Người làm đỉnh của ba "tam giác"!
(Dân trí) - Khi tôi còn lơ ngơ trước "cổng làng" văn nghệ Thái Bình, Trọng Khánh đã là người nổi tiếng. Anh nổi tiếng đến mức khi anh xuất hiện ở bất cứ một đám đông nào sẽ có không dưới một nửa số người ở đó vồn vã và lễ độ chào anh.
Những người vồn vã thường là những người lớn tuổi, bạn bè hoặc các vị chức sắc của tỉnh còn những người lễ độ là học trò hoặc phụ huynh của các học sinh theo học Thầy giáo Khánh. Hơn tôi 10 tuổi, anh là bạn văn chương thân thiết của tôi ở chốn quê nhà.
Trong con mắt người dân Thành phố Thái Bình quê tôi có tới ba ông Trọng Khánh. Một là Thầy giáo Trọng Khánh. Hai là Nhà thơ Trọng Khánh và ba là một lãng tử Trọng Khánh.
Nhà giáo ưu tú trong "tam giác" ông đồ
Hình như thượng đế sinh ra Trọng Khánh để làm nghề dạy học. Anh chỉ làm một nghề ấy và cũng chỉ biết mỗi việc ấy. Giả sử như trên thế gian này không có cái nghề tên là nhà giáo, Trọng Khánh sẽ... chết đói bởi anh chẳng biết làm nghề gì khác. Cũng do chỉ biết có nghề dạy học, chỉ làm một nghề dạy học nên anh thuộc hàng "võ lâm cao thủ". Được theo học thầy Khánh hóa là niềm mơ ước của nhiều thế hệ học sinh. Ở thời điểm trước đây, việc học thêm, dạy thêm trong sáng nên còn được động viên, khuyến khích thì cái bộ ba ôn thi đại học gồm Thầy Nhỉ toán, Thầy Phúc lý và Thầy Khánh hóa tạo thành một đội hình luyện thi khổi A hoàn hảo, tỉ lệ đỗ đại học thường 70-80%. Vì vậy, việc được học Thầy Khánh hóa dù chỉ là học thêm cũng là một "cơ hội đổi đời" của không ít người. Sau này, khi việc dạy thêm, học thêm biến tướng, thầy Khánh tập trung toàn bộ sức lực để luyện cho Đội tuyển Hóa của tỉnh Thái Bình. Đội tuyển đã đem về gần một trăm giải thưởng quốc gia và một Huy chương Bạc Hóa học quốc tế 2004 tại Đức. Năm 2008, Trọng Khánh vinh dự được phong Nhà giáo ưu tú.
Ở nghề dạy học, Trọng Khánh là một trong tam giác "thầy đồ" Khánh - Phúc - Nhỉ.
Nhà thơ của "tam giác" văn chương
Nếu thượng đế ưu ái với Nguyễn Trọng Khánh khi cho anh làm nghề thầy giáo thì lại "đầy đọa" bằng việc ban cho anh cái khiếu làm thơ. Mà ở đời, con người ta làm gì cũng có chính, có phụ. Có người là nhà giáo làm thơ và có người là nhà thơ đi dạy học. Khổ nỗi Trọng Khánh lại là cả hai. Anh là nhà giáo làm thơ đồng thời cũng là nhà thơ đi dạy học. Lại "khổ nỗi" là ở cả hai lĩnh vực này, anh đều say đắm.
Kể từ tập thơ đầu tiên, tính đến nay Trọng Khánh đã in 8 tập thơ. Đó là Bụi phấn - NXB Thanh niên 1990, Huyền thoại Đền Đồng bằng - Hội VHNT - TB 1993, Mưa - NXB Văn học 1995 và 5 tập còn lại đều in ở NXB Hội Nhà văn: Nắng vào thu - 2003, Hoa đồng tiền đêm - 2005, Bụi phấn ném vào đêm - 2008, Trăng buộc gốc trầu không - 2011.
Trọng Khánh cũng là người rất có duyên với ngôi "trạng nguyên" trong các cuộc thi. Năm 1985, bài thơ Người đánh trống trường tôi đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ của báo Giáo dục & Thời đại. Năm 1990, đoạt Giải thưởng Lê Quý Đôn lần thứ II. Năm 1995, Trọng Khánh tiếp tục là trạng nguyên trong cuộc thi sáng tác văn học viết cho thiếu nhi. Cách đây ít lâu, anh lại đoạt Giải Nhất cuộc thi Thơ của báo Gia đình & Xã hội. Điều lạ là Trọng Khánh cứ thi là được giải mà lại toàn là giải cao.
Trong cái nghiệp văn chương, có người làm thơ không bài nào dở nhưng cũng chẳng bài nào thật hay thì có người làm thơ nhìn chung là không hay nhưng lại có những bài xuất sắc. Trọng Khánh thuộc dạng thứ hai. Thơ anh có những bài xuất thần mà đỉnh điểm là Miền quê tháng sáu, Người đánh trống trường tôi và hai bài đều bắt đầu từ chữ "Đêm". Đó là Đêm cuối năm và Đêm bệnh viện. Miền quê tháng sáu, có thể coi là một "tuyệt bút" (chữ của Nguyễn Trọng Tạo) viết về đồng bằng Bắc Bộ. Cách đây ít lâu, khi Trọng Khánh đang điều trị tại bệnh viện, bài thơ được đăng trên BLOG Người yêu thơ của báo điện tử Dân trí, hơn ba mươi ngàn lượt người đã truy cập và gần một trăm comment gửi về tòa soạn.
Trong comment, Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi cám ơn tình cảm của Dân trí đã dành cho Nhà thơ - Thầy giáo Nguyễn Trọng Khánh, một người con yêu quý của quê hương Thái Bình kèm với lời nhận xét:
"Miền quê tháng sáu là thơ viết về phong cảnh quê, tình cảm người quê lúc thời gian mùa vụ... Chốn nhà quê, cuộc sống bao đời của người dân quê vốn chịu nhiều vất vả, khó nghèo, thua thiệt. Cái không gian quê truyền thống đó không thể không ám ảnh, chi phối tâm tư con người thời nay, nhất là tâm tư của nhà thơ. Hơn nữa, làng trong hiện thời cũng còn lam lũ, vất vả lắm. Bởi vậy, không gian sinh hoạt làng quê trong thơ có lúc đang hiện ra tươi tắn, vui vẻ, mà thoáng cái đã thấy chùng xuống với những mặn mòi, day trở, u trầm... Nhân vật, cảnh vật xuất hiện trong Miền quê tháng sáu là nhân vật, cảnh vật của chốn quê mùa truyền thống. Nhưng bút pháp, cách lập ý, dựng cảnh thì là nghệ thuật của thơ hiện đại... Thành công của Miền quê tháng sáu còn ở phương diện văn hoá, phong hoá làng - của một vùng đất".
Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết: "Miền quê tháng sáu thật đẹp, thật thương, thật bay, thật sáng. Cái miền quê Thái Bình - miền quê đặc sắc của Việt Nam cứ hiện dần lên theo những nhịp thơ khi tung tẩy rộn ràng, khi dồn nén trầm vang cùng những hình ảnh xưa và nay trộn lẫn đan cài như một tấm thảm ngũ sắc bay vào hiện tại với những "nón không quai", với "đôi vỉ quài", với "toàn những chuyện thần tiên/ Làng xưa vẫn đấy nhưng tên khác rồi". Và đột ngột là những hình ảnh đứng chen nhau vừa nén lại vừa mở ra như không hết âm vang: "Người đi chợ ăn đứng/ Người đi cấy ăn ngồi/ Con cò áo trắng, con người áo nâu/ Lại con trâu/ Vẫn con trâu/ Đời mày kéo cả đời tao trên đồng"... Chữ "lại" và chữ "vẫn" tưởng lặp mà hóa ra vô cùng đắc địa. Cái sự níu kéo và chấp nhận đã đến độ "tự nhiên" như vậy thì chỉ có ở Trọng Khánh mà thôi. Và bài thơ được kết bằng khổ thơ không thể thay được chữ nào, ngỡ như tự nhiên nó đã được sinh ra như vậy. "Tháng sáu ngày xưa - Tháng sáu bây giờ - Đợi nhau bóng nắng tròn vo chân ngày - Em nhìn vào hai bàn tay - Cơn mưa thuở ấy còn đầy lòng nhau - Anh nâng cánh áo bạc màu - Vải diềm bâu nhuộm nước nâu quê mình". Có thể nói "Miền quê tháng sáu" là một bài thơ tuyệt bút về miền quê Đồng bằng Bắc Bộ".
Từ Hải Phòng, Nhà thơ Tô Ngọc Thạch gửi đến bạn thơ: "Nói đến Trọng Khánh là nói đến bài thơ Miền quê tháng sáu. Đây là bài thơ hay tiêu biểu của anh".
Cùng với những lời bình của các nhà thơ nổi tiếng trên, BLOG Người yêu thơ còn nhận được nhiều, rất nhiều những tình cảm của bạn đọc và học trò cũ của Thầy Trọng Khánh gửi về với tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn.
Trong các nhà văn, nhà thơ của Thái Bình thì Kim Chuông, Trọng Khánh và tôi (Bùi Hoàng Tám) tạo thành bộ ba thân thiết và gắn bó. Cả hai anh đều coi tôi như một đứa em út, quý trọng và cưng chiều. Do vậy, tôi được "lạc" vào cái "tam giác" văn chương Chuông - Khánh - Tám mang tính tình cảm hơn là ở góc độ tài năng và cống hiến.
Người bạn thủy chung trong "tam giác" tài hoa lãng tử
Nếu trên bục giảng anh nghiêm khắc, cẩn trọng bao nhiêu thì trong đời thường, anh lại nghệ sĩ và lãng tử bấy nhiêu. Nhà thơ Trọng Khánh, Họa sĩ Trần Dậu và Nhà giáo Ngọc Long là bộ ba của đường phố và các cuộc vui. Đã hàng ngàn, hàng vạn đêm người ta thấy Trọng Khánh cùng với những người bạn của mình lang thang dọc các con phố nhỏ. Đã có hàng trăm những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng nhưng điều kỳ lạ là cứ ra khỏi cuộc chơi, Trọng Khánh lại trở về đúng với chức vị nhà giáo mẫu mực của mình, không bao giờ lệch lạc hay đi quá giới hạn.
Bi kịch thay, cái bộ ba tài hoa, lãng tử của Thái Bình ấy sớm chia lìa. Năm 1986, Nhà giáo Ngọc Long đột ngột qua đời. Bốn năm sau, đến lượt Họa sĩ Trần Dậu cũng vĩnh viễn ra đi. Có bao nhiêu ngày Trần Dậu nằm trên giường bệnh là có bấy nhiêu ngày có mặt Trọng Khánh. Gác lại tất cả những thú vui, hết giờ lên lớp là anh lại lao đến bệnh viện. Và trong cái đêm bạn mình mãi mãi ra đi ấy, Trọng Khánh đã viết bài thơ Đêm bệnh viện đầy xúc động. Đó chính là bài thơ đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi thơ của báo Gia đình & Xã hội vừa qua.
Hơn 20 năm đã qua nhưng cái tam giác tài hoa lãng tử Dậu - Khánh - Long ấy mãi mãi là biểu tượng cao cả về tình bạn ở TP Thái Bình.
Khi tôi viết những dòng này, Trọng Khánh đang trị xạ tại Bệnh viên K. Đã có hàng trăm bè bạn văn chương, hàng vạn bạn đọc dân trí và học trò của Trọng Khánh đang hướng về anh cùng cầu chúc cho anh mau lành bệnh. Tiến sĩ Phạm Ngọc Ngoạn, Nhà thơ Trần Quang Quý đang đứng ra tổ chức in tập thơ thứ tám cho anh. Vợ anh, cô giáo Bùi Thị Đoan đang ngày đêm túc trực bên giường bệnh... Trọng Khánh ơi, tình yêu thương của gia đình, bè bạn, học trò và những người yêu thơ chắc chắn sẽ là nguồn lực to lớn để anh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này. Một người thầy nhân từ và đức độ. Một người cha, người chồng mẫu mực, thủy chung. Một người bạn sắt son, chung thủy và một Nhà thơ đích thực như anh thì cuộc đời này đâu phải ai cũng có được.
Đêm bệnh viện
Tặng cố Họa sĩ Trần Dậu
(Giải nhất cuộc thi của báo Gia đình & Xã hội)
Người đánh trống trường
(Giải nhất cuộc thi của báo Giáo dục & Thời đại)
Bùi Hoàng Tám