Người “mở đường” xứ cát

(Dân trí) - Hơn 7 năm nay, cái tên “thầy Tỏa” đã không còn xa lạ với người dân xóm cát Mỹ Lợi (nay là xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Họ nhắc đến ông trong mỗi bước đi, nghĩ về ông như niềm hi vọng của học sinh nghèo hiếu học…

Tuổi trẻ, cậu bé Tỏa là người hiếm hoi được học hành khi mà cái đói cứ chực chờ che mờ cái chữ trên mảnh đất Mỹ Lợi. Những buổi đến trường với đôi chân rát bỏng vì cát nóng, cậu học sinh nghèo luôn tự hỏi “phải làm gì để thay đổi quê hương?”

 

Xóa cảnh “đòn gánh đè vai”

 

 “Quê tôi ở miền duyên hải, một vùng chỉ có gió và cát nên trên đường làng ngày ấy, cứ đi 5 bước tới thì phải mất 1 bước lùi. Chúng tôi cứ mơ ước làm sao có được con đường đất cứng để đi cho thoải mái…”, dòng kí ức tràn về trong ông với ước mơ bình dị. Đến khi trở thành thầy giáo, cùng học sinh đến lớp trên con đường cũ, thỉnh thoảng thấy các em chạy xuống mương nước ngâm chân cho đỡ nóng rồi mới đi tiếp, lòng thầy quặn thắt.

 

Mấy chục năm sau, quê hương cũng chẳng có gì đổi khác… Con đường toàn cát trắng, xe cộ không đi được nên cái gì cũng đặt lên đôi quang gánh. Nhiều người vì miếng cơm manh áo, ngày ngày phải gánh gánh gồng gồng vượt 40 cây số đường cát nóng lên cửa Thuận buôn bán. Khổ nhất là khi có người ốm đau, sinh đẻ, trai tráng phải thay nhau gánh bộ gần hai cây số mới có xe đi bệnh viện…

 

Năm 1999, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (70% vốn nhà nước, 30% nhân dân đóng góp) được phát động. Hay tin, ông giáo Tỏa - khi đó đã 62 tuổi - mừng đến rơi nước mắt. Ông xin vào Ban vận động làm đường, cần mẫn đến từng nhà vận động người dân. Nhưng “cũng như mình, dân ở đây còn nghèo quá, sức người thì có chứ sức của thì được bao nhiêu…”. Vậy là ông tìm cách liên lạc với những người đi làm ăn xa trong và ngoài nước, quyên góp được hơn 150 triệu đồng, huy động hàng ngàn ngày công lao động.

 

Suốt thời gian thi công, ngày nào cũng thấy ông đội nón, xắn quần làm với bà con. Ông trở nên hốc hác, đen sạm nhưng nụ cười luôn rạng rỡ: “Để có con đường thì cực khổ mấy chúng tôi cũng chịu được”. Đường qua nhà nào, ông vận động nhà đó chặt bỏ cây cối, hoa màu, giải phóng mặt bằng mà không phải đền bù. Mấy chục cây cau và vườn dừa nhà ông cũng hạ xuống để phục vụ cho “con đường mơ ước”.

 

Đến năm 2005, đường giao thông liên thôn dài hơn 3 km đã hoàn thành. Ông còn nảy ra sáng kiến vận động người dân tự túc thắp điện chiếu sáng dọc đường đi. Mới đầu, chỉ là những bóng đèn tròn mờ đục được mắc nối thủ công đầu ngõ vài nhà, dần dần đã thay thế bằng hệ thống đèn típ 1,2m chiếu sáng cả con đường trong những ngày lễ tết, ma chay…

 

Từ đây, người dân nghèo Mỹ Lợi đã xóa được cảnh “đòn gánh đè vai” đeo đẳng nhiều thế hệ. Đi trên con đường mới, bà cụ Thảo (xóm Mỹ Long Đông, thôn 1, xã Vinh Mỹ) phấn khởi: “Trước đây, nhất là mùa hè, cát nóng bỏng chân mà mần chi cũng phải gồng gánh cuốc bộ chứ có được bon bon chạy xe như chừ mô!”. Quả thật, chỉ mới hai năm kể từ khi đường làng được bê tông hóa, số xe máy trong xã từ chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay, giờ thì hầu như nhà nào cũng có. Kinh tế nơi đây cũng “bật dậy” dần theo con đường mới…

 

“Bụt sống” của học sinh nghèo

 

Có được con đường bằng phẳng cho trẻ đi học, lòng người giáo già vẫn chưa yên. Bởi thầy biết chừng nào còn bị cái nghèo cái đói ám ảnh thì các em vẫn chưa thể an lòng đến được với cái chữ. Lương tâm người thầy lại thúc giục ông mở ra một “con đường mới” cho những học sinh nghèo hiếu học...

 

Năm 2004, biết tin em Lương Thị Minh (học sinh trường THPT Vinh Lộc, xã Vinh Mỹ) học rất giỏi nhưng phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông bàn với vợ lấy số tiền 1 triệu đồng tích cóp giúp đỡ em và động viên em đi học trở lại. Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào mảnh vườn và đồng lương hưu 280.000 đồng mỗi tháng, ông biết mình khó lòng giúp đỡ lâu dài cho những phận nghèo khát chữ nơi đây. Ông tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người học trò cũ nay đã thành đạt, lập nên quỹ khuyến học mang tên “Cựu học sinh Vinh Mỹ” mà người dân trong xã hay gọi là “học bổng thầy Tỏa”.

 

Từ đó, ngày ngày ông cọc cạch đạp xe khắp các trường học trong xã, dò hỏi hoàn cảnh học sinh nghèo vượt khó, tự tay trao từng học bổng đến các em. Mỗi suất học bổng đều từ 300.000 đồng trở lên bao gồm tiền mặt, xe đạp, áo quần… Có lần, số tiền ông trao cho học sinh làm nhiều thầy cô giáo trường THPT Vinh Lộc phải ngạc nhiên, vì “ở cái xã nghèo ni, từ trước đến giờ có thấy ai trao một suất học bổng gần 2 triệu đồng như thầy Tỏa mô” - một thầy giáo trong trường xúc động nói.

 

Đó là trường hợp của em Nguyễn Thị Mãn, hiện là sinh viên năm 1 trường Đại học Nông lâm Huế. Em Mãn mồ côi cha mẹ từ lúc 3 tuổi, sống với người cậu ruột vốn rất nghèo. Cuối năm lớp 12, không có tiền mua hồ sơ và nộp lệ phí thi đại học, Mãn phải vay tiền bạn bè trong lớp. Biết được tin này từ thầy Phan Văn Lâu - hiệu trưởng trường THPT Vinh Lộc, thầy Tỏa tức tốc đến và giúp đỡ em 400.000 đồng. Khi Mãn đã vào được giảng đường đại học, thầy Tỏa lại tiếp tục trao cho em 2 suất học bổng khác, lần gần nhất là 1.900.000 đồng.

 

Không chỉ riêng em Minh, em Mãn, gần 4 năm nay đã có khoảng 100 học sinh nghèo nhận được “học bổng thầy Tỏa”. Đến nay, tình trạng học sinh trong xã bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn không còn nữa, và ngày càng nhiều những ước mơ vào đại học được chắp cánh từ chính những học bổng ấm áp tình người. Không chỉ học sinh mà hầu như người dân nào trên mảnh đất Mỹ Lợi cũng biết ơn thầy giáo Tỏa như “ông Bụt” của người nghèo. Tết năm 2007 vừa rồi, ông quyên góp được 32 triệu đồng mua gạo giúp bà con ăn Tết …

 

Về hưu đã hơn 15 năm, vậy mà vào những ngày lễ, tết, 20/11… người ta vẫn thấy nhiều học sinh tiểu học có, trung học có tấp nập ra vào nhà ông Tỏa. Đó là những cô cậu học trò mà người thầy già xóm nghèo chưa một lần dạy dỗ, gọi ông tiếng “thầy” như một cách để tri ân. Thầy bảo: “Mỗi lần giúp được một học sinh nghèo, lòng tôi nhẹ hẳn”. Có lẽ, người thầy xóm cát vẫn còn nặng nợ lắm với cái nghề dạy chữ, và giúp trò đến với cái chữ cũng là một cách để ông tiếp tục “làm thầy”…

 

Lê Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm