Nghệ An đưa ra giải pháp ngăn chặn HS bỏ học

(Dân trí) - Kết thúc năm học 2011-2012, Nghệ An có gần 2.010 học sinh bỏ học, trong đó học sinh tiểu học có 280 em, THCS có 600 em và THPT có 1.130 em.

Nghệ An đưa ra giải pháp ngăn chặn HS bỏ học
Tại cuộc họp chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An, báo cáo cũng nêu rõ kết thúc năm học 2011-2012, có gần 2.000 học sinh bỏ học.

Sáng ngày 18/6, HĐND tỉnh Nghệ An công bố kỳ họp thứ 5 và gặp gỡ cơ quan báo chí nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Tại cuộc họp, HĐND tỉnh Nghệ An đã báo cáo số liệu và một số kiến nghị cũng như giải quyết một số đơn thư phản ánh của người dân chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5.
 
Theo đó, tại hội nghị này, HĐND tỉnh đã có báo cáo về số liệu học sinh (HS) trên địa bàn Nghệ An kết thúc năm học 2011-2012. Qua số liệu cho thấy, với cấp tiểu học đầu năm học, số lượng HS bỏ học là 62 em; theo đó các nhà trường đã đi vận động HS bỏ học trở lại lớp, đến cuối học kỳ I, số HS bỏ học giảm xuống chỉ còn 16 em.

Đối với cấp THCS và THPT, số HS bỏ học cuối học kỳ I, qua báo cáo là phù hợp với số liệu khảo sát là 1.130 em. HS cấp THCS và THPT học yếu, kém bỏ học đi học nghề hoặc đi làm giúp đỡ gia đình (đi làm công - PV). Nguyên nhân bỏ học được xác định là do một bộ phận HS, phụ huynh chưa nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của việc học tập nên thiếu động lực, thiếu ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, dẫn đến việc các em bỏ học.

Bên cạnh đó, một số HS người dân tộc thiểu số, đặc biệt là HS nữ người Mông lâu nay thường chỉ học hết tiểu học rồi bỏ học; hoặc số HS học lên THCS rất ít, còn số học sinh học lên THPT chỉ là hữu hạn. Một nguyên nhân khác là một số bộ phận HS do đời sống khó khăn, học yếu, thiếu ý thức vươn lên trong học tập nên đã chán nản và bỏ học.

Để tình trạng này không tái diễn trong năm học mới, UBND, HĐND tỉnh Nghệ An đã đưa ra một số giải pháp như: Chỉ đạo chính quyền các cấp, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hội cha mẹ HS trong việc vận động HS trở lại trường; các nhà trường tập trung rà soát các đối tượng HS bỏ học, phân tích nguyên nhân có biện pháp để giúp đỡ;
 
Nâng cao chất lượng, hiểu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường nhằm động viên, thu hút HS trong giờ học, gắn bó với trường lớp; phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, giáo viên để vận động HS trở lại trường. Mở các lớp bổ túc văn hóa cho HS không đủ điều kiện theo học chương trình phổ thông.

Phối hợp với các đoàn thể và đặc biệt là Hội Khuyến học các cấp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan thông tấn báo chí động viên nguồn quỹ học bổng, tổ chức vận động hỗ trợ, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng hỗ trợ HS nghèo, thực hiện yêu cầu "3 đủ" đối với HS.

Về lâu dài, giải pháp để khắc phục căn bản tình trạng khó khăn của giáo dục vùng cao là triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở, bếp ăn cho HS bán trú, nội trú... Theo đó, đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí trong việc xây dựng những kế hoạch nêu trên, bên cạnh đó UBND tỉnh Nghệ An và các ngành, các huyện tập trung giải quyết triệt đệ tình trạng HS bỏ học để các em bước vào một năm học mới được đầy đủ hơn.

Nguyễn Duy