Người phụ nữ 17 năm đi xin để… chia cho học sinh nghèo

Ít ai biết, đằng sau cuộc đời của vị Giám đốc Quỹ hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo Hà Nội là đủ thứ truân chuyên của đời người. Từ một cô bé từ đất lũ Nghệ An, bà khăn gói lên Hà Nội để thực hiện ước mơ đèn sách của mình. Những gian nan thuở thiếu thời khiến bà, khi đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời thấm thía nỗi vất vả của các mảnh đời cơ cực.

Đấy cũng là lý do khiến nữ giám đốc Chu Anh Đào dành trọn gần 20 năm cuộc đời mình làm công việc “đi xin để cho.”

Gặp nụ cười hiền hậu và gương mặt tươi tắn, tôi không nghĩ bà Đào đã 75 tuổi. Càng không nghĩ một người tự nhận “sức khỏe ọp ẹp, đèo bòng “một gánh bệnh”, từ tiểu đường, huyết áp cao, xương khớp yếu…” vẫn nay đây mai đó, hết Điện Biên, Sơn La đến Ninh Bình, Nam Định…

Trong câu chuyện, bà kể chuyện mình thì ít mà nói về Quỹ hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo Hà Nội thì nhiều.

“Công việc gây quỹ từ thiện, giúp đỡ người nghèo tôi đã nung nấu suốt từ năm 14 tuổi - cái ngày mà việc học của tôi tưởng như bị đứt quãng vì quá nhiều khốn khó xứ Nghệ,” bà kể lại.
 
Bà Đào trong giây phút thảnh thơi hiếm hoi bên chồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà Đào trong giây phút thảnh thơi hiếm hoi bên chồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Trong trí nhớ của bà chưa bao giờ phai biến cố về trận lụt lịch sử năm 1954 tại quê nhà Nghệ An. Khi ấy, “nước dâng cao mấy thước, cây cối đổ rạp, nhà cửa, mái ngói trôi băng băng theo dòng nước xiết. Có rất nhiều người thoi thóp bám lên nóc nhà kêu cứu. Một đứa trẻ như tôi tự nhiên thấy nghẹt thở. Cảm giác không thể giúp gì khiến tôi bất lực.”

Sự hung dữ của dòng nước xiết ám ảnh bà đến ngày lên học cấp 3. Từ huyện Thanh Chương lặn lội đến Anh Sơn, háo hức nhập học ở trường cấp 3 Bạch Ngọc (xưa), bà bị dòng suối dữ chặn bước. “Thời ấy giao thông khó khăn, người biết bơi thì sang trường, còn không đành quay về. Ngó qua bờ rào nhìn các bạn đi học, tôi hụt hẫng lắm, cảm giác bất lực đeo bám…”.

Khát vọng đến trường không lúc nào tắt trong cô bé Chu Anh Đào nên khi có cô bạn cùng quê đang sống tại Hà Nội gọi ra Thủ đô học, bà “đánh liều” một thân một mình khăn gói lên đường. Hồi ấy lương của bố mẹ chỉ vẻn vẹn 35 cân thóc mỗi tháng, chẳng đủ ăn, huống hồ ra Hà Nội. Nhưng thấy quyết tâm của con gái, cả họ hàng đã ki cóp, đưa cô bé Chu Anh Đào 20 đồng “dắt lưng.” Cô bé 14 tuổi ấy dũng cảm đi nhờ xe máy của người cùng làng suốt chặng đường 270km để tiếp tục giấc mơ học hành.

“Như có ông trời sắp đặt, tôi gặp được một anh cán bộ quen bố mình, nhận “đỡ đầu” xin cho học. Anh họ Nguyễn, mình họ Chu, nhưng nhờ anh nhanh trí làm giấy xác nhận của nhà máy, đổi thành họ Chu, tôi được vào trường của con em cán bộ, sau này là trườngViệt Đức.”

Suốt quãng đời phổ thông, cô bé Đào phải “ở đợ” hết nhà này đến nhà khác. Khi thì nhà đồng hương, khi nhà ông bác lái xe cho đại sứ Pháp đã về hưu… Sự nghiệp đèn sách của bà “gập ghềnh” với những sáng mùa đông buốt giá, bụng đói lép kẹp đến trường… Nhưng bà bảo, chính những khó khăn và vất vả ấy đã khiến ước muốn được giúp đỡ những trường hợp cùng cảnh ngộ trong bà lớn dần lên.

Nhưng mãi đến khi về hưu, bà mới bắt đầu thực hiện được ước mơ từ thời niên thiếu ấy của mình. Ngày nhận quyết định, việc đầu tiên bà Đào nghĩ đến là phải lập ra cho được một quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo.

“Ban đầu, cả chồng và các con tôi đều hết sức ái ngại vì việc lập ra quỹ, xin nguồn kinh phí không hề đơn giản,” bà Đào cười kể lại.

Nhưng, bất chấp tất cả, hình ảnh về những ngày tuổi thơ khó khăn vẫn thúc đẩy bà đi tiếp. Năm 1997, Quỹ Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo Hà Nội chính thức được ra đời. Trong những ngày ấy, bà Đào một mình phải lặn lội đến các cơ quan, đoàn thể để xin từng đồng tiền tài trợ. Lúc đầu, bà mới chỉ vận động anh em cũ trong cơ quan, mỗi người một ít rồi về tổng hợp lại.

Đáng nhớ nhất là những lần bà bị chối từ, hình ảnh những cái lắc đầu lạnh lùng như cứa sâu vào lòng người phụ nữ nhân hậu ấy khiến đôi lúc bà chợt chạnh lòng.

“Nhưng đêm về, nằm vắt tay nghĩ về thời ngày xưa của mình, về những đứa trẻ còn bất hạnh, tôi lại chẳng đành lòng. Để rồi sáng hôm sau lại bắt đầu đi… xin tiếp,” bà Đào hồn hậu nói.

Cứ từng chút, từng chút một, dần dần quỹ hỗ trợ của bà gây dựng được niềm tin với các nhà tài trợ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho học sinh nghèo, tìm được nhiều nhà hảo tâm “tri kỷ” như Ngân hàng Vietinbank. Có năm, con số thu được lên đến 8.000 USD.

Quỹ đã chung tay làm 1 nhà mẫu giáo và 11 nhà tình thương cho người dân nghèo một xã anh hùng tỉnh Bình Định. Quỹ còn góp tiền xây dựng trung tâm văn hóa quận Hoàn Kiếm với số tiền 11,7 tỷ đồng. Trong 20 năm, số tiền bà xin được là gần 7 tỷ đồng, giúp đỡ 5.700 suất học bổng.

Đặc biệt năm 2000, bà xin được dự án xây nhà tình thương Re-Orient trị giá 83,4 ngàn đôla từ một Giáo sư người Đan Mạch. Nhà tình thương nuôi 30 đứa trẻ thuộc 30 tỉnh thành. Các em được ăn học, vui chơi, chăm lo sức khỏe và học các lớp dạy nghề như cắt may, vi tính, cơ khí, sơn mài... Hết dự án, bà không đem con bỏ chợ mà giúp các em nhận bố mẹ nuôi, vào trung tâm học nghề, lên trung cấp, đại học. Đã có 11 em trưởng thành từ Mái ấm tốt nghiệp trung cấp, đại học.

17 năm sau khi về hưu, bà làm nên một “sự nghiệp” mới chẳng dễ ai sánh được, cái sự nghiệp mà bà vẫn thường gọi là “đi xin để về cho.” Bà bảo: chừng nào còn sức, bà vẫn sẽ miệt mài đi. Bởi cái tâm trong lòng bà chưa bao giờ nguội lạnh.
 
 
Theo Vietnamplus

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm