Người đàn bà mù 30 năm khát chữ
(Dân trí) - Nỗi day dứt cùng cực của bà Ngô Thị Chuyên chỉ dừng lại khi nghe tin cô con gái Nguyễn Thị Huyền đỗ vào Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Sau 30 năm khao khát cuối cùng bà cũng thỏa ước nguyện một thời cắp sách tới trường…
Khi ánh sáng mất đi
“Đời tôi mù lòa, muốn được vào đại học để được đứng trên bục giảng làm cô giáo. Chết đi, sống lại vài lần cũng chẳng thể nào nguôi nỗi nhớ từng con chữ, từng bước chân tới trường… Chỉ trách cái phận mình nó bạc bẽo, long đong... “
Cứ mỗi lần nói đến chuyện ước mơ thời học trò, thì đôi mắt bà Chuyên lại long lên như muốn thoát khỏi cái bóng đen đã đè lên suốt 30 năm cuộc đời bà.
Bà Ngô Thị Chuyên sinh năm 1962 trong một gia đình nông dân nghèo, nhà có 6 anh chị em ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Từ nhỏ, bà đã là người không may mắn bởi mắc căn bệnh viêm võng mạc sắc tố. Quá lo cho đôi mắt của con gái, người cha đã khuyên Chuyên không nên đi học vì sợ học nhiều sẽ hỏng mắt. Chuyên không nghe lời cha mà lao vào học, học để khẳng định bản thân và cũng là để quên đi nỗi đau bệnh tật.
Năm 1981, Chuyên thi đại học với mơ ước là thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngày đầu tiên, Chuyên làm bài thi rất tốt. Ngày thi thứ hai, bất ngờ đôi mắt Chuyên trở nên căng tức và không nhìn thấy gì nữa. Hôm đó, Chuyên không nộp bài được. Vậy là ước mơ chợt khép lại.
Lúc đó cha Chuyên mới bắt đầu cho con gái đi chữa bệnh. Do không chữa trị kịp thời nên mắt của Chuyên đã chuyển sang giai đoạn thoái hóa võng mạc và không thể chữa được nữa. Mẹ Chuyên đã đưa cô đi rất nhiều nơi để chữa trị. Nhưng có lẽ do số phận bắt Chuyên phải chịu cảnh mù lòa nên tiền thì mất mà tật vẫn mang.
Năm 1982, mẹ Chuyên đột ngột bị tai biến mạch máu não và ra đi vĩnh viễn. Người cha tiếp tục hàng trình chữa mắt cho con. Cứ nghe tin ở đâu có thầy lang giỏi là hai bố con lại tìm đến. Nhưng rồi tất cả chỉ là vô ích. Bốn năm sau, người cha cũng qua đời, bỏ lại mình Chuyên với đôi mắt tật nguyền. Sau thời gian tuyệt vọng cùng cực, Chuyên bình tĩnh lại và nhận ra rằng, chỉ có ý chí, niềm tin và sự quyết tâm mới giúp được mình.
Hạnh phúc trong 10 mét vuông
Với ước mong thay đổi chính mình, năm 1988, bà Chuyên tìm đến Hội Người mù huyện Thanh Trì, Hà Nội để đăng ký tham gia sinh hoạt. Tại đây bà đã gặp những người đồng cảnh, được học chữ nổi và học nghề... Bà đã có thể tự làm ra những mặt hàng như chổi, quạt, tăm... bán lấy tiền nuôi sống bản thân. Công việc tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng bà vẫn vui vì thấy mình vẫn còn có ích với đời.
Cuộc đời của bà bắt đầu bước sang một trang mới khi bà có bạn đời vào năm 1989. Ông là Nguyễn Tiến Công cũng bị khiếm thị, quê ở Hà Tĩnh và không còn người thân thích. Mái ấm hạnh phúc của hai người là căn hộ 10 mét vuông trên tầng 5 của khu tập thể 28C Đại La.
Năm 1990, niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời đã đến khi bà Chuyên sinh con gái. Để có tiền nuôi và chăm sóc cho con gái, vậy là vừa sinh con chưa được cứng cáp, bà Chuyên gửi con nhỏ cho chị gái và lao vào kiếm sống cho ba miệng ăn. Bà và chồng cùng bán hàng nước tại nơi mình sinh sống. Rồi bà còn nhận hàng về nhà làm như làm tăm tre, làm chổi. Nhưng có lẽ vất vả nhất là vẫn là công việc ép cao su vì rất khói bụi.
Nhưng cuộc sống cũng thật trớ trêu vì người chồng của bà Chuyên đã khước từ chung vai nuôi dạy đứa con thơ vì không thấy hợp nhau nữa. Vậy là bà bồng con gái về quê ngoại, bắt đầu những thành ngày hai mẹ con dắt nhau đi kiếm sống bằng chính những gì do tay mình làm ra.
Truyền cơn khát chữ cho con
Dù nhà chỉ có hai mẹ con nhưng bà Chuyên vẫn thấy an lòng khi con gái càng ngày càng khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Rồi bà Chuyên biết tin Hội Người mù Hà Nội mở chiến dịch xóa mù chữ cho người khiếm thị. Từng học qua chữ Brail nên bà tin đây sẽ là cơ hội để mình có tiền nuôi con và thực hiện ước mơ còn dang dở của mình là trở thành cô giáo. Thế là bà Chuyên xin đi dạy chữ nổi cho những người khiếm thị ở những hội khác trong Hà Nội. Được sự đồng ý của Hội người mù thành ủy Hà Nội, bà Chuyên được cử đi dạy ở các hội khác như Đông Anh, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Trì…
Khi đi dạy chữ cho người khiếm thị ở các quận, huyện, bà thường dẫn cô con gái Nguyễn Thị Huyền đi theo. Tuy có vất vả nhưng bà vẫn cảm thấy vui vì vừa có thể chăm sóc, dạy dỗ con, vừa đem lại tri thức cho người khiếm thị... Sau nhiều lần tham gia dạy chữ, bà thấy tự tin hơn trong cuộc sống và bà đã truyền niềm tin đó cho những người đồng tật... Nhờ có thành tích trong chiến dịch xóa mù chữ cho người khiếm thị, bà Chuyên đã được Sở GD-ĐT Hà Nội tặng bằng khen. Năm 1996, bà Chuyên được bầu vào ban chấp hành và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Thanh Trì.
Nhớ những ngày cơ cực cùng mẹ rong ruổi bán tăm tre, bán nước trên đường phố, Nguyễn Thị Huyền càng quyết tâm học cho thật tốt. Năm nào Huyền cũng đạt thành tích cao trong học tập. Đặc biệt là năm lớp 8, Huyền được tặng 1 chiếc xe đạp với thành tích học sinh nghèo vượt khó. Cô bạn bé nhỏ, có hoàn cảnh đặc biệt luôn là tấm gương hiếu học cho nhiều bạn ở trường.
Lỡ hẹn với con đường đại học, bà Chuyên luôn tâm sự với con gái rằng: “Đời mẹ đã lỡ bước với cánh cổng trường đại học, cho nên con phải cố gắng thật nhiều để thay mẹ thực hiện ước mơ còn dang dở con nhé”.
Nghe lời mẹ và cũng biết được gia cảnh nhà mình. Huyền chỉ biết chăm chỉ học cho thật tốt. Năm 2008, Huyền thi đỗ vào khoa Kế toán, Trường cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tin con gái đỗ cao đẳng khiến bà Chuyên sung sướng đến phát khóc. Vậy là ước mơ của bà đã trở thành hiện thực.
Mặc dù học hành vất vả, Huyền còn đăng ký học lớp tiếng Anh tại chức tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Huyền tâm sự: “Em sẽ cố gắng học thật tốt để mẹ không phải bận tâm vì mình”.
Bài và ảnh: Tự Lập