Người xoá mù tin học vùng sâu

(Dân trí) - Từ một người chạy xe ôm, làm bảo vệ, ông chắt chiu khăn gói lên TPHCM học để trở thành thầy giáo dạy tin học. Giáo án ông soạn được dùng làm giáo án chuẩn ở các lớp học tin học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Hành trình ấy là cả một câu chuyện dài đáng khâm phục về lòng ham học, sự hy sinh thầm lặng của ông Đặng Ngọc Châu ở ấp Thành Trì xã Thành Lợi, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

 

Người dân ở các xã Thành Lợi, Tân Hưng, Tân Lược, Tân Quới, Tân An Thạnh, Tân Thành... kính trọng gọi ông là “Thầy giáo Châu”. 

 

Lịch làm việc của thầy giáo Châu từ 7 giờ sáng tới 9 giờ đêm. Những phút giải lao của thầy là khoảng thời gian đạp xe đạp từ điểm trường này sang trường khác. Thầy dạy liên tục 7 ngày trong tuần. Chủ nhật ai ở đâu bị hỏng máy tính hay có việc gì cần giúp đỡ thầy lại đi ngay. Thời gian biểu ấy được thực hiện từ đầu năm 1997 đến nay, đã có hơn 1200 học người dân được tiếp cận tin học nhờ lòng tận tậm của ông.

 

Học trò của thầy đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Từ những em học sinh lớp một đến các ông cụ 70, là các anh nông dân chân lấm tay bùn cho đến cán bộ, công chức. Có những công chức đi xe 4 bánh đến nhà thầy Châu học. Bất kể ai đến lớp học đều được thầy Châu tận tình chỉ bảo từ những thao tác nhỏ nhặt nhất đến những thao tác khó.

 

Ai có thời gian rảnh đều qua nhà thầy để học tin học, thầy lấy đó làm niềm vui. “Thù lao” đứng lớp là những thứ gia đình của học sinh mình có như: rổ khoai lang, nải chuối vườn hay mớ rau dại, những bữa trưa dạy miễn phí cho học trò không về nhà là những gói mì tôm pha sẵn.

 

Ông Châu từng phải trải qua nhiều công việc để mưu sinh. Làm mướn, chạy xe ôm, làm bảo vệ. Tình cờ ông phát hiện trong kho đồ dùng dạy học của trường mấy chiếc máy tính bỏ không, hỏi ra mới biết đó là máy tính được trên trang bị nhưng không ai biết sử dụng. Ông tiếc ngẩn tiếc ngơ mấy chiếc máy tính bỏ không, xin nghỉ làm bảo vệ lên TPHCM học tin học để biết sử dụng máy tính.

 

Những năm 1990, việc đi học vi tính rất khó khăn, gia đình nghèo hai đứa con nhỏ đang cần được chăm sóc, vì thế ông đi học nhưng phải mang theo hai đứa con nhỏ. Một năm sau, ông có chứng nhận bằng B vi tính, sau đó là những chương trình chuyên sâu về tin học.

 

Có kiến thức tin học vững vàng, ông Châu nghĩ tới việc truyền thụ kiến thức tin học cho nười dân vùng sâu. Khóa tin học đầu tiên do thầy Châu đảm nhiệm có 15 em theo học. Sang Đại học Cần Thơ thi chứng chỉ A chỉ 5 em đậu. Đó là một cú sốc lớn đối với thầy. Nhiều người mất niềm tin. Không nản lòng thầy tha thiết xin thầy hiệu trưởng được bắt đầu lại một khóa mới.

 

Khóa học tiếp theo với 10 học viên theo học nhưng lần này thầy đã có thêm kinh nghiệm, biết cách ra đề để học viên thi thử. 10 học viên đều đậu và được trường Đại học Cần Thơ cấp chứng chỉ. Kết quả này đã lấy lại được lòng tin. Các thầy cô và học viên đăng ký học ngày càng nhiều. 

 

Ở trường tiểu học Tân Hưng, 100% giáo viên của trường theo học và đều biết sử dụng vi tính thành thạo: Máy hỏng ai cũng biết sửa và chạy lại chương trình. Nhiều học trò của thầy bây giờ là thạc sĩ, kĩ sư, bác sĩ, chuyên viên quản trị mạng... Nhiều người thành đạt với những học vị cao, chức vụ lớn nhưng mỗi ngày lễ hay tết đều đến thăm thầy. Trong căn nhà lá đơn sơ của thầy có 1 chiếc máy tính xách tay xịn nhất trên thị trường. Thầy khoe đó là món quà của một học sinh đang du học ở Đức gửi về tặng nhân ngày 20/11.

 

Với mong muốn người dân, nhất là học trò vùng sâu, được tiếp cận tin học thầy Châu đã không quản ngại khó khăn phổ cập tin học cho mọi người. Và ông đã thành công. Giờ đây, dọc theo quốc lộ 54 từ Thành Lợi đến Tân An Thạnh, xuyên suốt huyện Bình Minh, có hơn 20 điểm tin học và dịch vụ Internet, các ông chủ của những cơ sở này đều học trò của thầy Châu.

 

Phạm Tâm - Nguyễn Nhi