Ngôi trường Trung Quốc đào tạo các cậu bé thành "đàn ông đích thực"
(Dân trí) - Ông Tang Haiyan (39 tuổi) thành lập và điều hành ngôi trường có tên “Câu lạc bộ những chàng trai đích thực” tại Trung Quốc. Đúng như tên gọi, ngôi trường có mục đích đào tạo những cậu bé thành những người đàn ông đích thực qua việc chơi các môn thể thao như golf, chèo thuyền, cưỡi ngựa, vượt qua các thử thách và không chấp nhận sự yếu đuối.
Vào một buổi chiều trong lớp học, 17 cậu bé đồng thanh hô khẩu hiệu dưới sự hướng dẫn của ông Tang.
“Ai là người tốt nhất ?”, ông Tang hô. “Tôi là người tốt nhất”, các cậu bé đáp lại. Tương tự với câu “Ai là người khỏe nhất ?” và cuối cùng các cậu bé hô lên “Đàn ông đích thực” khi được hỏi “Các em là ai?”.
Theo giáo sư Peng Xiaohui – Đại học Sư phạm Hoa Trung, việc xóa bỏ những đặc tính về giới của một người đàn ông như không sợ chết và gian khổ không khác gì việc “đất nước tự sát”. Ông Peng khẳng định việc một cậu bé được nuôi dạy làm con trai, bé gái được nuôi dạy làm con gái, là vô cùng cần thiết.
Ông Tang - một cựu huấn luyện viên bóng đá, cho biết ý tưởng về câu lạc bộ bắt nguồn từ những cuộc trò chuyện với các bậc phụ huynh lo lắng về sự thể hiện của con trai họ tại trường học.
Ông Tang cũng được truyền cảm hứng sau chuyến tham quan bang California (Mỹ) vào năm 2006. Tại đây, ông được chứng kiến cách các bậc cha mẹ người Mỹ nuôi dạy con trai vượt qua thách thức và hiểm nguy qua hoạt động rèn luyện thể chất.
Trong khi đó, rất nhiều bậc cha mẹ tại Trung Quốc có xu hướng bảo bọc quý tử quá mức do truyền thống trọng con trai và ảnh hưởng của chính sách một con. Khảo sát đề cập ở trên cũng cho thấy, “kể cả trong cuộc sống hay ở trường, cha mẹ thường có xu hướng làm hư con trai”.
Ông Tang cho biết, hơn 2.000 cậu bé đã tham gia Câu lạc bộ những chàng trai đích thực. Bà Sun Yi đã gửi cậu quý tử 8 tuổi (cũng là đứa con duy nhất của mình) tới trường học của thầy Tang với mong muốn cậu bé sẽ học được cách làm việc nhóm. Bà đã chi khoảng 2.000 USD cho mỗi học kỳ.
“Cháu thường rất hay khóc, nhưng tôi nghĩ giờ tính cách của cháu đã dễ chịu hơn nhiều. Tôi cũng nhận thấy khả năng chịu đựng của cháu đã được cải thiện, giờ cháu đã biết cách đối mặt với thất bại và nỗi thất vọng”, bà Sun Yi nói.
Trước giờ làm bài về nhà, các cậu bé tập trung lại và hô vang khẩu hiệu: “Tôi là người đàn ông đích thực! Người sẽ mang trọng trách với gia đình và xã hội trong tương lai”.
Theo ông Tang, một người đàn ông đích thực phải hào hiệp, cam đảm, biết phân biệt đúng sai và thấu hiểu thế nào là “danh sự và sự nhục nhã”.
Vào mỗi chủ nhật, các cậu bé sẽ bắt chuyến xe buýt lúc 7h 40’ sáng tới ngôi trường trên ngọn đồi ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh. Thậm chí có những ngày tháng 12 lạnh giá, các em sẽ luyện tập thể thao để rèn luyện tinh thần làm việc nhóm và sự mạnh mẽ mà không mặc áo.
Học viên Sun Shujie (10 tuổi) chia sẻ trước lớp về quá trình cậu bé hạn chế việc sử dụng điện thoại trong tuần và giới hạn chỉ dùng 20 phút mỗi ngày.
Nơi các cậu bé làm bài về nhà trưng bày những tấm ảnh của các nhà khoa học và kỹ sư nổi tiếng. Trong số đó, chỉ có duy nhất một bức ảnh của một phụ nữ là nhà khoa học Marie Curie.
Câu lạc bộ những chàng trai đích thực đặt mục tiêu dạy trẻ cách tự lập tự cường, khuyến khích các cậu bé đạt được mục tiêu mà không cần cha mẹ thúc giục. Tuy nhiên, nhà trường không khuyến khích tính hiếu thắng ở các em học sinh. Những cậu bé vi phạm quy định, như đẩy các bạn khác hay cư xử thô lỗ, sẽ bị trừ điểm và đánh tụt hạng từ “phượng hoàng” xuống “trứng thối”.
Với cậu bé Fang Dingyue – con trai bà Sun, những quy định của nhà trường dường như quá nặng nề. Em đã bật khóc khi bị thầy Tang yêu cầu ra khỏi hàng do không theo kịp lúc tập đi đều.
Một số người dân Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của những mô hình trường học như vậy. Anh Wang Chenpeng – một nhân viên marketing 23 tuổi, cho biết: “Bề ngoài, những đứa trẻ có vẻ sẽ tuân theo yêu cầu của cha mẹ và những ngôi trường này, nhưng bản chất của chúng vẫn không thay đổi”.
Minh Hương
(Theo New York Times)