Người “dẫn đường” cho trò khiếm thị

Bằng cách hoàn thiện môn “định hướng di chuyển”, thầy Nguyễn Phi Hùng đã giúp học trò khiếm thị mạnh dạn bước ra đường.

Nhiều năm nay, người tham gia giao thông trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự đã quen dần với hình ảnh những học sinh khiếm thị tay cầm cây gậy trắng băng qua đường, qua ngã tư, vòng xoay… Các em khiếm thị có thể tự tin ra đường là nhờ được học môn “định hướng di chuyển” do thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, hướng dẫn tận tình.

Lớp học “sống”

Tiết học “định hướng di chuyển” được bắt đầu từ việc học bản đồ nổi. Thầy Hùng cầm tay từng em một rà trên bản đồ nổi, vừa chỉ các em định hướng thầy vừa nhắc tên các con đường, các đặc điểm nhận biết bằng giác quan để các em đỡ lúng túng khi xác định hướng đi. Thông thường, sau khi học lý thuyết, cả lớp sẽ được thực hành trên sân trường hoặc một đoạn đường với sự hướng dẫn của thầy Hùng.

Để bắt đầu, thầy Hùng dẫn 2 em Duyên và Hương đứng bên vạch sơn trắng dành cho người đi bộ ngay trước cổng trường và đọc các chỉ dẫn: “Các em cầm gậy bằng tay phải và vẽ cung trước mặt trong khi đi, nhớ gõ nhẹ để nhận biết chướng ngại vật. Chúng ta đi thôi”. Nghe theo lời thầy, Duyên và Hương từng bước một bước đi trên vỉa hè, thầy Hùng bước phía sau mấy bước, dõi từng động tác của các em và liên tục nhắc nhở học trò lắng nghe và cảm nhận xung quanh: “Các em nhớ, đến ngã sáu, ngay chỗ đợi đèn đỏ, bên trái là gốc cây, bên phải là cột đèn”, “Khi nào tiếng xe bên trái lớn thì mới qua đường, khi qua tay phải cầm gậy, tay trái giơ cao xin đường…”.

 

Thầy Nguyễn Phi Hùng và học trò thực hành bài học trên đường. (Ảnh: Thanh Nga)
Thầy Nguyễn Phi Hùng và học trò thực hành bài học trên đường. (Ảnh: Thanh Nga)

 

Cứ thế tiết học trôi qua dưới cái nắng gay gắt nhưng 2 bé học rất nghiêm túc. Dù đi bộ rất mệt nhưng cả thầy và trò rất vui khi hoàn thành bài thực hành. “Nhờ môn học này mà em bớt sợ hơn, em có thể tự mình qua đường ở ngã tư, em còn đi được trong đường hẻm nữa, thầy Hùng chỉ đường rất dễ đi, dễ nhớ” - Hồng Duyên cho biết.

Tiết học “định hướng di chuyển” của lớp học hòa nhập 5B chỉ kéo dài 45 phút nhưng khuôn mặt của cả thầy và 2 cô bé học trò khiếm thị đều nhễ nhại mồ hôi. Thầy Hùng cho biết: “Đối với một trẻ bình thường thì đây không thể gọi là một môn học nhưng với những em không may bị khiếm thị thì lại là một môn học khó và cần thiết, giúp các em vượt qua nỗi lo sợ khi đi ra đường, tự tin hơn vào bản thân và dễ dàng hòa nhập với mọi người”.

Tấm lòng người thầy

Tốt nghiệp Trường Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thầy Hùng về Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để dạy các em đan chiếu năm 1988. Khi đó, môn “định hướng di chuyển” chỉ được dạy bằng kinh nghiệm và các bài học cũ có từ những năm 1970 chưa được cập nhật. Trước khi về hưu, các thầy cô dạy môn “định hướng di chuyển” đã kịp dạy lại cho thầy Hùng những bài cơ bản để từ đó thầy “bén duyên” với bộ môn này. Thầy kể ngày ấy thầy tự bịt mắt lại, đặt mình vào hoàn cảnh học trò, tưởng tượng ra các tình huống mà các em gặp phải để soạn giáo án cho phù hợp.

 

Có lúc thầy tự nhắm mắt lại để đi ra đường. “Lúc đó có người bảo tôi không bình thường. Nhưng chính việc làm đó đã giúp tôi hiểu được tâm trạng sợ hãi của học trò, giúp tôi luôn bình tĩnh và không nóng vội khi dạy các em. Tuy nhiên, lúc đó do hạn chế về kiến thức nên hiệu quả của bộ môn chưa cao”- thầy tâm sự.

 

Mười năm trước, một kỷ niệm buồn luôn ám ảnh thầy Hùng. Nhưng cũng chính điều đó thôi thúc thầy phải tìm tòi phương pháp dạy phù hợp để cho các em di chuyển qua đường tránh nguy hiểm. “Đó là vào ngày 20-11 khi các em học sinh đến trường chúc mừng thầy cô. Lúc ra về có một học trò khiếm thị được một cậu bạn mắt sáng hơn dẫn qua đường. Khi thấy chiếc xe tải đang chạy đến, vì quá hoảng sợ, cậu bạn chạy vào vỉa hè và bỏ bạn giữa đường.

 

Cô học trò bị chiếc xe tải đâm trực diện và tử vong trên đường đi cấp cứu” - thầy Hùng xót xa. Từ đó, thầy không ngừng tham khảo ý kiến của nhiều giáo viên đi trước, cùng những kinh nghiệm thực tế tích lũy trong quá trình dạy học, tham gia các lớp tập huấn chuyên môn để đưa môn “định hướng di chuyển” thành môn học chính và hiệu quả hơn.

Không muốn giữ “độc quyền” giáo trình nên khi được mời đi giảng dạy cho các trường khuyết tật, hội người mù các tỉnh, thành… thầy Hùng đã hướng dẫn tận tình tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng mà thầy đã tích lũy được trong suốt 25 năm qua. Thầy bộc bạch: “Làm sao để những bài học này càng lan rộng càng tốt để nhiều em khiếm thị có thể đi lại, tham gia giao thông dễ dàng hơn, ít em bị tai nạn hơn là tâm nguyện của tôi”.

Hết lòng vì học trò

Nhận xét về thầy Nguyễn Phi Hùng, thầy Nguyễn Văn Tài, Hiệu phó Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Với định kiến là môn phụ, nhiều giáo viên không muốn dạy bộ môn này nên tìm được giáo viên rất khó. Môn “định hướng di chuyển” đòi hỏi người giáo viên phải cực kỳ kiên nhẫn, sức khỏe tốt để bao quát cả lớp, sâu sát từng em. Đặc biệt là phản xạ phải tốt để bảo đảm an toàn cho các em, cho mình trong quá trình giảng dạy. Vượt qua tất cả những khó khăn ấy, thầy Nguyễn Phi Hùng đã trụ với môn này suốt 25 năm qua với cái tâm trong sáng và hết lòng vì học trò”.

 

 
Theo Thanh Nga - Phan Anh

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm