Nghĩ về “bến đỗ” của các thủ khoa
(Dân trí) - “Cần có những chính sách khuyến khích người làm khoa học, đặc biệt những bạn trẻ. Đừng để họ thành “Việt kiều” rồi mới nghĩ các chính sách “thu hút” - Đó là trăn trở lớn nhất của GS Hà Huy Khoái, Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam sau khi IMO 48 kết thúc.
Giờ đây, nỗi trăn trở này dường như không phải là của riêng GS Khoái khi ngay sau buổi lễ Vinh danh thủ khoa năm 2007, rất nhiều người trong số 98 thủ khoa “đầu ra” ĐH của thủ đô Hà Nội đều ấp ủ ý định đi du học, nếu không thì cũng sẽ “đầu quân” vào các công ty, doanh nghiệp nước ngoài.
Sau kỳ thi IMO 48, GS Khoái có tâm sự rằng: “Nếu được đào tạo tốt, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng thì những mầm non Olympic ngày nay có thể trở thành “cây đa cây đề” của khoa học nước nhà mai sau. Nhưng cũng có phần lo ngại: hầu như tất cả đều trưởng thành nhờ được học tại các đại học nước ngoài, và sau khi học, tiếp tục ở lại làm việc.
Đến nỗi, nhiều tờ báo gọi họ là “Việt kiều”, mặc dù từ này có lẽ không thật chính xác. Thật đáng lo ngại, khi hầu hết học sinh tài năng của Việt Nam, nếu muốn trưởng thành về khoa học đều phải trở thành “Việt kiều”. Đây là câu hỏi mà những người hoạch định chính sách cần tìm câu trả lời”.
Câu trả lời này, từ nhiều năm nay, các nhà hoạch định chính sách có lẽ đều đã nghĩ tới. Như tại Hà Nội, ngay từ năm 2003 đến nay, vào thời điểm trước khi diễn ra năm học mới, UBND thành phố Hà Nội tổ chức tôn vinh các thủ khoa xuất sắc của các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Sau 5 năm, đã có 500 thủ khoa được tôn vinh.
Trong năm 2007, UBND TP Hà Nội cũng ban hành một loạt chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” để mời gọi thủ khoa về với mình. Nhưng, có vẻ các thủ khoa cũng không mấy mặn mà. Có thủ khoa quyết đi du học và xem đó như là tất yếu, có thủ khoa thì “nhắm” tới những công ty nước ngoài để làm nơi lập nghiệp...
Theo thống kê của Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Phong thì khoảng 80% thủ khoa tốt nghiệp được giữ lại trường, khoảng 10% - 15% thủ khoa đã có việc làm khi tốt nghiệp. Chỉ có khoảng 10% - 15% thủ khoa chưa có “bến đỗ”, nhưng trong số này, không phải ai cũng nhận lời mời về công tác tại thành phố!
Trước dự định đi du học của các cậu bé “vàng” trong IMO 48, nhiều người đều đã cho rằng không nên trách gì các em. Có người còn nói theo quy luật “đất lành chim đậu”, ở những mảnh đất khác có điều kiện hơn thì tài năng của các em mới có thể đơm hoa kết trái.
Và tất nhiên, cũng không ai trách gì được các thủ khoa khi bản thân họ không thấy tha thiết trước sự trải thảm đỏ của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung thì không thể nói việc sử dụng nhân tài chưa hiệu quả là lỗi của ai. Đó là quá trình xây dựng cơ chế, chính sách chứ không thể nhanh chóng có được. Một hạt giống rất khỏe nhưng quan trọng là gieo vào đâu, chăm sóc ra sao và đến khi đơm hoa kết trái thì thu hoạch và sử dụng thế nào để có ích cho xã hội.
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng lúng túng trong việc lôi kéo nhân tài về với mình. Thu hút nhân tài không chỉ là việc đãi ngộ vật chất mà quan trọng là phải tạo điều kiện làm việc, không khí làm việc, cơ chế chính sách... Ngay cả Trung Quốc và nhiều nước châu Âu cũng bị chảy máu chất xám.
Không biết chúng ta còn phải chấp nhận thực trạng này trong thời gian bao lâu nữa?
Mai Minh