Người “cùi” gieo chữ

(Dân trí) - Tay thầy cô cụt từng đốt, thậm chí cụt cả bàn mà vẫn tỳ sát những đôi tay học sinh lành lặn, uốn nắn từng nét chữ, dẫn dắt bao tâm hồn, bao thế hệ học sinh trưởng thành là những kĩ sư, nhà báo, bác sỹ…

Đó là tổ giáo viên đầu tiên và duy nhất trong cộng đồng những người mắc bệnh phong ở Thái Bình đã dệt lên một câu chuyện cổ tích...

 

Làng phong ngày ấy...

 

Làng phong Văn Môn ở Vũ Vân, Vũ Thư, Thái Bình được thành lập vào năm 1960 như một lẽ cứu rỗi, nơi để những con người bất hạnh trên mọi miền đất nước cùng nương tựa vào nhau trước sự kì thị của mọi người.

 

Nhắc về Văn Môn, người dân nơi đây vẫn ngậm ngùi nhớ về quá khứ. Họ kể rằng, trước những năm đổi mới, làng phong Văn Môn sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Văn Môn như một ốc đảo cô đơn, nằm gần sát sông Hồng, có một vòng đê bao quanh, người dân ngày này qua ngày khác không bước ra khỏi luỹ tre làng. Những người mắc bệnh phong mặc dù đã được chữa khỏi bệnh nhưng họ không trở về quê cũ nữa phần vì bị mọi người xa lánh, phần vì họ coi Văn Môn là quê hương thứ hai nên đã ở lại đây, tạo lập cuộc sống.

 

Ông Lê Văn Phương, một trong những công dân đầu tiên thành lập làng phong cho biết: Ông mắc bệnh năm lên 10 tuổi và gắn bó với ngôi làng này từ khi nó chưa có tên. Ngày xưa đói khát, cuộc sống gia đình ông “cơm không đủ no, mặc không đủ ấm”, chỉ bữa khoai bữa sắn cho qua ngày.

 

Cuộc sống của những người bệnh quả giống như địa ngục nhưng con cái của họ cũng bất hạnh không kém. Không có ngôi trường nào nhận con em bệnh nhân phong vào học vì sợ lây nhiễm. Bệnh phong bị coi là căn bệnh “tứ chứng nan y”, còn gọi là bệnh “cùi” hay bệnh “hủi”. Vì vậy, những đứa trẻ chào đời và mù chữ... Cuộc sống của chúng quanh quẩn với những buổi mò cua bắt ốc, mót khoai mót sắn... lao động kiếm miếng cơm manh áo là việc duy nhất chúng biết làm.

 

Rồi một ngày, những người thanh niên mắc bệnh phong từ nhiều nơi khác về đây điều trị, đã nảy ra ý tưởng thành lập lớp học để xoá mù chữ. Tổ giáo viên ra đời vào năm 1955, với 40 giáo viên “cây nhà lá vườn” còn rất trẻ. Ban đầu, công việc của tổ tập trung vào dạy bổ túc văn hoá cho những cụ già trong làng. Mười năm, tạm xoá mù chữ cho thế hệ “cây đa, cây đề”, tổ chuyển hướng sang dìu dắt lớp trẻ. Năm 1965, những người giáo viên bước lên bục giảng, dạy những con chữ đầu tiên cho con cháu của mình.

 

Bác sỹ Bùi Huy Thiện - Giám đốc Bệnh viện rất tự hào chia sẻ: “Chống chọi với bệnh tật cấu xé cơ thể, lấy đi từng đốt ngón tay, ngón chân... nhưng những người giáo viên vẫn ngày hai buổi đến lớp mà không có bất cứ một đồng lương nào. Ngày đó nghèo làm gì có tiền mà bồi dưỡng. Con em làng phong thành đạt ngày hôm nay đều là nhờ vào những người giáo viên ấy”.

 

“Đói cơm, đói gạo nhưng không thể đói chữ”- đó là quyết tâm của cả làng Văn Môn ngày ấy. Ai cũng nghĩ: đời họ đã khổ, các con họ phải có gì khác. Đầu tiên đó là cái chữ!

 

Những thầy giáo “cùi”

 

Đích thân bác sỹ Thiện dẫn tôi đến gặp gỡ những người giáo viên năm xưa. Bây giờ chỉ còn 14 giáo viên, hầu hết đều ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, mái tóc bạc trắng màu thời gian nhưng vẫn làm thơ, vẫn ca hát, vẫn thủ thỉ với nhau về những bữa liên hoan ngày 20-11 sắp tới.

 

Bà Phạm Thị Ngọ, gần 30 năm dạy mầm non trò chuyện: “Cực lắm cô ơi, bọn trẻ nó thèm học nên cứ chiều chiều đi bắt cua đồng về, đứa nào cũng lấm lem nhưng vẫn cố đi đường vòng ra chân đê len lén nhìn trẻ con làng khác đi học về. Nghĩ tội nghiệp nên chúng tôi bảo nhau mở lớp dạy chúng mấy chữ cho bằng bạn bằng bè, chí ít cũng phải viết được cái tên mình, biết tính toán mà tính kế sinh nhai chứ”.

