Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông Lê Trọng Đào - một cao niên ở làng Phước Tích - tự hào: “Chắc chẳng có làng mô trong nước có số người đi dạy học nhiều bằng làng ni. Ở đây cứ ra ngõ là gặp nhà giáo, tìm gặp nhà giáo chẳng mô dễ bằng đây”. Vợ chồng ông Đào đều là giáo viên Trường Tiểu học Phong Hòa đã nghỉ hưu. Hiện 4 người con của ông bà đang nối nghiệp bố mẹ theo nghề gieo chữ tại các trường ở huyện Phong Điền và TP.Huế. “90% người trong nhà tui theo nghề nhà giáo” - ông Đào tự hào.
Ngôi làng theo nghiệp “gieo chữ”
Có gần 300 người theo nghiệp dạy học, nên làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) còn được gọi là “làng gieo chữ”.
Gia đình ông Lê Trọng Đào có 6 người theo nghề dạy chữ.
Theo Trưởng thôn Hoàng Tấn Minh, làng Phước Tích có 117 hộ dân nhưng có đến gần 300 người theo nghề dạy học, có gia đình có tới 7-8 người làm nghề “gõ đầu trẻ”. Trong đó, có 30 giáo viên đã nghỉ hưu đang sống ở làng, 52 giáo viên đang dạy học ở địa phương, hơn 200 giáo viên khác đang công tác tại các trường học ở tỉnh ngoài. Đó là chưa kể hàng chục con em trong làng hiện đang là sinh viên theo học tại các trường cao đẳng và đại học sư phạm. “Gia đình tui cũng có 3 người theo nghề giáo viên. Tui đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy làng mô có số người theo nghề dạy chữ “khủng” như làng tui” - ông Minh nói.
Chị Hà Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Mỹ (xã Phong Hòa) và chồng là Sử Kim Tiến - Hiệu trưởng Trường THCS Phong Hòa đều là người làng Phước Tích. Chị Hiền bảo, dù thu nhập thấp nhưng từ trước đến nay nghề giáo luôn là lựa chọn số một của người dân trong làng. Người dân nào trong làng theo nghề này đều đặt chữ tâm với người học lên hàng đầu.
“Thế hệ trẻ sau ni cũng mê nghề giáo lắm. Nghề ni tuy cuộc sống khó khăn nhưng mình giữ được cái tâm, đầu óc luôn trong sạch, tinh thần lúc nào cũng thanh thản” - chị Hiền chia sẻ.
Theo An Sơn
Dân Việt