Người thầy của trẻ khiếm thị

"Ở đâu có mặt học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu là ở đó có thầy Tâm" - nhiều người công tác trong ngành giáo dục tại TPHCM thường nói với nhau như thế.

Gần 20 năm gắn bó với việc giáo dục HS khuyết tật, thầy Tâm không chỉ tận tụy trong vai trò người thầy mà còn với vai trò của phụ huynh.

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa văn, Nguyễn Thanh Tâm được phân công nhiệm sở về một trường phổ thông ở Q.3 (TPHCM), nơi dạy nằm ngay trung tâm TP, điều mà các sinh viên sư phạm ao ước. Nhưng không, Tâm xung phong vác balô đi Duyên Hải (huyện Cần Giờ bây giờ): "Tuổi trẻ mà, muốn thử sức mình xem sao".

Trò học thầy, thầy học trò

Chỉ sau một năm, người thầy trẻ măng được bổ nhiệm làm hiệu phó chuyên môn Trường bổ túc huyện Duyên Hải. Không chỉ dạy môn văn mà sử, hóa, địa..., cứ thiếu giáo viên môn nào thầy Tâm trám chỗ giáo viên ấy. Theo qui định, giáo viên đi tình nguyện vùng sâu bốn năm sẽ được về thành phố.  Gia cảnh neo đơn (cả nhà có ba người thì má bị bệnh tim, em gái chân yếu tay mềm), thầy Tâm muốn quay về nhưng phải đến năm năm vì không có người thay thế.

Ngày về, các bạn hỏi, thầy Tâm trả lời: "Mình về tay không. Sách vở để lại cho học trò, quần áo cũng tặng học trò”. "Thế về thành phố dạy ở đâu?". "Sở phân công dạy ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu". Cả nhóm ngạc nhiên. Chỉ có má động viên: "Dạy ở đâu cũng là dạy con ạ”.

Thầy Tâm bước vào Trường Nguyễn Đình Chiểu với tinh thần xung kích của một giáo viên tình nguyện vùng Duyên Hải. Thầy chưa dạy trẻ em khiếm thị bao giờ, chưa được bồi dưỡng một ngày nào, lại được phân công đứng lớp ngay do trường thiếu giáo viên.

Từ đó, thầy Tâm làm một hành trình ngược: nhờ HS dạy cho mình. HS Trường Nguyễn Đình Chiểu ngạc nhiên lắm khi có ông thầy mới, sau khi truyền đạt kiến thức bài học lại nhờ vả mình: "Chỉ cho thầy cách đọc chữ Braille với". Từ đó, ban ngày đứng lớp, ban đêm thầy phải học ê a học chữ Braille như HS lớp 1.

Hai năm sau khi dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, thầy Tâm được đề bạt làm hiệu phó quản lý tổ chăm sóc HS (đa số HS Nguyễn Đình Chiểu học nội trú). Một chàng trai chưa đến tuổi 30, vợ con chưa có, lại lãnh nhiệm vụ chăm sóc HS khuyết tật.

Giáo viên trong trường nói: "Không ai hiểu HS bằng thầy Tâm. Em nào đi ngủ không mắc mùng. Em nào hoàn cảnh gia đình khó khăn... thầy Tâm nắm hết". Mà không nắm sao được khi mẹ của thầy nhẩm tính: "Mỗi ngày nó chỉ ở nhà hai tiếng đồng hồ để vệ sinh cá nhân và ăn cơm, còn lại suốt ngày ở trường, buổi tối cũng ngủ trong trường".

Lo cho những "đứa con"

Gần HS khiếm thị, hiểu HS khiếm thị mới thấy khát vọng học hành của các em cực kỳ mãnh liệt. Trong khi ở nước ngoài, người khiếm thị có thể tốt nghiệp đại học và giữ nhiều trọng trách trong xã hội thì tại sao ở VN HS chỉ học hết tiểu học rồi học nghề?

Băn khoăn ấy đã thôi thúc ban giám hiệu Trường Nguyễn Đình Chiểu xây dựng đề án giáo dục hòa nhập (tạo điều kiện cho HS khiếm thị được học chung với HS bình thường) và thầy Tâm sẽ chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn thử nghiệm. "Hòa nhập" tiểu học, THCS đều khá thuận lợi. Thế nhưng lên THPT, chương trình vấp phải rào cản lớn: trường THPT chưa nhận HS khiếm thị bao giờ.

Lo lắng đến mất ăn mất ngủ, thầy Tâm phải chạy qua chạy lại Trường THPT Nguyễn An Ninh giải thích, phân tích mọi điều, kể cả việc làm cam kết "sẽ hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy. Sau một thời gian nếu HS không theo kịp bạn bè sẽ xin rút tên". Lứa đầu tiên đi học hòa nhập THPT chỉ có hai HS là Nguyễn Văn Long và Trần Thị Minh Tuyết. Long và Tuyết học rất giỏi, trở thành tấm gương sáng ở Trường Nguyễn An Ninh khi sức học vượt cả nhiều HS sáng mắt.

Ngày đầu tiên đến diện kiến ban giám hiệu Trường Nguyễn An Ninh, Long và Tuyết được thầy Tâm dẫn đi. Ngày đầu tiên đi học ở Trường Nguyễn An Ninh cũng thầy Tâm dẫn đi. Họp phụ huynh cũng thầy Tâm. Đến khi thi tốt nghiệp THPT, người đưa đi cũng là thầy Tâm.

Niềm vui hai "đứa con" đậu tốt nghiệp loại khá chưa được bao lâu thì hung tin lại đến: không có trường đại học nào đồng ý cho thí sinh khiếm thị tham dự kỳ thi tuyển sinh. Hàng loạt lý do được đưa ra: Bộ GD-ĐT không có qui định, nếu đi thi các em sẽ làm bài như thế nào, nếu đậu các em sẽ học ra sao...

Một lần nữa thầy Tâm lại dẫn hai trò cưng của mình đi "đàm phán", và cuối cùng cũng lại thầy Tâm đưa "hai con" đi thi. Năm đó Tuyết thi đậu hai trường ĐH, Long đạt điểm á khoa của khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Học đại học tốn tiền, nhất là Tuyết - sinh viên khoa tiếng Anh - sẽ phải chi tiêu nhiều. Và người đi xin học bổng trong bốn năm đại học cho Long và Tuyết không ai khác ngoài thầy Tâm.

Bây giờ thầy Tâm là hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. "Long đã tốt nghiệp hai trường ĐH, sắp lấy bằng thạc sĩ. Cậu ấy vừa nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường Nguyễn Đình Chiểu đấy. Tuyết thì làm việc tại công ty tư vấn bảo hiểm của Pháp. Đến nay đã có gần 20 HS khiếm thị tốt nghiệp đại học (trong số gần 200 HS đã và đang học hòa nhập), có công việc làm ổn định nhờ chương trình giáo dục hòa nhập, một số em còn xin được học bổng du học ở Nhật" - thầy Tâm nói và cười rạng rỡ.

Năm nay đã 46 tuổi, thầy Tâm vẫn là "lính phòng không". "Sao thầy không nghĩ đến chuyện lập gia đình?". Thầy Tâm cười hồn nhiên: "Có nghĩ đấy chứ. Nhưng suốt ngày tôi bận bịu với công việc như thế này. Có ai hiểu và thông cảm cho không?".

Theo Hoàng Hương

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm