Người sáng lập mô hình "I Can": "Sứ mệnh của giáo dục không phải thi cử"
(Dân trí) - Theo bà Kiran Bir Sethi - người khai sinh mô hình "I Can", mục tiêu cuối cùng của giáo dục là giúp đứa trẻ trở thành công dân và công dân đó có khả năng làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
Cuối tháng 11, bà Kiran Bir Sethi đến thăm thầy trò Trường tiểu học Kiến tạo ICS. Không phải nhà trường hay giáo viên mà chính các em học sinh "cầm trịch" việc đón bà Kiran Bir Sethi.
Các em trở thành hướng dẫn viên dẫn bà đi tour quanh trường, khoe những góc yêu thích như khu vui chơi, sân bóng, phòng nhạc... và giới thiệu, thuyết trình về các dự án của mình.
Hoạt động này diễn ra ngay sau khi học sinh Trường tiểu học Kiến tạo ICS đại diện Việt Nam tham dự Phong trào "Design For Change 2022" diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia vừa qua. Phong trào do chính bà Kiran Bir Sethi sáng lập có mặt tại 65 quốc gia, tác động đến hàng triệu trẻ em trên thế giới.
Dịp này, bà Kiran Bir Sethi chia sẻ về câu chuyện giáo dục trẻ em.
Quay ngược lại thời gian, khi con đi học, bà phát hiện ở trường, con được gọi bằng một mã số, thậm chí cô giáo không nhớ tên con. Không muốn đứa trẻ chỉ là một "mã số", bà đã thành lập ngôi trường ở Ấn Độ với tinh thần "I Can" (Tôi có thể) và đến nay đã phát triển khắp thế giới. Vậy, với mô hình giáo dục này, đứa trẻ ở vị trí nào?
- Tôi luôn hướng đến mục tiêu đứa trẻ trở thành trung tâm của câu chuyện giáo dục. Phong trào Design For Change hay mô hình "I Can Shool" cũng đều xoay quanh ý tưởng trẻ trở thành trung tâm của hành trình giáo dục.
Trẻ con có nguồn ánh sáng rất đẹp đẽ. Nhưng phải nói phần lớn các mô hình giáo dục đã dập tắt ánh sáng đó đi thay vì nuôi dưỡng nó.
Chúng ta vẫn hay nói trẻ em có rất nhiều tiềm năng, trẻ có thể làm tất cả. Nhưng khi đứa trẻ đến trường, việc chúng ta vẫn thường làm với chúng là gì? Chúng ta bắt trẻ ngồi yên, bắt trẻ vâng lời và chúng ta xác lập mục tiêu đứa trẻ phải đạt được là điểm số, chuyện thi cử, chuyện đỗ đại học...
Bà hướng đến việc con trẻ không phải chịu áp lực về điểm số, thi cử, thành tích. Điều này liệu có xung đột với quan niệm "đứa trẻ chỉ cần học và học"?
- Sứ mệnh của giáo dục không phải là điểm số, không phải là thi cử. Niềm tin của tôi, sứ mệnh và mục tiêu cuối cùng của giáo dục là giúp đứa trẻ trở thành công dân và công dân đó có khả năng làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
Tôi tin rằng, trẻ con với những nguồn năng lượng tự nhiên hoàn toàn có thể làm được điều này. Đôi khi người lớn không cần phải can thiệp quá nhiều ngoài việc tiếp sức để ánh sáng của đứa trẻ tỏa sáng.
Mục tiêu của giáo dục phải bao gồm cả hai: Một bên là tri thức, nội dung học tập và một bên là phát triển các kỹ năng. Mô hình giáo dục tốt là phải làm tốt cả hai mục tiêu này. Hai mục tiêu trên không hề mâu thuẫn mà song hành cùng nhau. Giáo dục có thể thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu chứ không phải là hy sinh cái này để giữ cái kia.
Đáng tiếc là giáo dục lâu nay chỉ chú trọng việc học, cũng không hẳn là học kiến thức đúng nghĩa mà chỉ là ghi nhớ và học thuộc lòng.
