Người đàn ông liệt hơn 20 năm "gieo chữ"

Mấy chục năm nay, có một người đàn ông nghèo, bị liệt nửa người, vẫn miệt mài dạy chữ miễn phí cho những học trò nghèo tại thôn Quyết Thắng I, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Hàng chục thế hệ học trò đã lớn lên, trưởng thành từ những chữ i tờ đầu tiên bên giường bệnh của người đàn ông tật nguyền đó.

Thuở nhỏ, cậu bé Nghĩa cũng lớn lên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như bao bạn bè cùng tuổi khác. Bất hạnh bắt đầu giáng xuống khi cậu bước sang tuổi 15, một trận cảm thương hàn biến chứng đã khiến cậu không thể ra khỏi giường, và chân tay cứ thế teo tóp dần.

Suốt 20 năm ròng rã chạy chữa bằng Đông y, Tây y, nỗi đau đớn thể xác, sự mệt mỏi, tuyệt vọng về tinh thần đã ăn mòn mỏi tuổi xuân của Nghĩa. Có lúc, bệnh cũng thuyên giảm trông thấy, nhưng chi phí thuốc thang đắt đỏ khiến gia đình nghèo đành bất lực trước bệnh tật của con.

Và thế là cuộc sống của anh Nghĩa gắn liền với cái giường: ăn ngủ và vệ sinh phải có người phục vụ. Đến khi bố anh qua đời, toàn bộ gánh nặng chăm sóc người con tật nguyền đặt lên vai người mẹ già.

Anh Nghĩa bảo: "Lúc đầu, nằm một chỗ, tiếc cái chữ mình đã được học thời nhỏ, nỗi khát khao được chạm đến hai chữ "tri thức" đã thôi thúc tôi ngày ngày tự ôn bài". Dần dần, để giải khuây, anh Nghĩa ôn luyện bằng cách gọi những người học trò nhỏ quanh xóm đến cùng học. Từ chỗ cùng học, anh chuyển sang hướng dẫn cho chúng học chữ. Và thế là lớp học hình thành.

Càng dạy học, anh Nghĩa càng thấm thía nỗi khổ của những em học sinh nghèo. "Không có chữ, các em sẽ mãi mãi sống trong cái nghèo nơi miền quê nghèo mà thôi". Với ý nghĩ như thế, thầy cố gắng mang những gì đã học và còn nhớ được để truyền lại cho học sinh.

Ngoài dạy chữ, anh Nghĩa còn dạy lễ, nghĩa cho những em trò nhỏ. Vì vậy, lớp học tuy chỉ có hơn chục em, lớn nhất 8-9 tuổi, bé nhất mới chỉ biết ngồi, bi bô vài tiếng, nhưng lớp học này lại trật tự không ngờ.

Nằm một chỗ, anh Nghĩa phải dùng một chiếc que tre, nhổm nhổm người lên để dạy cho học sinh. Rồi lần lượt từng học sinh một mang sách vở đến tận giường, đọc bài và để thầy cầm tay đưa từng nét chữ.

Cho đến nay, đã hơn 20 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo, lớp học sinh đầu tiên của anh cũng đã trưởng thành, người lấy vợ, lấy chồng, rồi con cái của họ lại ngày ngày đến nhà anh để học chữ. Hàng trăm học sinh, có những người giờ đã là cử nhân, kỹ sư, đang công tác ở những miền quê khác nhưng ngày 20/11, nhiều học sinh vẫn tìm về hỏi thăm sức khoẻ, chúc mừng thầy Nghĩa.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Nghĩa, hai mẹ con anh đang dùng bữa trưa. Bữa cơm mỗi người được hơn lưng bát ăn với một nắm rau muống chấm muối hoà với nước. "Con tôi dạy học, hàng ngày, trẻ em trong xóm mang đến củ khoai, củ sắn ăn thêm cũng đủ no. Tôi chỉ lo là nếu tôi không may đi trước, thì không biết ai sẽ chăm sóc đứa con tật nguyền này…". Bà Nguyễn Thị Nghinh, người mẹ già đã hơn 80 tuổi của anh Nghĩa gạt nước mắt khi chúng tôi hỏi chuyện.

Ngày nào, người mẹ già ấy cũng ngồi trước thềm nhà, chờ có một phép màu nhiệm đến, cho đứa con có thể tự lo lấy sinh hoạt cá nhân, để nếu mẹ có mệnh hệ nào thì cũng còn nhắm mắt được…

Theo Lệ Thúy
CAND

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm