Người thầy 25 năm nửa nằm, nửa ngồi dạy học

Hơn 25 năm, thầy giáo Nguyễn Văn Thu không nhớ mình đã dạy bao nhiêu học trò trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi trên chiếc ghế mòn vẹt cạnh chiếc bảng bong tróc. Trong ký ức, thầy chỉ nhớ lớp cha trước, rồi đến lớp con, bây giờ đến lớp cháu của học trò mình dạy ngày đầu, hiện vẫn tiếp tục cắp sách đến “thọ giáo”.

Số nhà 125 Phan Đình Phùng, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) so với 25 năm trước bây giờ luôn rộng mở, bởi ở đó lớp học miễn phí sáng, trưa, chiều, tối cho học sinh nghèo của thầy giáo Nguyễn Văn Thu không lúc nào vắng học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 đến học.

 

Những học sinh đến lớp học của thầy đều bảo rằng, học thầy Thu không chỉ học kiến thức toán học, mà các em học được ở thầy nghị lực cũng như chất lửa tuổi trẻ từ bản thân của người thầy giáo tật nguyền truyền dạy.

 

Trong ký ức của người thầy giáo tật nguyền nhớ như in cái ngày định mệnh. Đó là vào năm 12 tuổi, đang học lớp 6, tự nhiên thấy chân mình sưng to, gia đình đưa Thu đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác điều trị. Với kết luận viêm đa khớp, đôi chân teo dần rồi liệt hẳn. Biết đôi chân khó có thể hồi phục, nhưng ý chí nghị lực cùng nỗi đam mê toán học đã kéo Thu đứng dậy.

 

"Bệnh viêm đa khớp đau lắm, nhưng tui vẫn cố đến trường đều đặn, đến khi đi không được nữa tui bò đến trường. Mấy đứa bạn thân thay nhau cõng, ròng rã 6 năm trời vật lộn, đến năm 1979 tui tốt nghiệp cấp III" - thầy giáo Thu nhớ lại.

 

Dù sống trong bóng đêm của tật nguyền, nhưng thầy Thu bảo chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Tài sản trong nhà dần đội nón ra đi, "mỗi lần nhìn ba mẹ lo lắng, gia đình khánh kiệt vì lo thuốc thang, mình nghĩ phải phấn đấu  học và tìm một việc làm gì đó đỡ gánh nặng cho gia đình...", anh kể. Không đi lại được, sức khỏe ngày một yếu không cho phép anh thi vào đại học, "nằm một chỗ thấy đêm dài, nhiều lúc suy nghĩ lẽ sống, chẳng lẽ mình không còn có ích cho cuộc đời này", anh Thu tâm sự.

 

Nằm một mình, anh đọc bất kỳ loại sách gì mượn được, rồi xem ti vi, rồi nghĩ: "Nhiều hoàn cảnh còn bi đát hơn mình họ vẫn làm việc có ích, tại sao mình lại không?". Mấy đứa nhỏ nhà nghèo bên xóm sang chơi, anh đem kiến thức toán học ra đố vui. Thấy các em học quá yếu, anh đề nghị gia đình đưa các em sang để dạy.

 

Lúc đầu nhiều bậc cha mẹ lo ngại anh tật nguyền, rồi tiền đâu để trả... Hiểu được nỗi băn khoăn, anh bảo dạy hoàn toàn miễn phí cho các em. Nhưng chẳng ai muốn cho con mình đi học thêm, bởi họ cũng quá nghèo.

 

"Lớp học đầu tiên tui dạy đúng 1 em, tên là Lâm Ái Vân, học lớp 6. Cô bé học rất yếu môn toán. Nhưng sau hơn 1 năm kèm cặp, từ một cô học trò yếu môn toán nhất lớp vươn lên khá rồi giỏi...", thầy Thu nhớ lại. Lớp học từ một học sinh, rồi đông dần lên. Đa phần con em bà con buôn gánh bán bưng quanh chợ Tam Kỳ đều nghèo khó, nên  anh  dạy miễn phí...

 

Từ học trò nghèo đầu tiên anh tình nguyện dạy miễn phí đã vươn lên học giỏi, bà con dân nghèo quanh khu vực đem con đến gửi nhờ anh kèm cặp. "Nhiều em con nhà nghèo học yếu, khi đến lớp rất ít khi tập trung, lúc đó tui đem cuộc đời mình ra làm ví dụ. Nhiều em bắt đầu chú ý khi tui nửa nằm, nửa ngồi suốt buổi để giảng cho các em từng bài toán cộng trừ nhân chia. Có lúc không còn sức, nhưng tui vẫn cố gượng dậy bò xuống chỗ ngồi từng em để chỉ từng bài toán…", thầy Thu kể.

 

Học sinh đến theo học ngày một đông, anh phải phân thành nhiều lớp sáng, trưa, chiều, tối và dạy không nhận tiền. Nhiều gia đình khá giả gửi con anh dạy thấy ái ngại, đề nghị trả tiền công, anh chỉ nhận đủ trang trải cuộc sống hằng ngày... Nhiều thế hệ học trò ở xóm Củi, xóm Mồ côi, xóm chợ Tam Kỳ... chung quanh khu vực sông Kỳ Phú, Bàn Thạch  được anh dạy dỗ nên người và đã trưởng thành làm ăn xa xứ, mỗi năm tết đến về thăm thầy.

 

Trong câu chuyện cùng tôi trước khi lên lớp dạy buổi sáng, học trò đã đến đông đủ ngồi chờ, anh bảo: "Giá trị đích thực của đời người là sống có ích, đem niềm vui đến cho mọi người". Tôi hỏi: "Đến bao giờ thì anh nghỉ dạy?". Anh cười bảo: "Sẽ dạy đến khi học trò không cần mình nữa và đến khi không còn sức để dạy nữa thì thôi...".

 

Theo Hoàng Vũ
Thanh Niên