Nghị lực của chàng sinh viên “ngửi chữ”
(Dân trí) -Ở ngôi trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, bạn bè cùng lớp, trong trường gọi Lê Quang Đạt - SV lớp 11 SLS (chuyên ngành Lịch sử) với biệt danh “ngửi chữ”. Bị tật bẩm sinh về mắt và phải để sách sát vào mặt mới đọc được nhưng Đạt rất ham đọc sách.
Lê Quang Đạt sinh ra đã bị mắc tật rung giật nhãn cầu (nhãn cầu luôn đung đưa trong quá trình nhìn mọi vật). Vì không nhìn cố định mọi vật một chỗ nên Đạt phải để cuốn sách sát vào mặt, lấy tay rà đi rà lại từng con chữ. Đã gần 13 năm qua, Đạt kiên trì đọc sách bằng cách này. Đạt chỉ nhìn thấy mờ mờ, rồi hình ảnh rung động trong khoảng gần nửa mét. Cố gắng đứng lại, nhìn kỹ vật phải mất một lát sau mới thấy rõ. Muốn đọc rõ từng con chữ, Đạtphải cặm cụi tì gần sát mặt vào trang sách mà chầm chậm đọc. Đạt tâm sự: “Một trang giấy người có đôi mắt bình thường đọc trung bình mất 2 phút thì em phải đọc mất 10 phút”.
Kỳ lạ thay, Đạt lại đang đam mê theo học chuyên ngành Lịch sử với những chồng sách dày cộp hàng nghìn trang. Ấy mà, Đạt vẫn kiên trì theo đuổi sự học đến cùng. Đạt chia sẻ: “Lịch sử là môn học em đam mê từ hồi còn nhỏ. Em muốn học cho thỏa cái đam mê ấy”.
Để theo kịp môn học trên lớp, Đạt tự chọn cách học riêng. Biến đôi tay thay đôi mắt, Đạt lắng nghe thật kỹ từng lời thầy cô giáo giảng bài, rồi cẩn thận ghi chép lại vào trong vở. Mỗi lần tập trung nghe thầy cô giáo giảng đối với Đạt là một lần học bài. Chính vì vậy, mà khi về phòng học, Đạt cố gắng ôn bài lại là đã nắm chắc kiến thức. Nếu không ghi chép kịp bài, Đạt mượn vở hoặc nhờ bàn bè đọc lại cho mình chép.
Hoàng Thị Chi, một “phát thanh viên, biên dịch viên” cho Đạt chia sẻ: “Đạt là người vui tính, hòa đồng. Đặc biệt, Đạt rất ham học. Bữa nào, Đạt không chép kịp bài đều nhờ em cho mượn vở hoặc đọc giúp cho Đạt chép bài. Trong lớp, bạn nào có cuốn vở nào hay về các triều đại lịch sử Việt Nam là Đạt mượn ngay đọc ngấu nghiến”.
Một điều thú vị là đam mê của Đạt là đọc sách về Lịch sử nhưng cuốn sách gối đầu giường của Đạt lại là một tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ.
Chia sẻ về điều này, Đạt bộc bạch: “Mỗi bài thơ trong Nhật ký trong tù của Bác đều mang ý nghĩa riêng. Mỗi lúc gặp khó khăn, vấp ngã trong cuộc sống, học tập em lại mang tập thơ của Bác ra để đọc, tự động viên mình. Bài thơ Đạt yêu thích nhất và đọc đi lại mỗi ngày Đi đường.
Sinh ra trong gia đình nghèo quê gốc ở Quảng Trị, sau đó, Đạt cùng gia đình chuyển đến tỉnh Gia Lai làm ăn vùng kinh tế mới. Ba Đạt làm công nhân, mẹ làm công nhân viên chức nhà nước. Nói về cậu con trai, mẹ Đạt nhớ lại: “Hồi nhỏ, gia đình không dám cho Đạt đi học vì lo sợ con không theo kịp bạn bè trong lớp. Nằng nặc không chịu, Đạt đòi tôi và ba nó dẫn tới trường bằng được. Tôi rất thương con vì Đạt phải dò dẫm từng bước đến trường đi học. Nhiều khi Đạt loạng choạng vấp ngã xuống đất quần áo bẩn, chân tay trầy trật vì va phải gai, đá trên đường. Ấy vậy mà, 12 năm học phổ thông, nhiều năm Đạt được học lực khá trở lên. Năm nào cũng được nhà trường tuyên dương vì thành tích vượt khó trong học tập. Bây giờ, Đạt đang học đại học tôi mừng lắm…”.
Thương ba mẹ, Đạt xúc động nói: “Ước gì, em không bị tật bẩm sinh ở mắt để có thể đỡ đần ba mẹ nhiều hơn. Vì em mà ba mẹ cực khổ, vất vả sớm hôm. Em tự hứa với lòng mình, phải học thật tốt, lấy được tấm bằng Đại học rồi kiếm việc lo cho bản thân”.
Nguyễn Tuấn