 

Nghề “gõ đầu trẻ” vốn nhọc nhằn và với những người giáo viên mắc bệnh phong thì nhọc nhằn hơn gấp bội. Cơ thể họ bị ăn mòn dần, có những người bị cắt chân, liệt tay, mắt loà phải đeo kính, chống nạng... đi dạy học. Ngày ấy khổ, trợ cấp Nhà nước cho bệnh nhân, họ dành để chăm con, còn mình thì bữa no, bữa đói. Rồi cái việc nắn chữ cho bọn trẻ thì gian nan vô cùng. Tay thầy cô cụt từng đốt, thậm chí cả bàn mà vẫn tỳ sát những đôi tay học sinh lành lặn, uốn nắn từng nét chữ.

 

Ông Phạm Như Trù, một trong những người giáo viên “cùi” khởi xướng phong trào dạy học trong làng trò chuyện: Ông quê ở Hưng Yên, vừa học hết lớp 5 thì phát hiện mình mắc bệnh phong, đến 1955 thì vào Văn Môn điều trị. Và ngay trong năm đó ông bắt đầu nghề dạy học. Thời gian đầu đôi tay còn nguyên vẹn, ông cầm bút, phấn bằng tay phải, một vài năm sau tay phải cụt dần chỉ còn vài đốt, ông luyện viết tay trái, vài năm sau nữa chân phải ông cũng bị rụng, ông chống nạng lên bục giảng...

 

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Canh - cũng là bệnh nhân phong, nói thêm: “Tôi cũng bảo ông ấy sao cứ “cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ngày thì đi dạy, tối lại soạn giáo án, gầy rạc người đi, nhưng ông ấy chả nghe, bảo tôi rằng vì ông ấy là thầy giáo... Nói thế thì tôi chịu, cũng cố mà làm vài sào ruộng nuôi ông ấy dạy học thôi chứ biết làm sao”.

 

Ngày đó lớp học không nhiều, mỗi năm, tổ dạy 8 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 4, mỗi lớp chỉ khoảng 12-15 học sinh. Văn Môn ngày ấy như mở hội. Có lẽ vì đi học vui và cái chữ nó lạ nên trẻ em làng Văn Môn thích thú lắm, chúng chẳng thiết tha gì đi kiếm cái ăn nữa mà chỉ nhăm nhe đến lớp học thầy. Ngày nắng đội mũ rơm, ngày mưa đội lá chuối, con đường làng nhỏ xíu vẫn cứ ríu rít tiếng cười nói rôm rả của các em học sinh.

 

Ông Trần Văn Định, 77 tuổi, 30 năm dạy học thấy tôi hỏi về kỉ niệm trong nghề, kể lại: “Nhớ nhất là cái buổi học tiếng Việt, một em học sinh đứng lên dõng dạc hỏi: “Sao thầy viết tên bố em lên bảng?”. Lúc đó vừa buồn cười lại vừa vui vì hiểu rằng thế là chúng cũng đã biết đánh vần, biết đọc chữ rồi. Ngày đó nói thật với cô chúng tôi chỉ nghĩ cố gắng cho các cháu biết cái chữ chứ có dám mong gì chúng được học cao đâu vì đến ra xã học cũng khó, nói gì được đi đây đi đó. Thế mà chẳng ngờ bọn trẻ có chí và tài thật”.

 

Học sinh làng Văn Môn ngoan và học giỏi chẳng thua kém gì học sinh làng khác. Có tới gần trăm học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng rồi có người làm tiến sĩ, giáo viên, bác sỹ, nhà báo... Hôm nay Văn Môn “thay da đổi thịt” cũng nhờ một phần sự đóng góp của những người con thành đạt, đang làm việc trên mọi miền Tổ quốc. Hơn 70% số hộ trong làng có nhà xây mái bằng kiên cố với nhiều trang thiết bị gia dụng hiện đại, đường làng được bê tông hoá len lỏi tới từng hộ gia đình, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng khang trang sạch sẽ, tất cả các hộ trong làng đều được sử dụng nước sạch... Trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, không có em nào bỏ học.

 

Con đường làng thẳng tắp, cánh đồng lúa mênh mông nặng trĩu hạt được dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa bồi đắp in dấu gương mặt hạnh phúc của những người giáo viên lặng lẽ 30 năm dạy học, 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, dìu dắt biết bao những nhân tài cho đất nước mà không nhận một đồng lương, không một chế độ...

 

Hà Vân
(Lớp Đại học liên kết báo chí khóa 1

Trường CĐ Phát thanh Truyền hình 1)