Thanh Hóa:
Ngôi trường hơn 20 năm “sống chung” với thuốc trừ sâu
(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, thầy trò Trường THCS Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) phải “sống chung” với những tàn dư độc hại từ kho thuốc trừ sâu cũ của hợp tác xã nằm ngay trong khuôn viên trường.
Trường THCS Vĩnh Tiến được xây dựng vào năm 1991 tại xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Thời điểm xây dựng trường, mảnh đất này từng là nhà kho của HTX nông nghiệp Vĩnh Tiến, trong đó có kho chứa lúa giống và các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Bởi thế, hàng năm có hàng trăm học sinh (HS) và giáo viên (GV) sinh hoạt và học tập trong môi trường độc hại do dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng dưới lòng đất vượt mức cho phép hàng trăm lần.
Ngôi trường hiện có 147 HS, 29 GV. Tuy nhiên, mỗi năm có khoảng trên dưới 20 HS chuyển đi trường khác học.
Theo phản ánh của GV và HS đang học tại trường, mỗi khi trời mưa xuống sau đó có nắng lên thì mùi thuốc sâu nồng nặc bốc lên. Biết là nguồn nước và không khí ở đây đang nhiễm độc thế nhưng nhiều năm trước do điều kiện còn khó khăn, chưa thể mua được nước lọc nên GV và HS vẫn dùng nước lấy từ giếng của trường. Ngay cả khi nước được nấu lên bỏ vào phích, cô trò Trường THCS Vĩnh Tiến vẫn thấy có mùi thuốc sâu.
Cách đây 6 năm, trường không dùng nước giếng cũ nữa mà chuyển sang dùng giếng khoan, qua bể lọc nhưng cũng không cải thiện được tình trạng mùi thuốc sâu trong nước khi đã nấu. Cho đến 2 năm trở lại đây, HS và GV mới chuyển sang mua nước lọc đóng bình để dùng.
Tháng 10/2013, sau nhiều năm kiến nghị lên cấp trên, Sở Tài nguyên Môi trường mới về trường để lấy mẫu đất đi xét nghiệm. Kết quả thử nghiệm đối với mẫu gửi phân tích của Bộ Tư lệnh Hóa học thì trong đất nền kho cũ có hàm lượng DDT cao hơn 400 lần cho phép, hàm lượng các hợp chất cơ Clo khác cao hơn 2 - 4 lần cho phép theo QCVN 15: 2008/BTNMT.
Theo cô giáo Đỗ Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường thì mẫu đất được mang đi xét nghiệm chỉ lấy cách bề mặt lần đầu là chừng 50 phân, lần sau khoảng 1m.
Cũng theo cô Hoa thì cô nghi ngờ việc ảnh hưởng của chất độc dưới lòng đất nên nhiều GV ở trường mắc bệnh bất thường, ngay bản thân cô công tác tại trường từ năm 1999 thì 3 năm sau cô mắc bệnh bướu cổ. Không những cô mà còn có thêm 1 GV khác trong trường cũng bị bệnh này, 1 cô mất vì ung thư, 5 cô bị lưu thai, 1 cô sinh con bị dị tật. Sau khi sinh con bị dị tật, cô giáo này đã chuyển đi trường khác dạy. Còn tình trạng HS thì bị chảy máu mũi thì cũng xảy ra nhiều.
“Bao nhiêu năm qua chúng tôi ý kiến lên cấp trên nhưng vì chưa có kinh phí nên chưa thể xây trường mới được. Mong muốn lớn nhất của nhà trường bây giờ là được di chuyển ngôi trường sang nơi khác để thầy và trò được yên tâm giảng dạy và học tập chứ không muốn cải tạo lại đất nữa vì thứ đất này đã ô nhiễm quá nặng rồi. Nếu cứ tiếp tục học tại đây thì sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe của cả GV và HS” - cô Hoa chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Dương Văn Dung - cán bộ văn phòng xã Vĩnh Tiến cho biết: “Xã cũng đang đề nghị di dời trường và xử lý nơi có thuốc trừ sâu thế nhưng thực tế thì muốn chuyển được trường phải có kinh phí nhưng hiện kinh phí chưa có nên việc di dời thì cũng chưa biết được khi nào, có thể năm nay hoặc năm sau”.
Điều đáng nói là hơn 20 năm qua, GV và HS ở trường đã có ý kiến rất nhiều về vấn đề này thế nhưng vị cán bộ văn phòng này vẫn khẳng định chỉ có mùa hè mới có mùi nồng chứ “chưa đến mức ảnh hưởng trực tiếp” và việc HS chuyển đi nơi khác học mỗi năm lên đến khoảng hai chục em thì ông cho rằng HS muốn đi trường có chất lượng học tốt hơn chứ không phải vì ô nhiễm.
Khi cơ quan chức năng đang băn khoăn về kinh phí di chuyển trường học thì hàng trăm HS và GV Trường THCS Vĩnh Tiến vẫn đang ngày ngày phải hứng chịu hơi độc bốc lên từ tàn dư của kho thuốc và chờ “án tử” ghé thăm bất cứ lúc nào.