Thanh Hóa:
Ngành Giáo dục tuyệt đối không thu tiền đóng góp để phục vụ chi thường xuyên
(Dân trí) - Để chấn chỉnh hoạt động thu, chi đầu năm học 2016-2017, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước đã bố trí theo quy định...
Ngày 4/8, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành công văn 1524/SGĐT-KHTC về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các đơn vị, trường học năm học 2016-2017.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, năm học 2015-2016, các trường học trên địa bàn Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện khá nghiêm túc hướng dẫn của ngành về chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu, chi trong các đơn vị, trường học. Nhìn chung, đơn thư về các khoản thu, chi không đúng quy định giảm nhiều so với năm học trước.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách vẫn còn tình trạng lạm thu, thu chưa đúng quy định, dẫn tới đơn thư tố cáo và báo chí phản ánh ở một số trường.
Ngoài việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của các cấp, ngành, Giám đốc Sở GD-ĐT còn yêu cầu các trường học tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi phí công tác dạy và học, điện sáng, nước sinh hoạt, khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồ dưỡng học sinh giỏi, tiền bảo vệ trường.
Nhà trường không được thu tiền làm vệ sinh lớp đối với học sinh các trường phổ thông (THCS, THPT), phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cơ sở vật chất trường, lớp học; không được thu tiền may quần áo đồng phục và tiền sách, vở, đồ dùng học tập của học sinh, căn cứ vào quy định hướng dẫn để học sinh tự mua.
Về các khoản thu trong năm học 2016-2017, trong đó các khoản thu theo quy định của Nhà nước như: học phí; phí gửi xe đạp; lệ phí tuyển sinh; thu tiền dạy thêm, học thêm phải căn cứ theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Trong đó, đối với các trường Tiểu học, căn cứ vào cơ sở vật chất, giáo viên hiện có để tổ chức các lớp học tăng buổi, học 2 buổi/ ngày cho phù hợp, không được thu tiền của học sinh.
Các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến học sinh như bảo hiểm thân thể, đây là khoản thu tự nguyện, cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn loại hình bảo hiểm (không được đưa khoản thu này vào khoản thu của nhà trường, không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu); quỹ đoàn, đội, hội chữ thập đỏ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về qũy ban đại diện cha mẹ học sinh, thu theo thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh trực tiếp thu. Việc chi, tiêu theo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, đồng thời phải báo cáo công khai kết quả sử dụng với lãnh đạo các cơ sở giáo dục vào cuối học kỳ, cuối năm học. Không sử dụng quỹ này để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường.
Đối với các khoản thu phục vụ học sinh như: Tiền phục vụ bán trú, trông trẻ ngoài giờ, trang thiết bị phục vụ bán trú, ăn bán trú, nước uống, hồ sơ học sinh, học phẩm đối với cấp Mầm non (danh mục học phẩm theo Thông tư 02/2010 của Bộ GD-ĐT), các trường học tổ chức thu.
Việc thu các khoản vừa nêu trên phải thực hiện đầy đủ các điều kiện: Căn cứ tình hình thực tế của trường và nhu cầu của cha mẹ học sinh xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi để làm cơ sở xây dựng mức thu cho phù hợp và báo cáo Phòng GD-ĐT thẩm định; tổ chức hội nghị công khai, thống nhất trong ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể trong trường học và ban đại diện cha mẹ học sinh về nội dung, mục đích, mức thu các khoản trên theo nguyên tắc thu đủ chi; tổ chức họp lớp triển khai đến từng cha mẹ học sinh; các trường chỉ thu khi cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp; kết quả thu, chi phải quyết toán theo quy định, công khai.
Đối với các khoàn tài trợ của các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị cho các đơn vị, trường học thì việc huy động đóng góp tự nguyện theo nguyên tắc không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.
Với khoản tài trợ nêu trên, các đơn vị trường học phải thống nhất chủ trương, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện; lập kế hoạch công việc; báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản và chỉ được tiến hành vận động sau khi có sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp; tổ chức triển khai; trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cá nhân đã tài trợ; sau khi hoàn thành phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện.
Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách của các trường học trực thuộc, giải quyết đơn thư khiếu kiện, phản ánh, tố cáo của công dân, kiến nghị xử lý nghiêm túc các sai phạm.
Các trường THPT, TTGDTX tỉnh phải báo cáo Sở GD-ĐT trước khi triển khai thực hiện việc huy động xã hội hóa và chịu trách nhiệm trước Sở GD-ĐT về thực hiện các khoản thu, chi.
Duy Tuyên