Nghị lực của nữ Phó giáo sư trẻ

(Dân trí) - Đó là nữ Phó giáo sư, tiến sĩ Vật lý trẻ Nguyễn Thanh Hải, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Để đạt được thành công này, chị Hải đã nhiều lần phải đánh đổi bằng những giọt nước mắt.

28 tuổi có hai “bằng tiến sĩ”

“Phụ nữ muốn thành công thường khó hơn nam giới rất nhiều, nhất là khi muốn làm tốt cả hai vai trò “giữ lửa” trong gia đình và “tỏa sáng” trong công việc. Điều này càng đúng với những phụ nữ làm nghiên cứu” - PGS.TS Vật lý Nguyễn Thanh Hải, hiện là Phó Giám đốc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam và đang giảng dạy tại Bộ môn Vật lý Lý thuyết trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chị là một trong ba nữ Phó Giáo sư trẻ của Việt Nam (được phong PGS năm 37 tuổi) đã thẳng thắn chia sẻ khi nói về thành công của mình. Theo chị Hải, ở Việt Nam xã hội khó chấp nhận những người phụ nữ thành công khi họ không có một gia đình hòa thuận. “Tôi may mắn vì trước khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 28 tuổi đã có một “bằng tiến sĩ” về gia đình, với con gái đầu lòng xinh xắn 3 tuổi và một người chồng hết lòng yêu thương vợ” - chị Hải chia sẻ.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ Vật lý, trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2007 (trừ năm 2000 và 2001 chị sinh
cháu thứ hai), năm nào chị Hải cũng sang công tác tại Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế đặt tại thành phố Trieste, Italy trong suốt 3 tháng hè. Nhiều người biết hoàn cảnh của chị đều khen giỏi và tỏ vẻ thán phục “Mạnh mẽ nhỉ, dứt được con ra mà đi”. Họ đâu biết rằng, với chị công tác ở nước ngoài là phải tập nuốt nước mắt thật sâu để tập trung làm việc, nghiên cứu khoa học vì nỗi nhớ nhà, nhớ con luôn thường trực.

Chị còn nhớ vào những năm 1998, dịch vụ internet ở Việt Nam còn chưa phổ biến, cước điện thoại gọi về Việt Nam cũng rất cao, thời gian chênh lệch 5-6 tiếng, thế mà hai tuần đầu mới sang, đêm nào chị cũng cuốc bộ đi vài cây số tìm bốt điện thoại quốc tế để gọi về nhà. Có lần biết con ở nhà đang sốt, toàn bộ số tiền đang có đã được “nướng” hết vào những cuộc điện thoại chỉ để biết nhiệt độ của con.

Những năm sau khi dịch vụ internet đã phát triển, việc liên lạc thường xuyên với gia đình qua email và YM (phần mềm chat) cũng phần nào làm vơi đi nỗi lo lắng và nhớ con cái, gia đình. Tuy nhiên, bù lại sau mỗi chuyến đi công tác nước ngoài, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn luôn được cải thiện rõ rệt, nhiều công trình khoa học của chị đã được hoàn thành trong khoảng thời gian này (chị đã có hơn 20 bài báo trên nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành trong đó có 07 bài trên các tạp chí nước ngoài, tham gia và chủ trì nhiều đề tài khoa học)

Đam mê khoa học, đồng nghĩa với hy sinh. Với phần lớn các gia đình, khi con cái nghỉ hè cũng là khoảng thời gian để họ có những chuyến đi biển, đi dã ngoại nghỉ ngơi và thư giãn. Với gia đình chị thì mùa hè đồng nghĩa với “mùa đi công tác của mẹ” - chị thường xuyên phải xách va ly lên đường khi các con bắt đầu vào kỳ nghỉ và trở về khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu. “Đôi khi tôi chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là được chờ đón con khi tan học về nhưng vì bận công việc quá cũng không làm được...” - người mẹ ấy rưng rưng nước mắt khi nhớ về chặng đường đã qua để đạt được thành công của mình.

Niềm vui là được vào bếp nấu ăn
 
Nghị lực của nữ Phó giáo sư trẻ  - 1
Nữ Phó giáo sư, tiến sĩ trẻ Nguyễn Thanh Hải
Còn chị Hải, niềm vui của chị là được vào bếp nấu ăn cho gia đình, bạn bè hay đơn giản chỉ là phát hiện ra một bí quyết gì đó trong nấu ăn, chẳng hạn làm thế nào để rán nem cho giòn, ninh đậu chóng nhừ,... Sau mỗi lần vào bếp chị cảm thấy áp lực trong công việc tiêu tan đi nhiều. Chị cho biết: “Trong công việc, tôi luôn phải đặt cho mình những cái đích để phấn đấu, nếu chưa đạt được thì phải biết tìm các niềm vui khác trong cuộc sống, như nấu ăn, nghe nhạc hay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình hoặc tham gia công tác xã hội (chị từng là Bí thư đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội). 
 
Nữ Phó giáo sư trẻ chia sẻ, cuộc sống hiện thực và công việc nghiên cứu luôn phải được phối hợp hài hoà và hỗ trợ lẫn nhau, trong cuộc sống bạn cần sự chính xác, tỉ mỉ của khoa học và ngược lại trong khoa học bạn cần có sự tự tin, năng động mà bạn có được từ cuộc sống.

Với hai con gái xinh xắn, nhanh nhẹn, giỏi giang chị luôn luôn đề cao mặt mạnh của con. Với một vài hạn chế của con, giống như của giới trẻ ngày nay (giỏi, thông minh nhưng sự quan tâm, chăm sóc, hy sinh cho những người xung quanh đôi khi còn bị xem nhẹ), chị luôn tìm cách nhẹ nhàng dạy con thông qua những câu chuyện giản dị của cuộc sống. Chị dẫn chứng bằng một câu chuyện “Có một bác nông dân chia những hạt giống ngô tốt cho mọi người xung quanh, cả làng năm đó bội thu. Trong khi ở làng khác, có người không chia, nên năm đó mất mùa”. Chị giải thích cho con hiểu rằng, ngô thụ phấn theo gió, mọi nhà đều có giống tốt thì quá trình thụ phấn sẽ rất thuận lợi, nhưng quan trọng hơn, từ câu chuyện này, chị muốn con hiểu chia niềm vui tức là sẽ nhân niềm vui đó lên lên nhiều lần...

Người ta thường nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thế nên để đạt được thành công trong sự nghiệp với những “người đàn bà xây tổ ấm” là điều vô cùng khó khăn. Đằng sau thành công của họ luôn có những giọt nước mắt lặng lẽ và sự biết ơn thầm lặng gửi đến “hậu phương” - những người đã luôn ở bên, ủng hộ, tạo điều kiện để họ được “cháy” hết mình cho niềm đam mê nghiên cứu.

 
Vũ Quang