Người thầy không bục giảng của sinh viên báo chí
(Dân trí) - Phải từ giã giảng đường khi nhiệt huyết đang tràn đầy do căn bệnh hiểm nghèo, nhưng với công việc ở văn phòng, hàng ngày thầy vẫn âm thầm giúp sinh viên trong khoa Báo chí-Truyền thông, ĐH Khoa học Huế hoàn thành tốt việc học và hành để trưởng thành khi ra xã hội.
Đó là thầy Phan Thanh Thích, 45 tuổi, quản lí văn phòng Báo tại Bộ môn Báo chí - Truyền thông, ĐH Khoa học Huế.
Tai họa ập đến
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo hiếu học Quảng Nam, dù con đường đến trường nhiều khó khăn, nhưng với nghị lực lớn thầy Phan Thanh Thích đã thi đậu chuyên ngành Báo chí, Đại học Tổng Hợp Hà Nội (bây giờ là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Năm 1994, thầy Thích là một trong những người đầu tiên đứng trong đội ngũ đào tạo chuyên ngành báo chí cho các sinh viên tại khu vực miền Trung. Lúc bấy giờ, thầy phụ trách giảng dạy môn “Các thể loại báo chí Chính luận nghệ thuật”- một trong những môn chuyên ngành khó nhất.
Với tâm huyết của nghề, cộng thêm sự năng động của một thầy giáo trẻ, thầy Thích luôn mang đến cho sinh viên của mình những bài giảng hay và thiết thực nhất. Những thế hệ học trò của thầy đã có nhiều người trở thành những cây bút xuất sắc trong làng báo Việt Nam và có cả những học trò đang giảng dạy tại trường để nối nghiệp thầy.
Cứ tưởng sự nghiệp trồng người của mình sẽ được phát triển lâu dài, nhưng một tai họa đã đến với thầy. Vào năm 2000, ở cái tuổi 34 đầy nhiệt huyết, căn bệnh u não quái ác đã khiến thầy Thích phải từ bỏ giảng đường.
“Lúc đầu chỉ là những cơn đau đầu nhẹ rồi dần chuyển qua đau dữ dội, có lúc tê buốt, không làm chủ được hành động của mình, để đến khi nghe kết quả kiểm tra sức khỏe, tất cả như sụp đổ trước mắt thầy”, thầy nghẹn ngào nhớ lại.
Gần 5 tháng điều trị ở khắp các bệnh viện ngoài Hà Nội, chạy vạy khắp nơi, từ Đông y đến tây y, bệnh tình vẫn không suy giảm, niềm tin trong thầy như lụi tắt. Thầy trở về Bệnh viện Trung ương Huế trong niềm vô vọng, nhưng trời không phụ lòng người có tâm. “Thầy thoát chết trong gang tấc là cũng nhờ các bác sĩ quyết định mổ để cố giữ lại tính mạng, dù là mổ bằng phương pháp thủ công cũ kĩ”, thầy bồi hồi kể lại.
Mặc dù sức khỏe thầy đã hồi phục trở lại, nhưng não bộ không còn được nguyên vẹn, và đôi mắt thì bị biến chứng thành tật ở bên phải. Đau đớn, tuyệt vọng, đã có lúc thầy Thích định từ bỏ tất cả. Nhưng với sự động viên của gia đình cùng những trang báo được bạn bè đọc cho hàng ngày, niềm đam mê được sống để tiếp sức, giúp những sinh viên trở thành nhà báo trong tương lai lại bùng lên trong thầy hơn bao giờ hết. Dù sức khỏe không cho phép thầy đứng trên bục giảng nữa, nhưng để gắn bó với nghề “đưa đò” cho sinh viên báo chí, thầy Thích về làm quản lí tại phòng Thực hành Báo chí của Trường ĐH Khoa học Huế.
Những chuyến đò thầm lặng
Hàng ngày, với công việc của mình, thầy không chỉ cất giữ cẩn thận những tờ báo để cho hàng trăm sinh viên chúng tôi tới đọc, mà với mỗi sinh viên đang tập làm quen với những sản phẩm báo chí, thầy đều để ý, đến tận nơi khuyên chúng tôi: “Với sinh viên báo chí, đọc báo không chỉ là để tiếp nhận thông tin, mà quan trọng nhất để viết được một bài báo đó là học được cách viết…”.
Cũng chính vì sự thân thiện và tâm huyết với sinh viên của thầy Thích, nên mỗi ngày văn phòng báo có đến hàng trăm lượt ra vào của các bạn sinh viên trong ngành cũng như trái ngành. Những tờ báo sinh viên truyền tay đọc nhiều lần làm nhàu trang báo, hay đọc xong để rất lộn xộn… những thầy không hề nói nặng lời. Cuối buổi thầy lại tỉ mỉ vuốt phẳng, sắp xếp lại một cách gọn gàng ngăn nắp. Các tài liệu báo chí cho sinh viên lấy tư liệu làm niên luận, khóa luận… đều được thầy chia mục và bày bố cẩn thận, giúp chúng tôi tìm thấy dễ dàng. Không những thế, thầy còn tham gia làm cầu nối giúp sinh viên lớp khóa sau làm quen với lớp trước đã viết báo để học hỏi kinh nghiệm.
Bây giờ dù thầy Thích không trực tiếp bục giảng, nhưng mỗi ngày được tiếp xúc với thầy trên phòng tư liệu báo chí của khoa là mỗi ngày các sinh viên chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh, bài học để có thêm kinh nghiệm trước khi vào nghề. Thầy luôn dặn dò chúng tôi: “Nghề báo là một nghề gian nan vất vả và đầy nguy hiểm, nhưng đó lại cũng là một nghề vô cùng vinh quang. Vì vậy, đòi hỏi ở người làm báo một trái tim đủ cứng rắn, một khối óc bùng nổ đầy ý tưởng, đôi mắt biết khám phá và nhìn nhận nhiều chiều, đôi tai lắng nghe một cách khách quan, đôi bàn tay biết cân nhắc và không cẩu thả khi viết... thì mới có thể theo đuổi được tới cùng”. Thầy Thích còn nhắc nhở chúng tôi rằng học báo phải chịu khó tìm tòi phát hiện, càng đi nhiều nơi càng biết được nhiều điều và song song với đi là phải viết, tập viết nhiều, có vậy mới rèn luyện được kỹ năng viết cho bản thân.
Ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, xin gửi tới thầy lời cảm ơn sâu sắc cùng tình thương yêu chân thành nhất mà thầy đã dành cho chúng tôi. Mong thầy sức khỏe tốt để vẫn là cánh chim không mỏi tiếp sức cho các lớp sinh viên báo chí.
Bài và ảnh: Việt Hải