Ngành tâm lý: Đào tạo chưa gắn với thực hành

(Dân trí)- “Mặc dù là cử nhân tâm lý nhưng em có những khái niệm rất mơ hồ về tâm bệnh cũng như trị liệu tâm lý. Cũng không hiểu là công việc của một nhà tâm lý trị liệu thì mình làm những gì và cách làm như thế nào; cũng không hiểu hết về tâm bệnh”.

Chia sẻ của chị Ngọc Anh, phòng hỗ trợ Tâm lý học đường tại 1 trường tiểu học ở Hà Nội cũng là chia sẻ chung của nhiều cử nhân tâm lý và các nhà tâm lý đang thực hiện công việc chuyên môn tại gần 20 trung tâm Tư vấn tâm lý phía Bắc và hàng chục các phòng hỗ trợ tư vấn tâm lý...

 

Thiên về cung cấp lý thuyết

 

Có nhiều trường đào tạo cử nhân ngành tâm lý học như: ĐH KHXH&NV Hà Nội và ĐH KHXH&NV TPHCM, ĐH Sư phạm, ĐH Quy Nhơn, ĐH Huế, ĐH Văn Hiến. Tuy nhiên, nội dung đào tạo chủ yếu ở chương trình cử nhân là lý thuyết, kiến thức nền tảng, cơ bản (chiếm tới 80-90% chương trình) như kiến thức về lịch sử tâm lý học, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu tâm lý học, thống kê xã hội, tâm lý học xã hội, tâm lý học phát triển, tâm lý học nhân cách, chẩn đoán tâm lý, tâm lý học quản lý, tâm lý học lao động, tâm lý học giáo dục…

 

Ngoài ra, “việc dạy các kỹ năng ở bậc cử nhân không được đòi hỏi cao, mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” với các kỹ năng tư vấn tâm lý thuộc các lĩnh vực như tình yêu hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tâm lý học đường”, NCS Trần Văn Công, ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ, nhận định.

 

Điều này giải thích lý do vì sao, nhiều cử nhân và thậm chí là TS tâm lý cũng cảm thấy vô cùng lúng túng khi tiếp xúc với thân chủ thật. “Những tình huống thực hành trong khi học ở trên lớp thì giúp ích được một chút vì trong khi học, các tình huống là giả tưởng và đóng vai, mà đóng vai thì mọi người cứ cố gắng làm xuôi xuôi, còn ra thực tế thì không như vậy”, cán bộ tâm lý Nguyễn Thị Duyên, hiện đang phụ trách Phòng tư vấn và trị liệu tâm lý, trường mầm non tư thục Đồ Rê Mí, Từ Sơn, Bắc Ninh, chia sẻ.

 

Vậy nên khi gặp một tình huống có thực: Một sinh viên năm nhất không thể ở được 1 mình, lúc nào cũng phải có bố, mẹ ở cùng. Mặc dù được tư vấn dùng thuốc tâm thần, được khuyên nhủ là không cần phải lo lắng quá nhiều như thế và ở một mình là một điều thú vị, được tự do, tự quyết mọi chuyện…., ngoài thiếu kinh nghiệm, một nhà tâm lý/bác sĩ tâm lý được giao điều trị đã không những không giúp cải thiện được bệnh mà còn khiến tình trạng có chiều hướng xấu đi, ảnh hưởng tới cả kết quả học tập, người bệnh sống thu mình.

 

“Chương trình đào tạo ở Việt Nam mới chỉ cung cấp các kiến thức nền tảng và cơ bản, lý thuyết chung trong khi thực hành có giám sát là rất quan trọng. Các học viên đi thực tập, làm việc trực tiếp với các thân chủ, học qua trải nghiệm thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Và để trở thành một nhà trị liệu tốt, các chuyên gia cần được thực hành cả ngàn lần và có sự giám sát của các chuyên gia giỏi”, PGS.TS Bahr Weiss, ĐH Vanderbilt (Mỹ), hiện là chủ nhiệm dự án “Phát triển nghiên cứu và đào tạo tâm lý học lâm sàng ở Việt Nam”, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng cho chương trình Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ở trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, phân tích.
 
Ngành tâm lý: Đào tạo chưa gắn với thực hành - 1
Để trở thành nhà trị liệu giỏi, nhà tâm lý rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia giỏi khi thực hành các ca tư vấn. (Ảnh minh họa)

 

Kỹ năng điều trị - Không chỉ là cho lời khuyên

 

Theo nhận định của các chuyên gia, để giúp bệnh nhân vượt qua vấn đề tâm lý, nhà tâm lý không đơn giản là cho lời khuyên, giải quyết vấn đề giúp thân chủ mà cần phải nắm bắt được vấn đề, xây dựng được cấu trúc trị liệu cụ thể để từ đó khích lệ thân chủ tìm được hướng đi cho mình.

 

Ví như với trường hợp bệnh nhân nữ đang học năm thứ nhất được chẩn đoán là rối loạn thích nghi vì không ở được một mình, lúc nào cũng cần người ở cùng, việc uống thuốc có thể không có nhiều tác dụng, và nếu không được can thiệp kịp thời thì tình trạng tồi tệ hơn, bị trầm cảm nặng (không nói chuyện với ai, không có bạn bè, thích ở một mình, nghĩ mình xấu xí và không được ai yêu quý), chị Trần Thu Hằng, học viên cao học chương trình tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Weiss, đã làm việc với thân chủ và từ việc thu thập dữ kiện, phân tích, đã hiểu rõ rằng: bệnh nhân không ở được với người lạ là từ khi thi lên cấp 3 trường chuyên, em đã bị các bạn khác tẩy chay. Sự kiện này là một sang chấn tâm lý đối với em.

 

Hơn nữa, bố mẹ quan tâm quá mức, luôn kiểm soát làm cho em căng thẳng. Sau đó, chị Hằng đã tranh luận với thân chủ về những nhận thức không hợp lý, hoạt hóa hành vi như cùng  thân chủ xây dựng kế hoạch tập thể dục, nấu ăn, nghe nhạc, đi chơi cùng, làm quen với mọi người trong xóm trọ. Kết quả là bệnh nhân học tốt hơn, không bị bảo lưu, lên lớp bình thường, qua hết các môn, tự ở thành phố một mình và không có ai, đi làm gia sư cho 4 lớp, từ một người cô độc đã bắt đầu có nhiều bạn bè và có bạn trai.

 

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS.NGƯT. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội, cho rằng: “Việc kế thừa các kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực tế của các dự án lớn, chẳng hạn như dự án Đào tạo nghiên cứu sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế trong việc xây dựng chương trình đào tạo, sự phối hợp, cộng tác của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong cả nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, các cơ sở thực hành, mạng lưới các trường phổ thông sẽ là một mô hình đào tạo ra những chuyên gia tâm lý Việt tốt”.

Ngoài ra, để hành nghề tốt, thì nhà tâm lý phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe. Ví như tại Mỹ, để hành nghề tâm lý, bạn cần học sau đại học từ 2 đến 6 năm tùy từng bằng cấp (thạc sĩ hay tiến sĩ) và tùy từng chương trình. Bất cứ chương trình sau đại học ngành tâm lý học phải được chứng nhận và cho phép bởi Hiệp hội Tâm lý học Quốc gia Hoa Kì và được xem xét lại sau mỗi 5 - 7 năm. Điều này rất quan trọng để chắc chắn rằng những gì sinh viên được dạy là phù hợp và cần thiết để làm nghề. Hơn thế, để được cấp giấy hành nghề, nhà tâm lý phải vượt qua một kỳ thi quốc gia và sau đó là kỳ thi của bang (địa phương). Nhưng ngay cả sau khi nhận được chứng nhận hành nghề, vẫn có thêm những yêu cầu khác. Trước khi bạn có thể hành nghề tâm lý một cách độc lập, bạn phải thực hành dưới sự giám sát của một nhà tâm lý đã được cấp phép hành nghề độc lập.

 

“Mọi thứ nghe có vẻ rất phức tạp, và nó đúng là rất phức tạp. Lý do nó cần phải phức tạp như vậy vì làm tâm lý là làm việc trực tiếp với con người, mà cụ thể là nhận thức, cảm xúc và hành vi của họ. Nếu chúng ta làm sai thì rất dễ làm hại họ. Để giúp được họ thay đổi và giải quyết vấn đề không phải là việc dễ dàng, và để có thể giúp họ một cách hiệu quả, đào tạo gắn với thực hành là cần thiết!”, PGS.TS Weiss nhấn mạnh.

Thu Phương