Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10: Ngày Hội của những người yêu sự học!

(Dân trí) - Hôm nay 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam, ngày hội của những người yêu sự học, ngày hội của những người luôn mong muốn phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và ngày hội của 11 triệu hội viên Hội Khuyến học cả nước.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cho-con-nen-vang-khong-bang-cho-con-gang-chu-950711.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Cho con nén vàng không bằng cho con gang chữ</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-de-tat-ca-moi-nguoi-deu-duoc-tham-gia-hoc-tap-950661.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Xây dựng xã hội học tập để tất cả mọi người đều được tham gia học tập</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/khuyen-hoc-o-dat-trang-xu-thanh-950630.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Khuyến học ở “đất trạng” xứ Thanh</b></a>

Hội Khuyến học “bám rễ” đến tận từng thôn, bản, làng... và gia đình

Để có một tổ chức xã hội làm nhiệm vụ vận động toàn dân học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường và tạo điều kiện mở rộng các hình thức học ngoài nhà trường, Đảng và Nhà nước đã cho thành lập Hội khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam). Ngày 2/10/1996 , Hội Khuyến Học Việt Nam ra đời. Đến nay, Hội vừa tròn 18 tuổi.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.

Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Hội Khuyến Học Việt Nam đã trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng. Sau 18 năm thành lập, các tổ chức khuyến học đã có mặt trên mọi địa bàn dân cư, ở tất cả 63 tỉnh, thành, 100% huyện, quận, thị xã, gần 100% xã, phường, lan tỏa đến tận thôn, làng, xóm, bản, tổ dân phố và đến tận từng gia đình với tổng số hội viên đạt gần 11 triệu người tức hơn 12% dân số. Nhiệm vụ chính trị của Hội là đẩy mạnh các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học đã cùng ngành giáo dục và đào tạo xây dựng một mạng lưới hơn 10 ngàn trung tâm học tập cộng đồng (mỗi xã, phường một trung tâm), cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học đã góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, tạo điều kiện để mọi người dân đều được học và học suốt đời.

Mỗi năm Hội đã có hàng chục nghìn phần thưởng dành cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, những thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, các học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, Hội đã tổ chức “Giải thưởng Nhân tài đất Việt” hàng năm, lúc đầu về Công nghệ - Thông tin, tiếp đó mở rộng sang lĩnh vực khoa học tự nhiên, y học và sẽ tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác, qua đó động viên được đông đảo người dân, nhất là thanh niên, đi sâu vào công tác nghiên cứu sáng tạo, kết quả là nhiều công trình được ứng dụng vào sản xuất và đời sống một số công trình được xuất khẩu ra nước ngoài, được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá là "vườn ươm nhân tài cho đất nước".

Khánh thành Cầu Khuyến học - Dân trí tại tỉnh Quảng Ngãi
Khánh thành cầu Khuyến học & Dân trí tại xã Trọng Hóa (huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) ngày 21/8/2014.

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cho biết: “Thực hiện chỉ thị 11- CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Hội đã và đang nỗ lực thực hiện vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội... trong cuộc vận động toàn dân tham giakhuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Các hoạt động của Hội đều được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng nên các cuộc vận động do Hội đề xướng như xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, thôn, bản, khu phố khuyến học... đều được mọi người tích cực tham gia thực hiện.

Hiện nay, rất nhiều cơ quan, xí nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đã mở các lớp học thường xuyên để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên, công nhân, chiến sĩ... Rất nhiều doanh nghiệp đã có những khoản ngân sách dành riêng cho việc hỗ trợ giáo dục. Các chi nhánh của Quỹ Khuyến học như Quỹ nhân ái, Quỹ vòng tay đồng đội... còn giúp xây dựng cầu, đường, cung cấp phao cứu hộ, xuồng... để cho trẻ em ở những vùng sông nước có điều kiện thuận lợi đến trường.

Ngoài các hoạt động trên, mỗi địa phương, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi thôn bản, mỗi phường xã, huyện tỉnh đều có một sắc thái hoạt động khuyến học khác nhau tạo nên một xã hội học tập.

Tiếng trống khuyến học ở xã Điêu Lương

Tiếng trống khuyến học ở xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).

Phong trào “Tiếng trống học tập” được Hội khuyến học, Đảng ủy- UBND xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) phát động là một điển hình xuất sắc. Xuất phát từ thực trạng một số học sinh lơ là việc học, buổi tối tụ tập kéo nhau lên đường chơi, một số gia đình cũng chưa thực sự quan tâm đến việc tự học của các em, Hội khuyến học xã đã đề xuất, cứ 7 giờ tối hằng ngày sẽ có hiệu lệnh nhắc nhở học sinh học tập là 3 hồi trống - gọi là Tiếng trống khuyến học.

Để thực hiện được ý tưởng này, các cán bộ và Hội khuyến học xã, tổ chức đoàn thể đã đến trường mầm non, tiểu học, THCS đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh học bài sau khi nghe tiếng trống khuyến học và huy động đội ngũ giáo viên trên địa bàn xã Điêu Lương vào cuộc. Giáo viên được phân công theo từng xóm phối hợp với các chi hội khuyến học, hội phụ huynh học sinh đến từng nhà theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học của các em. Sau tiếng trống học bài, em nào không tự giác ngồi vào bàn học sẽ bị nhắc nhở, hộ gia đình nào không giảm thiểu tiếng ồn làm ảnh hưởng đến việc học của các em sẽ bị phê bình vào những lần sinh hoạt khu dân cư. Hoạt động trên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, đặc biệt là các em học sinh và gia đình.

Hay như dòng họ Đinh ở xã Thuần Hưng (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã ra Nghị quyết khuyến học là thưởng 1 cây vàng cho mỗi học sinh trong dòng họ đỗ ĐH và nuôi ăn học đến hết đại học, thậm chí dòng họ còn đảm bảo xin việc cho HS đó khi ra trường.

Dòng họ Lý - người dân tộc Mông ở xã Bản Phố - Lào Cai là dòng họ hiếu học điển hình ở vùng cao Lào Cai. Dòng họ đã thành lập chi hội khuyến học hoạt động có hiệu quả, con em được chăm lo học tập đầy đủ, trưởng thành, thành đạt. Hàng năm, chi hội vận động thu hút các hộ gia đình tích cực tự nguyện quyên góp quỹ, hộ gia đình cán bộ, công chức 150 ngàn đồng trở lên/năm (tuỳ tâm có thể quyên góp thêm), hộ gia đình nông dân 100 ngàn đồng, trích ra khen thưởng động viên con cháu học hành, tu dưỡng đạo đức tốt, hỗ trợ các gia đình khó khăn.

Ngoài ra còn có rất nhiều dòng họ khác nổi tiếng với tinh thần hiếu học như Dòng họ Dương Việt Nam, Dòng họ Nguyễn Đức ở Nghệ an, Dòng họ Ngô Xuân ở xã Hưng Xá – Hưng Nguyên. Tỉnh Nam Định hiện nay có trên 50 dòng họ, trong đó chiếm tỷ lệ dân số đông là các dòng họ: Trần, Nguyễn, Lê, Phạm, Ninh, Tống, Đinh, Mai, Ngô, Đào, Hồ, Dương, Trịnh, Cao, Bùi, Lưu, Đỗ, Mạc, Vũ, Đặng, Đoàn, Hà, Hoàng, Khuất, Lương, Đồng, Lã, Lý… Số họ có ở Nam Định chiếm khoảng 80% số họ có trong cả nước...

Tập trung xây dựng Xã hội học tập  Việt Nam

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, trong xã hội học tập, nền giáo dục được cấu trúc thành hai hệ thống giáo dục có sự liên thông với nhau, hỗ trợ lẫn nhau: hệ thống giáo dục ban đầu, (hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường), chủ yếu dành cho thế hệ trẻ và hệ thống giáo dục tiếp tục (hệ thống giáo dục không chính quy ngoài nhà trường)chủ yếu dành cho người lớn. Quá trình giáo dục gắn liền với toàn bộ đời sống con người, không phân biệt tuổi tác,ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, mọi người đều có điều kiện học và phải học”.

Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chủ trương xây dựng Xã hội học tập, trong đó, mọi người dân đều có nhu cầu và nghĩa vụ học tập, đều được tạo cơ hội và điều kiện học tập. Nhà nước đảm bảo cho ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất.

Tiếng trống khuyến học ở xã Điêu Lương

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc trong công tác khuyến học - khuyến tài tới tỉnh Bắc Giang.

Trong xã hội học tập, mỗi người dân đều có nghĩa vụ tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Quá trình xây dựng xã hội học tập cần được thực hiện theo tinh thần xã hội hóa như chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính Trị đã khẳng định: “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”, của tất cả các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội, các đoàn thể quần chúng trong toàn xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh, trong những năm trước mắt Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đào tạo, với sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội... quyết ra sức thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI của Đảng “đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội học tập ở nước ta, công tác khuyến học, khuyến tài không còn đơn thuần là một phong trào quần chúng, mà là một sự nghiệp đòi hỏi Hội Khuyến học Việt Nam, từ Trung ương Hội đến các cấp Hội ở địa phương, phải nỗ lực về nhiều phương diện.

Theo đó, lúc thì phải tuyên truyền giác ngộ cho mọi người về đường lối giáo dục của Đảng, lúc lại tiến hành hàng loạt những công việc đòi hỏi phải am hiểu chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lúc khác phải tổ chức hàng loạt công việc có tính chất an sinh xã hội, đặc biệt là giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có được năng lực đối diện với những khó khăn để tiếp cận giáo dục thường xuyên, lúc lại tạo cơ hội cho các tài năng phát triển như một yếu tố không thể thiếu được khi xây dựng một xã hội công nghiệp và định hướng phát triển kinh tế tri thức…

Nhưng quan trọng hơn cả là các lực lượng khuyến học, khuyến tài đã dần dần nhận ra rằng, khuyến học, khuyến tài định hướng xã hội học tập còn là một hoạt động khoa học, làm khuyến học khuyến tài phải có lý luận, có cách tiếp cận hợp lý, có kế thừa kinh nghiệm quá khứ và có tiếp thu những giá trị, những bài học của thế giới và tìm kiến các con đường đi tới một xã hội học tập hiện thực”.

Hồng Hạnh