Gia Lai:

Người dân tộc thiểu số tích cực làm khuyến học

(Dân trí) - Trong năm 2007, công tác ở Gia Lai có những bước phát triển mới, đạt một số kết quả như phong trào xây dựng gia đình hiếu học phát triển tương đối mạnh (thành phố Pleiku có 2675 GĐHH, huyện ĐakĐoa có 1.170 GĐHH, huyện Krôngpa có 2.440 GĐHH, thị trấn Ankhê có 1.175 GĐHH).

Có được kết quả này là nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự cố gắng của cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở, sự hỗ trợ của các ban, ngành, sự tham gia của đông đảo nhân dân các dân tộc.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2007, Quĩ Khuyến học Gia Lai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị. Nhờ đó, hàng trăm học sinh, sinh viên con em các dân tộc trong tỉnh đã nhận được học bổng. Tuy khó khăn vẫn còn phía trước, nhưng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Gia Lai thực sự đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Vĩnh Phúc: 5 Hội chung tay làm khuyến học

Trong năm 2007, tỉnh Vĩnh Phúc có 9/9 huyện thị, 152/152 xã, phường, 68 cơ quan và 1.810 đơn vị có tổ chức hội, tạo thành hệ thống tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động tương đối đều, có hiệu quả; phát triển mới được 10.500 hội viên. Đặc biệt, hội khuyến học các cấp còn kết hợp được các hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi các cấp, gắn việc xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), cộng đồng khuyến học (CĐKH) với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Thông qua các hội nghị, các cuộc giao lưu và các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp hội đã tuyên truyền phổ biến tiêu chí của GĐHH, DHKH, CĐKH để mọi người, mọi gia đình biết đăng ký phấn đấu, tổ chức bình xét và khen thưởng hàng năm. Năm 2007, số GĐHD toàn tỉnh đạt 51,6% số hộ (vượt 5% so với năm 2006). Hội khuyến học các cấp gặp mặt, trao học bổng cho hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó, học sinh tật nguyền, học sinh là con gia đình chính sách với tổng số tiền là 88.900.000 đồng. Hội khuyến học các cấp đã tích cực vận động xây dựng quỹ khuyến học thu từ nhiều nguồn; tính đến cuối năm 2007, Quỹ đã có 6,1 tỷ đồng.

Kon Tum: Hà Mòn đứng đầu về khuyến học

Nằm ở phía tây huyện Đăk Hà, cách trung tâm huyện 4 km, Hà Mòn được đánh giá là địa phương có nhiều thành tích trong phong trào khuyến học. Thành lập vào năm 2002, đến nay Hội Khuyến học Hà Mòn đã có 9 chi hội với tổng số 157 hội viên, trong đó có 5 chi hội thôn, 3 chi hội trường học, 1 chi hội cơ quan UBND xã.

Với phương châm "giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội", trong những năm qua Hội Khuyến học xã Hà Mòn đã hỗ trợ tích cực các trường học trong việc vận động các học sinh trong độ tuổi ra lớp, chống bỏ học, giảm lưu ban; hỗ trợ các trường học bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên phối hợp với các trường tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục học sinh. Tính đến cuối tháng 6/2007, nguồn quỹ khuyến học trên toàn xã là 11.626.000 đồng.

PV