ĐH Vinh mở phân hiệu mới:

Người Hà Tĩnh có thể học ĐH ngay tại quê nhà

Cuối tháng 6 vừa qua, ĐH Vinh đã công bố quyết định mở phân hiệu tại thị xã Hà Tĩnh. "Trong tương lai, chúng tôi dự định đưa phân hiệu này trở thành trường ĐH, đáp ứng nhu cầu GD - ĐT của con em Hà Tĩnh ngay trên quê hương mình", PGS - TS Nguyễn Ngọc Hợi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho biết.

Để vươn xa như vậy, ĐH Vinh đã trưởng thành trong gian khó?

 

Trường được thành lập năm 1959, đến thời kỳ chiến tranh phá hoại phải sơ tán đi nhiều địa điểm khác nhau. Đây là cái nôi đào tạo giới trí thức lớn đặt tại khu vực Bắc miền Trung. Đến thời điểm hiện nay, trường đạo tạo được 40.000 giáo viên các cấp; rất nhiều cựu SV trở thành cán bộ cao cấp. Năm 2001 trường đổi tên ĐHSP Vinh thành ĐH Vinh.

 

Hiện có 24.000 SV của 49 tỉnh thành trong cả nước đang theo học, gồm 34 ngành, 32 chuyên ngành. Ngoài ra, ĐH Vinh còn giảng dạy cho học sinh khối THPT chuyên Lý, chuyên Toán và Tin học. ĐH Vinh cũng đào tạo một số chuyên ngành cho SV các nước bạn Lào, Thái Lan...

 

Với đội ngũ cán bộ trên 8000 người, trong đó Thạc sỹ chiếm 62% và nhiều giảng viên cao cấp là GS, PGS, Tiến sỹ, ĐH Vinh còn có các chuyên gia giảng dạy đến từ Canada, Mỹ, Anh, Pháp. ĐH Vinh trở thành một trường ĐH đa ngành và là trung tâm bồi dưỡng nhân tài lớn của cả nước.

 

Cơ sở nào để ĐH Vinh mở phân viện tại thị xã Hà Tĩnh, thưa PGS?

 

Do nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nên Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD - ĐT thành lập phân hiệu ĐH Vinh tại Hà Tĩnh. Tiếp thu tinh thần đó, sau một năm triển khai, đến cuối tháng 6 vừa qua, tại Hà Tĩnh phân hiệu ĐH đầu tiên chính thức ra mắt.

 

Mặc dù mới chỉ là phân hiệu nhưng đây là một cơ sở đào tạo ĐH, CĐ và trên ĐH, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh. Phân hiệu có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Điều hành phân hiệu có Ban giám đốc, cơ cấu tổ chức gồm các phòng ban chức năng của một số khoa, chuyên ngành đào tạo.

 

Trước mắt phân hiệu tập trung đào tạo 2 chuyên ngành cử nhân kinh tế: Quản trị Kinh doanh và Kỹ sư Nông học. Tiến tới sẽ mở thêm một số chuyên ngành mới. Công tác chuyên ngành mới. Công tác chuyên môn do giảng viên ĐH Vinh đảm nhận.

 

Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn khi xúc tiến việc này?

 

Trước mắt, cơ sở vật chất phải tổ chức xây dựng từ đầu, phải nhanh chóng hoàn thành đề án phát triển; kinh phí xin địa phương và TW hỗ trợ. Hiện nay trang thiết bị học tập như hệ thống thư viện, đồ dùng thí nghiệm thực hành gần như là chưa có. Thuận lợi ở chỗ, chúng tôi được sự ủng hộ quí báu, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao.

 

Sự ra đời của phân hiệu sẽ đáp ứng nhu cầu của địa phương như thế nào, thưa PGS?

 

Phân hiệu ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của con em Hà Tĩnh ngay trên quê hương mình. Hơn nữa, phân hiệu cũng là nền tảng cho việc thành lập một trường ĐH sau này. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một trường ĐH đào tạo và bồi dưỡng nhân tài không những cho Hà Tĩnh mà là cho cả miền Trung.

 

Đến khí nào thì đạt được như vậy, thưa PGS?

 

Cái đó đòi hỏi phải có thời gian, nhưng trong tương lai dù sớm dù muộn, Hà Tĩnh cũng sẽ có trường ĐH đóng trên địa bàn.

 

Theo TP