Nghị lực phi thường của một người mẹ Vân Kiều

(Dân trí) - Về thị trấn Khe Sanh huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, mọi người vẫn hay nhắc đến bà Hồ Thị Lành, một mình bươn chải, vượt qua mọi khó khăn, nuôi 6 người con học đại học.

Trong ngôi nhà cũ và chật hẹp, nằm trên sườn đồi thoai thoải ở khóm 5 thị trấn Khe Sanh, tôi thật sự ấn tượng khi thấy rất nhiều giấy khen, bằng khen dán khắp tường. Trong câu chuyện cũ, bà nhắc nhiều đến người chồng của mình - người lính Hồ Văn Hiến. Năm 1970, hai người đến với nhau khi chiến tranh vẫn còn rất ác liệt. Và 1 năm sau  ngày quê hương Quảng Trị được giải phóng, cũng là lúc hạnh phúc đến với vợ chồng bà khi đứa con trai đầu Hồ Văn Sơn chào đời. 3 năm sau, đến lượt Hồ Văn Sĩ cất tiếng khóc, rồi lần lượt là Hồ Thị Thuỷ (1978), Hồ Thị Thắm(1980), Hồ Ngọc Thạch (1982) và cuối cùng là Hồ Thị Thương (1984)…

 

Câu chuyện giữa chúng tôi lắng xuống khi nghe bà Lành kể về lúc chồng mất.  Đó là vào năm 1999, một nỗi đau thật quá đột ngột tưởng chừng như không gượng dậy được. Khi ấy, anh Hồ Văn Sơn đang học tại trường Đại học CSND TPHCM và cậu em  kế thì học ở trường Đại học Biên Phòng (Sơn Tây, Hà Tây). Còn lại, đứa thì học cấp III, đứa đang còn cấp II. Vốn đã khó khăn, bây giờ, khó khăn lại càng thêm chồng chất. Nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ, vừa khóc thương chồng vừa thương con và cả lo cho mình sẽ không đủ sức nuôi các con khôn lớn.

 

Bà lấy vạt áo lau nhẹ giọt nước mắt, bồi hồi nhớ lại:  “Còn nhớ trước khi bác trai đi xa, bác gọi tôi đến bên giường, trăn trối lời cuối là dù thế nào cũng phải gắng để con học nên người”. Vậy nên, cứ mỗi lần nghĩ đến lời căn dặn  ấy, bà lại nhủ lòng mình là phải quyết tâm lo cho con đến cùng. Các con bà ban đầu thương mẹ cũng có đứa định xin nghỉ học để đỡ đần phần nào nhưng bà không đồng ý.

 

Với đồng lương hưu ít ỏi, làm sao lo đủ miệng ăn cho bảy người, chứ nói gì đến việc học. Nhiều đêm  bà thức trọn để tìm lối đi cho gia đình. Thương con, bà cũng không muốn để chúng phải gánh chịu phần vất vả, lam lũ mà bỏ bê học hành. Vậy nên, một mình bà phải quần quật làm thêm từ trồng sắn, nuôi lợn, hái tiêu đến làm lúa nước… nhưng thu nhập thêm cũng chẳng được là bao.

 

Nhưng rồi, với nghị lực phi thường, bà đã gắng gượng được. Bà tự hào rằng, mình đã không để các con phải đói cái ăn, không để phải thiếu tiền học. Mỗi khi Tết đến hay năm học mới bắt đầu, bà cũng dành dụm may cho con bộ quần áo mới. Những khi gia đình sum họp, bà ngồi động viên các con phải biết vượt khó để vươn lên, khó mấy cũng phải gắng.

 

Thấu hiểu tình  thương yêu ấy, các con của bà ai cũng chăm ngoan, học giỏi. Mỗi lần cầm tờ giấy khen các con đưa về, lòng bà lại vui thêm bội phần. Năm 2002, Sơn và Sĩ ra trường thì Thạch đang học năm thứ I trường đại học Nông Lâm, còn Thắm là sinh viên năm thứ II của trường đại học Sư Phạm Huế. Và bây giờ, đứa con út đang theo học trường Đại học dân tộc TW ở Nha Trang. Khó khăn nguôi đi phần nào nhưng vẫn còn rất chồng chất...

 

Với nghị lực phi thường của bà Lành cùng những người con chăm ngoan hiếu thảo, năm 2004, gia đình bà vinh dự nhận được bằng khen của TW hội khuyến học Việt Nam. 

 

 

Quốc Tiến - Thu Nguyên