Một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của bà là tiếng nói của trẻ đi vào hư vô, không được người lớn lắng nghe. Bà đã nhìn thấy sự thờ ơ với con trẻ như thế nào?
- Vấn đề trẻ không được lắng nghe, bị thờ ơ không phải là câu chuyện của riêng nước nào. Tôi đã đi khắp thế giới và thấy đó đang là vấn đề toàn cầu.
Khi trẻ nói lên những ý tưởng của mình, người lớn thường gạt đi hoặc trì hoãn ý tưởng đó vì "lo học đi". Họ ưu tiên cho những điều khác mà họ cho là quan trọng hơn.
Hãy nhìn xem, mỗi ngày bố mẹ vẫn nhắc trẻ đánh răng, ăn cơm, uống nước. Họ làm được điều đó hàng ngày nhưng lại quên đi chuyện mình có thể lắng nghe con mỗi ngày và trao cho con niềm tin "con có thể".
Tinh thần này không phải là một khẩu hiệu lâu lâu chúng ta đưa ra nói, mà phải làm sao mỗi ngày chúng ta đều lắng nghe con. Những lời động viên "con có thể" phải trở thành bầu không khí cho trẻ hít thở hàng ngày để tạo thành niềm tin và đức tin ở bản thân đứa trẻ.
Tôi nhận thấy, ở khắp nơi, mọi người có nỗi sợ rất kỳ lạ là sợ không đủ thời gian cho con học cái này cái kia, chứng chỉ này nọ... Họ lao vào một cuộc đua hoàn tất việc này, hoàn tất việc kia mà quên mất một mục tiêu quan trọng cần hoàn tất chính là sự phát triển của một đứa trẻ. Chúng ta luôn lo thiếu thời gian để làm những việc khác nhưng lại không tìm thời gian để lắng nghe con, không thời gian để rèn cho con những điều đẹp đẽ về mặt tính cách, nhân cách.
Điều này đòi hỏi giáo dục phải thật sự "dũng cảm" để vượt qua nỗi sợ?
- Đúng vậy, chúng ta cần nhiều sự dũng cảm trong giáo dục, cần những con người dũng cảm để có những ngôi trường dám theo những lối đi khác.
Hôm nay đến đây, tôi được một số em học sinh ở ICS dẫn đi tham quan, giới thiệu. Các em thật sự tự nhiên, thoải mái và tỏa sáng. Trẻ em mạnh mẽ như vậy đấy. Khi người lớn trao cho trẻ niềm tin "con có thể làm được", trẻ sẽ có niềm tin vào chính bản thân mình.
Điểm chung của mô hình "I Can Shool" là việc trao cho đứa trẻ niềm tin con có thể làm được, làm chủ tiến trình học tập của chính mình. Niềm tin đó được trao từ thầy cô giáo, từ những người quản lý trường học và đằng sau đó là cộng đồng phụ huynh có cùng niềm tin. Những mắt xích trong hệ sinh thái cũng là điểm chung nổi bật của mô hình "I Can".
Trường ICS, ngôi trường tại Việt Nam áp đưa mô hình giáo dục "I Can School", có như hình dung của bà?
- Thật sự tốt hơn. Hình dung về trường ICS tốt hơn nhiều so với sự tưởng tượng trước đó của tôi. Điều tôi ấn tượng nhất là các em học sinh ở trường rất tự nhiên, thoải mái, không có dấu hiệu sợ sệt, lo lắng.
Cách em tương tác với mọi người cho thấy các em cảm nhận được sự an toàn và tình yêu thương từ người lớn xung quanh.
Những nhân tố, nguyên liệu chính yếu cho giáo dục đã được thiết lập một cách rất rõ ràng tại đây.
Là người khai sinh của mô hình giáo dục kiến tạo "I Can" đang phát triển ở khắp thế giới, bà có đặt ra những điều kiện nào khi các nơi xây dựng mô hình này?
- Điều kiện đầu tiên là phải thật sự tin vào thông điệp và sứ mệnh của mô hình. Tôi thường chọn các đối tác đã tham gia phong trào trẻ em Design For Change để triển khai mô hình giáo dục này vì họ đã có chung niềm tin về mục tiêu giáo dục.
Tôi lựa chọn những người có kinh nghiệm làm giáo dục và làm giáo dục thật sự. Tôi không muốn chọn đối tác truyền đi thông điệp "I Can" trên bề nổi một cách hời hợt hoặc dùng như một cách truyền thông chứ không thật sự thấm những giá trị sâu sắc của mô hình.
Mô hình này đã được đưa vào 20 năm nay và ngày càng có nhiều quốc gia, trường học tham gia mô hình. Đây là tín hiệu cho thấy luôn luôn có những con người khao khát đổi mới, khao khát thay đổi. Tôi có niềm tin về tương lai cho sự thay đổi mình muốn mang đến.
Cả phong trào "Design For Change" và mô hình giáo dục "I Can" do bà sáng lập đều thể hiện khao khát sự thay đổi. Dường như bà luôn đau đáu với hai chữ "thay đổi" trong giáo dục trẻ em để hướng đến những điều tốt đẹp?
- Có lẽ là vì tôi xuất thân là một nhà thiết kế chịu ảnh hưởng của tư duy kiến tạo, luôn muốn tạo ra những gì tốt đẹp hơn.
Thứ hai, tôi chịu ảnh hưởng của nhà tư tưởng Mahatma Gandhi cũng là anh hùng của đất nước Ấn Độ. Ông từng có câu: "Be the change you wish to see in this world", nghĩa là nếu bạn muốn thế này diễn như thế nào thì chính bạn hãy là sự thay đổi đó.
Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ phàn nàn về mọi thứ xung quanh. Nếu trước đây, tôi cũng phàn nàn về giáo viên trường học của con hoặc chuyển trường rồi lại phàn nàn thì sẽ không có điều gì thay đổi.
Thay vì phàn nàn, tôi muốn làm điều gì đó để giải quyết vấn đề quanh mình. Và không dừng lại chỗ làm điều tốt đẹp cho mình, tôi hiểu rằng mỗi người đều là tác nhân giúp thế giới xung quanh tốt đẹp hơn. Đó là khao khát kiến tạo ra điều gì đó vì lợi ích lớn hơn, vì những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Đối với tôi, dù chỉ có một phụ huynh, hay một trường học mong muốn đưa sự thay đổi vào đã là điều xứng đáng để mình làm. Bởi vì nếu không thay đổi gì hết thì quá dễ, việc duy trì được niềm tin, dám đi tới mới là điều khó nhất.
Dù thế nào chúng ta cũng không có con đường nào khác bằng cách bước tiếp. Đó cũng chính là tinh thần trong mô hình giáo dục "I Can".
Ngày hội Tuyển sinh Open Day tại ICS
ICS là Trường học kiến tạo tại Việt Nam được vận hành theo mô hình "I Can School". ICS hiện đang giảng dạy chương trình Tiểu học song ngữ theo chương trình quốc tế Oxford kết hợp phương pháp Tư duy kiến tạo (Design Thinking) giúp con có được năng lực thực, kiến thức thực và khả năng giải quyết vấn đề thực tế.
Với cơ sở vật chất hiện đại chuẩn Bắc Âu, đội ngũ chuyên môn được đào tạo hiệu quả, ICS giúp các em học sinh phát huy tiềm năng bản thân, tự tin cất lên tiếng nói I Can - Con có thể.
Ngày 17/12/2022, ICS tổ chức Ngày hội Tuyển sinh Open Day 2023 - 2024 chia sẻ đầy đủ các thông tin và định hướng trong năm học 2023 - 2024. Ba mẹ có quan tâm đăng ký tham gia ngay tại: https://bit.ly/ICS-OPENDAY
Trường Tiểu học Kiến tạo ICS - I Can School Địa chỉ: 915 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, Tp. Thủ Đức, TPHCM Hotline: 0979 60 44 55