Ngữ văn - môn học "đặc thù" trong thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học
(Dân trí) - Môn Ngữ văn là nguyên nhân dẫn tới những điều chỉnh quan trọng trong cấu trúc đề thi THPT, giúp đề thi nói riêng, môn Ngữ văn nói chung có giá trị thực tiễn cao cho thực tế cuộc sống, con người.
Ngữ văn trong tất cả mọi bình diện
Kì thi THPT quốc gia được bắt đầu tổ chức từ năm 2016 đến năm 2019. Mỗi năm, Bộ giáo dục và đào tạo đều có những thay đổi về nội dung và hình thức của các bài thi, trong đó điểm nổi bật nhất là việc chuyển sang dạng thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Tuy nhiên, chỉ có môn Ngữ văn là vẫn duy trì hình thức thi Tự luận do những yếu tố đặc thù của môn học.
Năm 2020, do những tác động từ đại dịch Covid-19 đến việc dạy và học ở các nhà trường, kỳ thi THPT quốc gia phải tạm dừng, trở lại là kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyển sinh, nhưng vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh đại học.
Trước thực tế thay đổi của kì thi THPT năm 2020 và có thể có những thay đổi từ năm 2021 trở đi, các thí sinh cần lưu ý gì trong quá trình học và ôn tập môn Ngữ Văn.
Trước hết, điều không thể thay đổi, không thể phủ nhận đó là sự xuất hiện bất biến của bộ môn Ngữ văn trong các kì thi Quốc gia, dù là kì thi THPT Quốc gia trước đây hay kì thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2020 cũng như các kì thi lớn sau này.
Điều này xuất phát từ đặc điểm và vai trò cực kì quan trọng của môn Ngữ văn trong tất cả mọi bình diện, mọi ngành nghề, mọi hoạt động của cuộc sống con người - văn là người, nên dạy văn cũng là dạy người, là dạy cách làm người, từ đường ăn ý ở, luân thường đạo lí, cách giao tiếp, ứng xử, góp phần giáo dục nhân cách, giáo dục năng lực thẩm mĩ… cho đến cách thiết lập văn bản nói và viết, cách dùng từ, đặt câu…chuẩn mực, chính xác về giá trị biểu đạt, thuyết phục trong giá trị biểu cảm…
Đó là những yêu cầu luôn cần thiết cho con người, dù trên giảng đường đại học hay khi đã ra trường, đã làm nghề…, dù học tập, làm việc hay giao tiếp…
Sự thành công trong cuộc sống của những thế hệ học trò giỏi văn cho thấy khi các em có hiểu biết sâu sắc về xã hội, về con người, có năng lực và phương tiện giao tiếp tốt, có khả năng thấu cảm, thấu đạt nhân tình…các em sẽ luôn có cơ hội thành công, dù là trong sự nghiệp hay các mối quan hệ gia đình, xã hội…
Điều chỉnh quan trọng trong cấu trúc đề thi
Ý thức được vị trí, vai trò không thể phủ nhận của môn Ngữ văn là nguyên nhân dẫn tới những điều chỉnh quan trọng trong cấu trúc đề thi Quốc gia những năm gần đây, giúp đề thi nói riêng, môn Ngữ văn nói chung có giá trị thực tiễn cao cho thực tế cuộc sống, con người.
Trước hết là sự xuất hiện dạng câu hỏi Đọc hiểu trong quá trình dạy và học, trong cấu trúc đề thi. Từ năm 2013 trở về trước, đề thi Tốt nghiệp THPT chỉ có dạng câu hỏi kiểm tra kiến thức, cụ thể là kiểm tra những kiến thức về tác giả, tác phẩm thuộc văn học Việt Nam hoặc văn đề thi tốt nghiệp THPT năm 2010: Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn M. Solokhop?).
Tới đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014, câu hỏi kiểm tra kiến thức đã được thay bằng kiểu câu hỏi Đọc hiểu - đây là sự đổi mới rất tích cực và cần thiết trong cách ra đề hướng tới mục tiêu phát triển năng lực học sinh.
Năng lực nghe hiểu khi giao tiếp trực tiếp, khả năng đọc hiểu một văn bản bất kì có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày luôn là vấn đề với rất nhiều người Việt hiện nay – hiểu sai, hiểu lệch…luôn là những nguyên nhân gây hạn chế cho tương tác, phản cả trong giao tiếp, thậm chí bất lợi cho học tập, làm việc…
Một ví dụ thường gặp trong cuộc sống hiện nay, đó là hiện tượng chủ nhân một bài viết ( Status) trên trang cá nhân gửi gắm một thông điệp nào đó, nhưng bạn bè vào comment hầu như đều không “đọc” ra thông điệp, nên hoặc chỉ khen ảnh, hoặc comment kiểu “ông nói gà,, bà nói vịt”, thậm chí có thể tương tác phản cảm…
Thực ra, bản chất của các mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực, dù dạy và học, làm việc hay chia sẻ yêu thương… đều phải xuất phát từ sự hiểu nhau, sự hiểu ấy có thể trong bình diện nhìn - hiểu, nghe - hiểu hoặc đọc - hiểu…- và cuộc sống càng phát triển, nhất là trong thời đại công nghệ như hiện nay, đương nhiên năng lực đọc hiểu được đặt lên hàng đầu.
Kiểu câu hỏi đọc – hiểu được đưa vào đề thi THPT, vào quá trình dạy, học, ôn luyện cho học trò đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tế khi tương tác xã hội là xuất phát điểm cho mọi thành công của con người.
Với các cấp độ từ nhận biết, tới thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, các câu hỏi đọc hiểu sẽ thực sự đáp ứng tốt nhất mục tiêu dạy học phát triển năng lực cho học sinh;
Đặc biệt với các văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa được sử dụng làm ngữ liệu đọc hiểu, kiểu bài này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa học đường với cuộc sống, tăng cường hiểu biết xã hội cho học sinh ngay khi đang học phổ thông, khiến môn văn ngày càng phát huy vai trò hữu ích với cuộc sống xã hội.
Học sinh cần dành một phần thời gian đặc biệt quan trọng cho việc luyện kiểu bài đọc hiểu, các em cần hệ thống hóa kiến thức tiếng Việt, có tri thức mang tính công cụ để trả lời kiểu câu hỏi nhận biết, luyện các phương pháp trả lời các câu hỏi đọc hiểu theo 4 mức độ;
Giai đoạn cuối cần ôn chuyên đề đọc hiểu với mục đích khái quát những vấn đề chính trong nội dung, phương pháp của kiểu bài đọc hiểu, giúp các em có thể nâng cao điểm số trong hai tháng học cuối.
Không chỉ đối với thí sinh tham gia kì tuyển sinh năm nay, đối với các học sinh sinh năm 2003, tức là sẽ tham gia kì thi tuyển sinh 2021 cũng hết sức lưu ý, phần đọc hiểu có thể có trong các kì thi của các trường không thuộc khối trường xã hội.
Cần dành thời gian cho việc luyện kiểu bài đọc hiểu
Kỹ năng đọc hiểu cũng cần vận dụng trong việc hiểu các đề bài của các môn khác. Ví dụ: Trong đề tuyển sinh của ĐH Bách Khoa 2020 sẽ có phần đọc hiểu Tiếng Việt trong bài kiểm tra tư duy. Trong phần hướng dẫn tuyển sinh của Đại học Bách khoa có hướng dẫn rất rõ:
“Dạng bài thi đọc hiểu có nghĩa: Thí sinh đọc một đoạn văn đề bài cho trước, vận dụng cách hiểu, tư duy, để trả lời những câu hỏi ở dưới về nội dung đoạn văn này. Bài thi Đọc hiểu có thời lượng 30-35 phút nhằm đánh giá khả năng đọc nhanh, hiểu đúng (bằng tiếng Việt) và khả năng suy luận về những chủ đề khác nhau trong khoa học kỹ thuật, xã hội và văn học. Đọc hiểu là một năng lực cốt lõi, cần thiết cho việc tự học và học tập suốt đời.”
Tiếp theo, đối với đề thi THPT QG và Tốt nghiệp THPT: Phần Làm văn có hai câu nghị luận. Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn là câu hỏi rất được dư luận xã hội quan tâm trong các kì thi Quốc gia, tuy là câu hỏi có quĩ điểm thấp nhất trong cấu trúc đề thi ( 2 điểm) nhưng có thể các em cần đầu tư thời gian nhiều hơn cả phần đọc hiểu 3 điểm.
Đây là câu Làm văn kiểm tra đồng thời ở học sinh kiến thức nghị luận và kiến thức đời sống xã hội, rèn cho các em năng lực quan sát, suy ngẫm, phản biện, kĩ năng lập luận chặt chẽ, thấu đáo khi thể hiện quan niệm, đánh giá của mình, giúp các em có sự quan tâm sâu sắc tới cuộc sống xã hội xung quanh mình, không thờ ơ vô cảm, cũng giúp điều chỉnh những quan niệm sống có thể còn lệch lạc của con người thời hiện đại.
Học sinh cần rèn luyện kĩ năng viết đoạn, tới luyện đề cụ thể và đặc biệt có sự phân biệt giữa bài văn và đoạn văn, những kinh nghiệm viết đoạn văn theo yêu cầu của kì thi Quốc gia từ năm 2017 tới nay.
Sau này, những vấn đề đặt ra trong đề thi tuyển sinh riêng của các trường Đại học lớn theo chế độ tự chủ tuyển sinh, thí sinh tham gia các kì thi Tuyển sinh Đại học 2021 vẫn phải hết sức lưu ý từ bây giờ.
Ví dụ: Khả năng sự xuất hiện Bài viết luận trong kì thi tuyển sinh riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội, hay trong kì thi năng khiếu của Học viên báo chí Tuyên truyền… sẽ đòi hỏi kiến thức và kĩ năng viết luận của thí sinh.
Câu hỏi cuối cùng là câu có quĩ điểm cao nhất trong toàn bài ( 5 điểm), cũng là câu các em phải dành nhiều thời gian nhất là phần nghị luận văn học. Học sinh cần ôn các tác phẩm văn học theo chuyên đề khái quát, xâu chuỗi các đơn vị kiến thức, đặt các kiến thức cụ thể trong mỗi tác phẩm trong những giá trị khái quát của nội dung hoặc nghệ thuật, ví dụ: giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, chất thơ…
Có thể thấy những vận động và biến động của cuộc sống tất yếu sẽ tạo ra những thay đổi trong quá trinh dạy và học, trong chế độ thi cử, trong đề thi… đó là sự vạn biến dễ hiểu của cuộc sống. Tuy nhiên, khi chúng ta có sự bất biến của ý chí, quyết tâm, có nghị lực và đích hướng tới sáng rõ, lại có thêm sự đồng hành của các thầy cô, dĩ bất biến ứng vạn biến, chúng ta sẽ hoàn toàn có thể tự tin bước tới chiến thắng.
Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết