Ngày 20/11: Chia sẻ đặc biệt của nam giáo viên dạy… “đi bay”!
(Dân trí) - 12 năm gắn bó với công tác đào tạo, Tiếp viên trưởng (TVT) - giáo viên dịch vụ Nguyễn Hoàng Quốc Bảo đã có những trải lòng về công việc của một “giáo viên bay”, đào tạo ra nhiều thế hệ tiếp viên, nhiều học viên nay đã là các tiếp viên trưởng, giáo viên, đứng cùng nhau trên bục giảng.
Đến với Vietnam Airlines (VNA) từ năm 1994, TVT Nguyễn Hoàng Quốc Bảo hiện nay là giáo viên dich vụ, Phó bộ môn Chăm sóc khách hàng và đảm nhiệm phần “Xây dựng hình ảnh” của tiếp viên VNA.
Mặc dù là TVT, nhưng đối với anh Nguyễn Hoàng Quốc Bảo công việc giảng giạy đã trở thành “nghề chính” chiếm tới 70% thời gian, và đi bay khoảng 30% thời gian. Chính vì quỹ thời gian ấy, nên đối với anh, mặc dù làm việc trong ngành hàng không nhưng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 lại luôn mang đến những cảm xúc đặc biệt.
“Ngày 20/11 là một ngày luôn có ý nghĩa đặc biệt trong tôi. Tôi của ngày hôm nay cũng là sự góp phần đóng góp rất lớn, có thể nói là sự hy sinh của các thầy cô giáo, của những anh chị đồng nghiệp đi trước và cũng như của gia đình đã dầy công dạy dỗ và truyền kinh nghiệm cho tôi.” - giáo viên Nguyễn Hoàng Quốc Bảo chia sẻ.
Nói về lý do yêu thích và gắn bó với công việc của một giáo viên dịch vụ ở VNA, TVT Quốc Bảo cho biết, trong bất cứ công việc nào cũng luôn phấn đấu để mình có thể chạm đến vị trí cao trong công tác chuyên môn. Từ còn là học viên được các giáo viên trong VNA giảng dạy đã tự nhủ với mình sẽ phải phấn đấu thành một TVT , một giáo viên trong tương lai.
“Chắc có lẽ cũng vì đuợc sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nhà giáo, bố mẹ tôi cũng từng là giáo viên, hiện nay đã về hưu, nên niềm đam mê trở thành một giáo viên luôn thôi thúc trong tôi.”- TVT Quốc Bảo nói.
Đa số các giáo viên về dịch vụ đều là nữ, nhưng theo TVT này thì chính sự khác biệt khi một tiếp viên nam giảng dạy đã tạo ra những thú vị và ưu ái riêng. Đơn cử như khi một giáo viên nam dạy các sản phẩm về thức uống có cồn hay nói về tâm lý của hành khách nam trong 1 số tình huống xảy ra trên máy bay… sẽ dễ dàng thuyết phục các học viên hơn.
Sự mềm mỏng của một giáo viên nữ kết hợp với sự quyết đoán của một giáo viên nam sẽ giúp rất nhiều cho học viên trong việc xử lý các tình huống bất thường cũng như kỹ năng ra quyết định trên các chuyến bay. Đồng thời, các giáo viên nam sẽ có thêm cái nhìn đa chiều hơn về sự thể hiện hình ảnh, nét đẹp của các em học viên trong công việc.
Với 12 năm đứng trên bục giảng, bây giờ hầu như mọi người đều quen thuộc với hai từ ‘Thầy Bảo”, đối với TVT Quốc Bảo danh xưng này không chỉ là một chức danh mà sự khẳng định thành công của anh trong công việc, là niềm tin của người khác và kỳ vọng của bao nhiêu người. Đó cũng là lời nhắc nhở mình luôn phải rèn luyện và học hỏi thêm để xưng đáng với danh xưng này.
“Giáo viên dịch vụ trước tiên phải là một giáo viên có kinh nghiệm, luôn học hỏi, cập nhật các thông tin mới trong ngành và quan trọng hơn hết chính là sự trải nghiệm thực tế. Ngoài những phần lý thuyết đã có trong sách vở, điều học viên muốn nghe và biết hơn chính là sự trải nghiệm thực tế của mình. Qua đó, học viên có thể hướng dẫn, giới thiệu và mang các sản phẩm dịch vụ đó đến với khách hàng 1 cách hoàn hảo nhất. Đáp ứng đúng tâm lý và kỳ vọng của khách hàng khi đến với dịch vụ của hãng hàng không 4 sao.” - TVT Quốc Bảo cho hay.
Theo TVT này, dạy những gì học viên muốn học để hoàn thiện chứ không phải đưa những kiến thức mình có, từ đó giúp học viên tự phát triển, say mê tìm hiểu hơn. Sự trau dồi của chính học viên sẽ tốt hơn là những khuôn phép mà chúng ta áp đặt lên họ.
“Muốn đến đích thì phải đi, nếu đi cùng nhau thì mọi việc sẽ nhanh và dễ dàng hơn. Đích đến 5 sao không xa nếu như tất cả chúng ta cùng nhau đồng lòng thực hiện.” - giáo viên dạy “bay” Quốc Bảo cho biết thêm.
Nhật Minh