Nghĩ về Tôi và Tổ quốc
Tại Hội thảo Biển đảo, do Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam vùng Boston (Mỹ) mở rộng tổ chức, một cảm xúc thật đặc biệt xuất hiện trong tôi, khi tôi nhìn một người đàn ông khóc trong lúc nói về Việt Nam, về chủ quyền của nước nhà.
Ông là TS Nguyễn Nhã, người đã cống hiến cả cuộc đời mình nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, điều mà ông chỉ nghĩ đơn giản quan niệm là "một sứ mạng nặng nề và cái nghiệp phải mang". Không chỉ tôi mà mọi người trong khán phòng hôm đó đều không thể kìm nén xúc động...
Sau khi trở về từ cuộc thảo luận, tôi luôn nhớ hình ảnh đó: "Một người đàn ông đã rơi lệ khi nói về Tổ quốc". Tôi suy nghĩ về bản thân, về những người bạn xung quanh mình. Chúng tôi, thế hệ thanh niên - luôn "được" và "tự coi" là rường cột của nước nhà. Không phải là hô hào, càng không phải là giáo điều nhưng tôi rất băn khoăn: Chúng ta đang làm gì, đang suy nghĩ gì về thế hệ cha anh đi trước, về Tổ quốc, về chủ quyền đất nước?
Tôi nghĩ về bản thân, về sự ích kỷ mà đã đến lúc tôi cần nhìn lại. Ngày ở Việt Nam, khi là một sinh viên, tốt nghiệp ra trường, rồi đi làm, tôi chỉ sống cho bản thân mình. Hầu như tôi chưa làm đúng nghĩa vụ và quyền lợi công dân mà xã hội đã cho và tạo cơ hội. Tôi nhớ rằng, mình chưa biết cầm lá phiếu để đi bầu cử, chưa biết "tổ dân phố" hay "khu phố" nhà mình ở đâu. Tất cả những kiến thức về Nhà nước của tôi chỉ đến từ các môn học bắt buộc trong chương trình đại học hoặc tin tức hằng ngày. Kiến thức ấy còn cứng nhắc và xa rời thực tiễn để có thể đánh thức, khơi dậy được cái tố chất của thanh niên, sinh viên Việt Nam trong tôi. Tôi - một điển hình phổ biến của cá nhân chủ nghĩa.
Ngày hôm nay, là sinh viên du học, sống trong môi trường mới, thật may mắn, tôi đã và đang thay đổi. Tôi tham gia vào các hoạt động tập thể nhiều hơn. Tôi nghĩ đến người khác nhiều hơn. Sự thay đổi tích cực này, thực ra cũng vì lợi ích cá nhân, bởi tôi cần bạn bè ở nơi "đất khách quê người". Một ngày tháng Sáu đẹp trời, tôi tham gia cuộc tọa đàm về biển Đông như một hoạt động đoàn thể bình thường. Tôi đến dự vì có bạn bè và cũng vì tôi có một ngày rảnh rỗi.
Học tập trong môi trường nào đi chăng nữa, sự âu lo về điểm số, hay tìm kiếm cơ hội thực tập, đều khiến chúng ta tập trung rất nhiều thời gian. Đối với du học sinh, có cơ hội học trong những ngôi trường danh tiếng, được làm trong những tập đoàn đa quốc gia là niềm tự hào và hạnh phúc của bản thân và gia đình. Nhưng mỗi người trong chúng ta, đã mấy ai nghĩ đến cái gọi là "trách nhiệm công dân" với đất nước, quê hương? Ở đó ta có "mẹ hiền", có "tình quê ấm" và là nơi ta vẫn "mỏi mắt" nhìn về mỗi buổi hoàng hôn như Phan Tưởng Niệm đã viết trong bài thơ Nấm đất quê mẹ. Dù đi đâu xa ta vẫn "trọn tình yêu - thuở mới vào đời, trọn tình yêu - tiếng mẹ à ơi !" và lớn hơn nữa là trọn tình yêu với quê hương.
TS Nguyễn Nhã cũng đã khóc nhưng ông khóc khi nghĩ về "đất mẹ". Điều đó khiến tôi thực sự xúc động. Ông chia sẻ rất thật: "Tôi có món quà mang từ Việt Nam. Nếu ai muốn giúp tôi hoàn thiện bản dịch và đưa những thông tin mà tôi nghiên cứu ra các bạn bè quốc tế thì cuối giờ tôi sẽ gửi tặng thay cho lời cảm ơn". Tôi mỉm cười vì thấy lạ nhưng đó là nét đẹp. TS Nguyễn Nhã đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, đã nói và hành động rất giản dị, rất Việt Nam.
Tôi trân trọng tình yêu cao đẹp với Tổ quốc, quê hương và những tâm sự của ông. Chợt thấy mình trầm tĩnh hơn. Từ tình cảm của một cá nhân với gia đình đến tình cảm với quê hương, đất nước, hai thứ trở nên hòa quyện và gần gũi đến khó tách bạch. Không phải gồng mình hay gượng ép, từ tình cảm đến ý nghĩ rồi tự hứa với bản thân sẽ học nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa trong những hoạt động cộng đồng để tự hào là một người Việt, để ngày càng tự hào hơn về Tổ quốc Việt Nam.
(Sinh viên ĐHTH Massachusetts, Lowell, Hoa Kỳ)