

Ông Vinh chia sẻ: “Mình chỉ làm hai điều thôi, thứ nhất là học hỏi những kiến thức từ chính là học từ thực tế xã hội, cái mình làm trong cuộc sống đó là kiến thức nền tảng, Bản thân phải nắm được vấn đề và tìm ra giải pháp, nghiên cứu về những kiến thức đó. Điều thứ hai chính là luôn có tâm huyết, trách nhiệm và luôn “đốt cháy” mình”.


Diễn giả Bùi Quang Vinh nhắn nhủ mỗi sinh viên, giảng viên hãy nhân “đốm lửa” đổi mới

Diễn giả Bùi Quang Vinh nhắn nhủ mỗi sinh viên, giảng viên hãy nhân “đốm lửa” đổi mới

Trước các giáo viên, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Vinh nhắn nhủ rằng hãy nhân “đốm lửa”đổi mới lên cho từng công việc của mình đang làm. Nhiều đốm lửa sẽ giúp tạo nên tiến nói chung lúc ấy cả xã hội cũng sẽ đổi mới, tiến bộ.

Bên cạnh đó, nguyên Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, các sinh viên phải trao dồi kiến thức, say mê công việc và đã làm gì thì cũng phải làm đến cùng.

Lê Phương