“Người phu xây cầu” nối kết giáo dục Việt - Mỹ
(Dân trí) - Sống xa tổ quốc 30 năm, nhưng Phạm Đức Trung Kiên - Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) vẫn hiểu biết khá tường tận về thực trạng giáo dục Việt Nam. Anh tự ví mình là “người phu xây cầu”, cây cầu nối kết Việt - Mỹ qua phương tiện giáo dục và khoa học.
Ứng viên chương trình lãnh đạo trẻ của nước Mỹ
Phạm Đức Trung Kiên sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Cấp III, cậu cùng gia đình sang Mỹ định cư tại bang Colorado. Ban đầu, khi mới sang Mỹ, Trung Kiên làm công nhân ở nhà máy vào ban ngày, buổi tối đi học thêm tiếng Anh. Sau đó, anh vào học và lấy bằng cử nhân về ngành Quản lý Thương mại quốc tế tại Đại học Colorado. Đây là một trường đại học lớn của tiểu bang Colorado.
Với những thành tích đáng nể trong học tập và hoạt động của Hội Sinh viên Đại học Colorado, khi ra trường, Trung Kiên được văn phòng của Thống đốc Tiểu bang Colorado giới thiệu đến làm việc trong văn phòng Nghị sĩ Quốc hội.
Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2001 theo sáng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhằm xây dựng mối quan hệ vững chắc hơn giữa Việt Nam và Mỹ thông qua các chương trình cấp học bổng và trao đổi về giáo dục.
VEF đã trở thành một địa chỉ hàng đầu cấp học bổng cho những công dân Việt Nam tài năng sang du học tại Mỹ.
Phạm Đức Trung Kiên đã được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc điều hành quỹ này vào tháng 3/2003. |
Đến 1983, Trung Kiên tiếp tục theo học cao học ở Đại học Stanford, trường hàng đầu ở miền Tây nước Mỹ. Anh là sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Cao học Quản lý kinh doanh Stanfort nổi tiếng nhất nhì ở Mỹ. Tại đây, Phạm Đức Trung Kiên đã theo học và lấy được một lúc 2 bằng Thạc sĩ về Quản lý kinh doanh và Kinh tế toàn cầu.
Năm 1985, ngay sau khi có 2 bằng Thạc sĩ, Phạm Đức Trung Kiên quyết định thi vào chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ của nước Mỹ “White House Fellowship”. Đây là một chương trình đào tạo nhân tài đặc biệt của Mỹ, và chỉ tuyển chọn 15 tài năng trẻ dưới 35 tuổi. Đa số những người được qua chương trình White House Fellowship sau này đều trở thành những người có vị trí cao trong xã hội Mỹ và rất thành công trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn.
Và Phạm Đức Trung Kiên đã vượt qua nhiều ứng viên khác để được tuyển chọn vào học chương trình đào tạo nhân tài đặc biệt này. Là trợ lý đặc biệt cho Đại diện thương mại Mỹ ở Nhà Trắng, công việc chuyên môn của anh là công tác mậu dịch, đàm phán, trao đổi trong lĩnh vực kinh tế với các nước Châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan...
Cảm nhận sự phát triển mạnh mẽ của đất nước
Vài năm sau, anh được mời về làm việc và được đào tạo để trở thành người quản lý cao cấp trong việc phát triển tập đoàn P&G ở các nước châu Á. Năm 1989, Phạm Đức Trung Kiên đã được tuyển chọn làm phụ tá đặc biệt phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế trực thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau đó, anh được Tenneco, một tập đoàn kinh tế lớn ở Houston có doanh thu hàng năm trên 30 tỉ USD, mời anh về làm Phó Tổng Giám đốc với vai trò người đại diện quản lý của tập đoàn ở khu vực Đông Á.
Trong vai trò Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc quản lý của tập đoàn Tenneco ở khu vực châu Á, anh có thêm điều kiện về Việt Nam nhiều hơn, và từ đó muốn cống hiến sức mình cho quê hương.
Anh bộc bạch: “Có về Việt Nam từ lúc còn khó khăn ấy mới thấy thương đất nước hơn, thương người dân mình hơn, và mới cảm nhận một cách đầy đủ về sự phát triển đi lên của Việt Nam trong hiện tại”. Và trong những năm từ 1997 - 2002, anh đã trở thành Chủ tịch sáng lập của Hiệp hội diễn đàn Việt Nam (VEF), một tổ chức thiện nguyện quy tụ những doanh nhân Việt kiều có tấm lòng với sự phát triển giáo dục ở quê nhà nhằm hỗ trợ giáo dục và nhân đạo cho Việt Nam.
“Tôi tổ chức làm từ thiện, kêu gọi sự giúp đỡ từ bên Nhật, bên Mỹ. Việc từ thiện của tôi nhắm vào các em nhà nghèo hiếu hoc, giúp đỡ các trường học”, Phạm Đức Trung Kiên cho biết. Từ đó đến nay, cá nhân anh và những thành viên của VEF đã thường xuyên trao học bổng cho những sinh viên khó khăn.
Đào tạo “những con tim” hướng về Tổ quốc
Nhìn thấy khả năng và tâm huyết của Phạm Đức Trung Kiên, khi Quỹ VEF ra đời, anh đã được mời làm Giám đốc điều hành tổ chức này. Ban điều hành VEF gồm 6 công dân Mỹ do Chủ tịch chỉ định, 4 nghị sĩ, trong đó có Thượng Nghị sĩ John Kerry và 3 Bộ trưởng, gồm Bộ trưởng Ngoại giao, Tài chính và Giáo dục.
Dưới sự quản lý của Trung Kiên, Quỹ VEF đã tổ chức tuyển chọn và đưa đi đào tạo các khoá đại học và sau đại học ở Mỹ hàng trăm sinh viên và nghiên cứu sinh. “Đây là những người trẻ được chọn lọc rất kỹ, vừa có chất xám vừa có con tim vì Việt Nam. Nếu như tìm hiểu kỹ lưỡng và biết được các bạn trẻ ấy không có ước muốn đóng góp cho đất nước sau khi thành tài thì chắc chắn VEF sẽ không chọn lựa”, Phạm Đức Trung Kiên từng phát biểu.
Vũ Anh Tuấn
Theo vef.gov và báo chí trong nước