Thanh Hóa:
Nghịch lý câu chuyện trường lớp ở vùng cao xứ Thanh
(Dân trí) - Ở vùng núi xứ Thanh, rất nhiều nơi học sinh khao khát có nơi để ở, lớp để học thì một số nơi được đầu tư trường lớp hàng chục tỷ đồng lại không phát huy hiệu quả.
Hiện nay, ở các huyện miền núi Thanh Hóa, vẫn có hàng trăm học sinh chịu cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, từ chỗ ăn ở sinh hoạt đến nơi học tập. Tại nhiều bản làng vùng cao xa xôi, các em nhỏ vẫn phải học ở những lớp học tạm bợ. Những lớp học sơ sài được dựng tạm bằng tre nứa, không có tường che chắn làm ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi khi thời tiết thay đổi.
Những túp lều lụp xụp được dựng lên bên sườn đồi, có 4 đến 5 em ở chung, mùa hè nóng bức, mùa đông gió rít lạnh lẽo, không có nước, điện sáng... Bếp ăn được dựng lên ngay trong những lán tre, ẩn sau đó là những nguy cơ mất an toàn luôn rình rập...
Gặp em Giàng A Xình, Trường THCS Mường Lý khi mùa đông đang về, nhưng Xình chỉ mặc chiếc áo sơ mi đã bung hết cúc, bên trong là chiếc áo thun lấm lem bùn đất. Sau hồi lâu bẽn lẽn, Giàng A Xình kể: “Mùa đông, gió thổi qua vách nứa khiến bạn nào cũng lạnh cóng. Điều mong ước lớn nhất của em và rất nhiều bạn trong lớp là được học, vui chơi trong ngôi trường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp”.
Theo ghi nhận, trên địa bàn 3 xã Mường Lý, Tén Tằn, Tam Chung (huyện Mường Lát) hàng trăm em học sinh vẫn phải học và ở trong những lều, lán tạm bợ. Huyện Quan Hóa có 4 điểm trường học sinh phải dựng lều lán trọ học. Trong đó, trường THCS và THPT có trên 500 học sinh, thì có tới 70% số học sinh phải làm lều lán trọ học, riêng hai trường tại bản Dôi, xã Thiên Phủ có 419 học sinh, trong đó hơn 70% em có nhu cầu bán trú.
Huyện Quan Sơn còn hơn 40% phòng học là nhà cấp 4 xuống cấp và tranh tre, với hàng trăm học sinh đang phải ở trong những khu lán, nhà tạm làm từ tre, luồng, gỗ... các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, bể nước, nguồn nước sinh hoạt không có hoặc chỉ tạm bợ...
Thế nhưng, một nghịch lý đáng buồn là trong khi hàng trăm học sinh ở các bản làng xa xôi đang khát khao, mơ ước có một ngôi trường khang trang để học tập thì cũng tại địa bàn miền núi, một số công trình tiền tỷ lại không phát huy hiệu quả hoặc trong tình trạng “đắp chiếu”.
Đó là những công trình hạ tầng dân sinh được đầu tư theo Chương trình 134, 135 đã không phát huy tác dụng. Giai đoạn 2012 – 2015, Chương trình 135 đã đầu tư cho Thanh Hóa 550 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng cho 114 xã.
Nhiều công trình đã giúp các huyện nghèo miền núi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cũng không ít công trình sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng bị hư hỏng, hoặc không sử dụng được. Điển hình như công trình nước sinh hoạt tại thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh (huyện Thạch Thành) được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Tháng 11/2014, công trình đưa vào sử dụng, phục vụ nước sinh hoạt cho 100 hộ dân với 800 nhân khẩu. Tuy nhiên, đến nay công trình bỏ hoang lãng phí, gây bức xúc cho người dân; tuyến đường giao thông nối bản Eo Kén với trung tâm xã Thành Lâm (Bá Thước) do không có rãnh thoát nước nên khi gặp mưa lũ đã bị sạt lở. Tuyến kênh mương nội đồng xã Giao Thiện (Lang Chánh), kênh cao so với mặt đập tràn của hồ nên nước không thể dâng lên hệ thống mương dẫn.
Tại huyện Như Xuân có hàng chục điểm trường xây dựng nhưng rồi “bỏ hoang”. Theo thống kê, năm học 2014 - 2015, có 40 điểm trường, với 59 phòng học ngừng hoạt động. Sau khi rà soát và chuyển đổi mục đích sử dụng, như chuyển làm nhà văn hóa, giao cho chính quyền xã quản lý, sử dụng... đến nay đã đưa hoạt động trở lại 11 điểm trường với 25 phòng học. Do không có học sinh, nhiều điểm trường trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng. Có nơi người dân tận dụng làm chỗ để vật liệu xây dựng, làm nhà để xe, nơi chăn bò... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do số lượng học sinh ở các bậc học, cấp học giảm, việc ồ ạt đầu tư xây dựng mà không tính toán đến số lượng học sinh ở từng địa phương... vì vậy hàng chục tỷ đồng bị lãng phí.
Nằm ở vị trí đắc địa, trên khuôn viên đất rộng tại xã Xuân Cẩm, Trung tâm Dạy nghề huyện Thường Xuân được đầu tư kinh phí trên 30 tỷ đồng để xây dựng hai dãy nhà 2 tầng với hàng chục phòng học, nhiều thiết bị thực hành hiện đại... Khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2011, với kỳ vọng sẽ đào tạo hàng trăm học viên/khóa cho các đối tượng người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, hộ nghèo... Thế nhưng, trung tâm luôn gặp khó trong công tác tuyển sinh.
Năm học 2016-2017 trung tâm không tuyển được một học viên nào. Vắng bóng học viên, bên trong các phòng học, phòng thực hành bụi phủ đầy càng làm cho trung tâm trở nên hoang vắng, lạnh lẽo.
Cùng chung số phận là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề huyện Quan Hóa. Được Nhà nước đầu tư xây dựng theo Chương trình 30a của Chính phủ. Bao gồm 10 phòng học lý thuyết 2 tầng kiên cố, 16 phòng ở kiên cố 2 tầng khép kín cho học sinh, 3 xưởng thực hành nghề, khu ăn, ở cho giáo viên, một nhà hiệu bộ 11 phòng... kinh phí đầu tư xây dựng lên đến cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trái ngược với sự “hoành tráng” ấy, đến thời điểm hiện tại, trung tâm chỉ phục vụ cho 20 học sinh ở khối lớp 10, lớp 11. Tình trạng thiếu học sinh tại trung tâm này diễn ra từ nhiều năm nay.
Những công trình lớp học trên chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Đây là thực trạng đáng báo động trong việc đầu tư, xây dựng dự án mà không tính toán kỹ lưỡng đến hiệu quả kinh tế - xã hội, cũng như nhu cầu học tập tại các huyện miền núi.
Nghịch lý những công trình tiền tỷ bỏ hoang và ước mơ của nhiều em nhỏ vùng cao có một mái trường khang trang, sạch đẹp đang là một thực tế đáng buồn rất cần những giải pháp tháo gỡ cũng như phải siết chặt hơn nữa trong quản lý đầu tư và xử lý nghiêm trách nhiệm người có liên quan.
Nguyễn Thùy