Ngộ nhận thần đồng

Thấy cậu con 5 tuổi hay nói những câu lạ tai, gặp người lớn còn phán: "Số bác khổ đấy", hay "Cô sắp có hạn rồi"... mẹ bé Duy, ở Vĩnh Phúc, đi khoe khắp nơi con là thần đồng, có khả năng tiên tri.

Đi đâu, mẹ Duy cũng kể về con trai, thêu dệt thêm nhiều chuyện ly kỳ để mọi người tin rằng cháu biết mọi việc ở đời vì được trời dạy.

Rồi sau đó, chị đưa con đi nhiều chỗ, hết nhà nghiên cứu này, đến Trung tâm khoa học nọ để nhờ công nhận cháu là thiên tài, "con trời".

Một số nhà khoa học khi ấy cũng đồng tình ủng hộ và khuyên chị nên đưa con đến Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng (UIA) để được chứng thực.

Tiếp xúc với Duy, các nhà khoa học của UIA thấy cháu láu lỉnh hơn các bạn cùng tuổi, hay nói những câu ra vẻ người lớn, ngoài ra không có gì đặc biệt.

Để kiểm tra, các chuyên gia đã cho Duy gặp một số người để cháu tiên đoán thử xem vận mệnh thế nào thì cậu bé toàn nói chung chung kiểu như: "Bác không giàu nhưng sướng", "Cô vất vả nhưng phúc đức", "Chú làm nhiều công lao nhưng không được biết đến, có khi còn bị hiểu lầm, oan ức"...

Theo ông Vũ Thế Khanh, trẻ được coi là thần đồng khi:

 

- Có những khả năng đặc biệt, trội hơn hẳn về một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như ngôn ngữ, toán học, hội họa, âm nhạc... so với các trẻ khác cùng tuổi, cùng môi trường sống.

 

- Thường những trẻ này có điểm chung là có khả năng ghi nhớ rất nhanh và lâu, có linh giác nhạy bén.

 

- Khả năng này phải duy trì được ổn định từ lúc bộc lộ tới khi trưởng thành.

Ông Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp UIA cho rằng, nếu cháu quả thực do "trời dạy", thì phải thông thạo những kiến thức uyên thâm, có tính hàn lâm, chứ không chỉ vài câu cửa miệng lạ lạ, nhưng khi hỏi tới thì Duy hoàn toàn không biết gì.

Ông Khanh cho biết, UIA đã tiếp khá nhiều phụ huynh thấy một vài biểu hiện bất thường của con so với bạn bè đồng lứa liền cho rằng đó là dấu hiệu của thần đồng.

Nhưng thực chất, đa số các trường hợp đó đều do cha mẹ huyễn hoặc, có người còn tự tô vẽ thêm nhiều chi tiết, lôi kéo sự hiếu kỳ, làm trò lạ cho mọi người.

Trường hợp của cháu Tuấn Anh ở huyện Hoài Ân, Bình Định là một ví dụ. Cách đây 5 năm, một hôm, ông Khanh nhận được bức thư của bà Tuấn Anh, nói rằng cháu gần 6 tuổi, chưa đi học nhưng có khả năng viết "chữ ngoài hành tinh".

Trong thư có kèm theo chữ viết lạ của Tuấn Anh: rất đẹp và mang tính cách điệu cao nhưng không thể đọc được là chữ gì, "bởi nó nhang nhác chữ Hán mà chẳng phải chữ Hán, hao hao chữ Lào mà không phải chữ Lào".

Bà cháu còn kể, Tuấn Anh có khả năng chữa bệnh bằng cách nói "xì chữa bệnh" rồi áp tay vào chỗ đau của người bệnh như thể truyền công lực trong phim chưởng.

Nhận được thông tin này, ông Khanh mời gia đình dẫn cháu ra Hà Nội. Sau một tháng cho hai bà cháu ăn nghỉ riêng tại trụ sở của UIA để theo dõi, ông Khanh quyết định làm thí nghiệm trước sự chứng kiến của nhiều nhà khoa học.

Mỗi ngày, Tuấn Anh được đọc cho chép cùng một văn bản. Cháu viết rất nhanh, chữ lạ mắt, loằng ngoằng. Khi có khoảng gần chục bản như thế, ông Khanh mang ra đối chiếu thì thấy, mỗi bài viết một kiểu, cùng một chữ nhưng hôm nay viết thế này, mai thế khác, thậm chí cháu cũng không đọc được hoặc đọc sai hết chính bài mình viết.

Theo ông Khanh, cháu Tuấn Anh biết vẽ những chữ hình thù lạ mắt có thể do người lớn hướng dẫn hoặc cháu bắt chước các chữ tiếng nước ngoài trong phim rồi thêm thắt. Còn việc Tuấn Anh "xì chữa bệnh" là do bị nhiễm phim chưởng.

Theo các nhà khoa học, bố mẹ nên để con được tham gia các sinh hoạt với trẻ cùng lứa tuổi, được sống đúng nghĩa tuổi thơ. Nếu trẻ thật sự có khả năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó, phụ huynh nên nhờ chuyên gia về mảng ấy thẩm định, tư vấn để biết cách giúp con phát huy tối đa, đừng nên thổi phồng hay mang ra làm trò lạ, quảng cáo, gây cho đứa trẻ sự hoang tưởng về khả năng của mình và đánh mất cả tuổi thơ của con.

Tưởng thần đồng hóa bệnh

Theo một số chuyên gia, nhiều khi, các biểu hiện bất thường ở trẻ là dấu hiệu của một loại bệnh nào đó mà cha mẹ không chú ý, lại tự huyễn hoặc, nghĩ con có khả năng đặc biệt, và đánh mất cả cơ hội chữa bệnh cho con.

Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tu Na cho biết, bà đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân là những trẻ bộc lộ khả năng đặc biệt khi còn nhỏ. Có cô bé 7 tuổi được bố mẹ đưa đến phòng khám vì khả năng nhận thức của cháu chỉ tương đương với một đứa trẻ 3 tuổi, trong khi từ lúc 2 tuổi, cháu đã biết nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Một cháu khác, 14 tuổi đang được điều trị chứng rối loạn cảm xúc từng làm cho cả nhà "ngã ngửa" khi biết nói từ lúc 6 tháng tuổi.

Theo tiến sĩ Bưởi, những dấu hiệu lạ chưa hẳn đã hứa hẹn đứa trẻ lớn lên sẽ thành thiên tài, bởi nó có thể phát triển tiến lên nhưng cũng có nhiều trường hợp lại rẽ theo hướng tiêu cực, đi lùi lại.

Mỗi lần gặp bạn bè, chị Xuyên, ở Đội Cấn, Hà Nội rất tự hào khi nói về bé Bi, con trai mình. Chị kể, từ nhỏ Bi đã bộc lộ những điểm khác biệt so với bạn bè cùng tuổi.

Nó không thích xem phim hoạt hình hay các mẩu quảng cáo "vớ vẩn" mà chỉ chăm chú vào những chương trình trí tuệ như đường lên đỉnh Olympia, thời sự... "Cu cậu cũng không thích chạy nhảy vui chơi đâu mà thường ngồi trầm ngâm, suy nghĩ như triết gia cơ đấy", chị Xuyên hào hứng khoe.

Nhưng khi đến nhà chơi, đám bạn bè của chị vừa thất vọng, vừa lo lắng vì nhìn Bi chẳng có nét gì là thần đồng mà còn có vẻ chậm chạp, phản xạ kém, chỉ ê a, không nói rõ chữ, dù đã hơn 4 tuổi.

Một người bạn có biết đôi chút về y khoa, thấy những biểu hiện của Bi có vẻ giống bị bệnh tự kỷ, nên khéo léo, nói gần xa bảo chị Xuyên đưa con đi kiểm tra, nhưng chị nhất định không nghe: "Cậu thật vớ vẩn. Nó sau này sẽ là một tài năng lớn. Cậu xem, đầy nhà bác học hồi nhỏ cũng bị người ta coi là lập dị đấy thôi.".

Người bạn không thể thuyết phục được chị Xuyên, chỉ lo lắng vì biết, nếu Bi bị tự kỷ thật thì để càng lớn càng khó chữa.

Theo ông Vũ Thế Khanh, nhiều cháu vượt trội hẳn so với bạn cùng tuổi về khả năng ngôn ngữ, toán, hay một số lĩnh vực khác chỉ là phát triển sớm hơn chứ không có nghĩa là dấu hiệu của thần đồng.

Bởi có thể, những biểu hiện ấy chỉ là nhất thời, rồi sau đó, lại đi theo quy luật, thậm chí, có trường hợp đến tuổi nào đó, nó còn chậm hơn cả những trẻ bình thường khác.

Vì thế, ông Khanh cũng đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Lã Thị Bưởi: "Hạnh phúc nhất của bậc cha mẹ là nhìn thấy con được lớn lên, phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, chứ không phải có những dấu hiệu bất thường để hy vọng sau này là thần đồng".

(* Tên của nhân vật đã được thay đổi)

Theo Minh Thùy
Vnexpress