Ngực lép, lưng gù... vì bàn học

Ngồi học không đúng cách sẽ dẫn đến các bệnh như ngực lép, vẹo cột sống, gù lưng, cận thị... thậm chí là khả năng nhận thức. Học cách ngồi học là một bài học không kém phần quan trọng khi bước vào năm học mới.

Ngồi cũng mang bệnh

Theo ông Lê Hoàng Hảo, chủ tịch Hội Thiết bị Giáo dục Việt Nam cho biết, tỷ lệ học sinh bị lệnh, vẹo cột sống, cận thị ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị lệch, vẹo cột sống. Bàn ghế phục vụ việc ngồi học ở trường cũng như ở nhà không phù hợp về kích thước và khoảng cách ngồi là nguyên nhân đầu tiên.

Ông Hảo phân tích, nhân chủng học của học sinh thời nay rất khác nhau: Cháu thì gầy còm, cháu lại cao lênh khênh, cháu thì mập ú... trong khi đó bàn ghế lại sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, hiện nay bàn ghế phục vụ cho  việc học ở cả trường và cả ở nhà vẫn còn "lộn xộn", không phù hợp về cả kích thước và khoảng cách ngồi. Hiện nay, học sinh khá hiếu động, ngồi không ngay ngắn, không thẳng. Trong giờ học không ít học sinh luôn tay ngọ nguậy, quay ngang quay ngửa, điều này rất hiếm thấy ở thời xưa.

Ngực lép, lưng gù... vì bàn học - 1
Bàn ghế ngồi học không tương thích với kích thước của cơ thể dẫn đến vẹo cột sống, gù lưng, cận thị...
 
Ông Trần Thanh Bình, viện trưởng Viện Nghiên cứu và Thiết kế trường học cho biết, theo thống kê hiện có tới hơn 50% học sinh THCS và hơn 70% nhóm học sinh lớp 8, 9 phải sử dụng bàn ghế kích cỡ không phù hợp. Hiện nay, các trường học đều tự mua bàn ghế học sinh với kích cỡ rất lộn xộn, trong khi tiêu chuẩn bàn ghế do Bộ Y tế ban hành cũng còn nhiều bất cập. 

 

Bàn ghế ngồi học không tương thích với kích thước của cơ thể sẽ dẫn đến các bệnh như ngực lép, vẹo cột sống, gù lưng, cận thị... Trong hoạt động học, tư thế ngồi chiếm phần lớn thời gian, ở tư thế này cơ thể phải có tính ổn định cao, cơ bắp ít phải cố gắng. Con người sẽ chóng mệt mỏi nếu bàn và ghế ngồi không thuận tiện, không được thiết kế đúng.

Ví dụ, nếu chiều cao ghế ngồi không phù hợp với kích thước cơ thể thì năng lượng sẽ phải tốn hơn 22%, còn ngồi ở tư thế bị gập quá mức thì tiêu phí đến 46%. Ngồi học ở những bộ bàn ghế không đúng quy cách, các em sẽ có rất nhiều cử động vô thức để tìm kiếm vị trí thuận lợi cho cơ thể. Khi ngồi học, tư thế được xác định bởi sự tham gia của cơ lưng, cổ, cơ bụng. Tư thế ngồi thoải mái khi phần thân kể cả cổ và vai được để thẳng tự nhiên, cột sống không ưỡn quá, không cúi hay vặn để tránh những rối loạn cơ xương.

 

Ngồi thế nào để tiếp thu nhanh?

 

Ông Lê Hoàng Hảo cho rằng, để khắc phục, trước hết các thầy cô giáo và cha mẹ cần phải hướng dẫn và tạo cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế như ngồi thẳng lưng, 2 bàn chân đặt xuống sàn, hai khuỷu tay đặt thoải mái trên mặt bàn, không rụt cổ, không để vở chéo khi viết... Tuyệt đối tránh cho học sinh học bài trên giường...

 

Cách phát hiện trẻ bị vẹo cột sống gồm: Cho trẻ cởi trần, cúi lưng, ngón tay trỏ chạm đầu ngón chân. Người quan sát đứng ở phía sau thấy gù ở một bên lưng thì đưa trẻ đến cơ sở y tế khám.

Theo các nhà nghiên cứu, tư thế ngồi học tốt nhất được đánh giá thông qua những chỉ số khoa học và cụ thể sau đây: Góc cúi của đầu so với phương thẳng đứng là 25o, góc giữa đầu và thân là 35o, góc giữa thân và đường thẳng đứng là 10o, góc khuỷu tay là 90o, góc thân đùi là 115o...

Tuy nhiên, trong thực tế khó có thể sử dụng những thông số đó khi mua sắm bàn ghế học tập cho con em. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra công thức giúp xác định kích thước bàn ghế phù hợp cho từng lứa tuổi, đó là căn cứ vào chiều cao của các em.

Theo công thức này, một bộ bàn ghế có kích thước phù hợp là chiều cao ghế ngồi bằng 0,27% chiều cao học sinh; Chiều cao bàn học bằng 0,46% chiều cao học sinh.

Cũng theo các chuyên gia, việc gù lưng, vẹo cột sống chỉ là cái nhìn thấy ngay trước mắt. Việc cha mẹ, thầy cô giáo chưa hướng dẫn học sinh ngồi ngay ngắn đúng tư thế còn tạo cho trẻ thói quen tùy tiện, đại khái, không kỷ luật...

Theo Hà Anh
Khoa học và Đời sống Online