Tư vấn tuyển sinh:
Ngành Đông phương, Quốc tế học ra trường làm gì?
(Dân trí) - Có thể bảo lưu kết quả một học kì? Dự thi khối A xét tuyển NV2 vào khối T? Thông tin về điểm chuẩn, tỷ lệ chọi năm 2007 của trường ĐH Luật TPHCM? Chỉ tiêu ngoài ngân sách HV Bưu chính? Chất lượng đào tạo trường nào tốt hơn?...
Hỏi: Em hiện đang ở An Giang. Định thi vào trường Sĩ Quan Lục Quân II khối A. Em có thể đăng kí nguyện vọng 2 vào khối T trường ĐH An Giang không? Có cần làm thêm hồ sơ đăng kí gì không? (dinhhoanglong_ag@yahoo.com)
* Trả lời:
Theo quy định đăng ký xét tuyển NV thì thí sinh chỉ được phép tham gia xét tuyển NV2 hoặc NV3 vào các ngành đào tạo có xét tuyển cùng khối thi của mình trước đó.
Em dự thi khối A nên chỉ phép xét tuyển NV2 và NV3 và các ngành đào tạo tuyển sinh khối A. Nói cách khác em không thể đăng ký NV2 vào khối T trường ĐH An Giang.
Mọi thắc mắc về Tuyển sinh năm 2008 các bạn thí sinh có thể gửi thư về hòm thư tuyensinh.dantri@gmail.com để sớm nhận được câu trả lời. |
Em đang học ở 1 trường ĐH, năm nay em muốn thi lại ĐH, em nghe nói có thể bảo lưu kết quả khi học xong 1 học kỳ. Nhưng cô giáo lại bảo phải học hết 1 năm mới được bảo lưu, em muốn bảo lưu học kỳ 2 thì làm thế nào? (boy_titan_1989@yahoo.com)
Cô giáo của em nói đúng. Hiện nay chưa có quy định nào cho sinh viên bảo lưu một học kì cả. Chỉ khi kết thúc năm học thì sinh viên có thể làm đơn xin bảo lưu kết quả của mình, tuy nhiên tuỳ từng trường hợp cụ thể nhà trường xem xét coi có cho bảo lưu hay không.
Với trường hợp của em thì bắt buộc em phải thi hoàn tất các học phần của học kỳ 2 sau đó em mới làm thủ tục bảo lưu được.
Em năm nay đang dự định thi vào ĐH Luật TPHCM. Xin Ban tư vấn tuyển sinh cho em biết khoa Luật Thương mại, khối C năm 2007 tỷ lệ chọi là bao nhiêu. Điểm chuẩn khoa này trường lấy bao nhiêu? (ls_nguyenduc@yahoo.com.vn)
Năm 2007, trường ĐH Luật TPHCM chỉ thống kế tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào từng ngành. Cụ thể đối với ngành Luật Thương mại có 4.700 hồ sơ ĐKDT trên tổng số 220 chỉ tiêu nên tỷ lệ chọi tương ứng 1/22.
Điểm chuẩn khối C của ngành này năm 2007 là 18 điểm.
Em có một thắc mắc muốn hỏi là ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp ở ĐH Sư phạm kĩ thuật TPHCM đào tạo tốt hơn hay ở ĐH Giao thông vận tải TPHCM chất lượng hơn? (luonghuytung_1990@yahoo.com)
Các ngành của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM chủ yếu mang tính chất đào tạo cơ bản, đi sâu về phân tích bản chất ít chú trọng đến thực hành vì mục tiêu đào tạo cho sinh viên là sau khi tốt nghiệp ra trường có thể giảng dạy ở các bậc đào tạo trong hệ thống giáo dục.
Trong khi đó trường ĐH Giao thông vận tải lại mang tính chất đào tạo chuyên sâu kết hợp với thực hành thực tiễn để sau này có thể trực tiếp tham gia thiết kế.
Do đó, nếu sở thích của em muốn làm giáo viên thì theo học trường Sư phạm kỹ thuật còn nếu muốn trở thành kỹ sư thì theo học trường ĐH GTVT TPHCM.
Em hiện đang học lớp 12 và định dự thi vào Học viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông. Em nghe nói trường có chính sách cho những thí sinh thi NV1 vào trường nếu không đủ điểm thì vẫn được xét tuyển vào trường, nhưng với điều kiện sẽ phải đóng nhiều tiền hơn. Xin nói rõ hơn cho em biết về vấn đề này? (mkitvn90@gmail.com)
Vấn đề này rất đơn giản, hàng năm HV Bưu chính sẽ được Bộ Bưu chính phê duyệt chỉ tiêu để cấp tuyển sinh hàng năm. Tuy nhiên, với quy mô cơ sở vật chất, trường được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh nhiều hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Bộ Bưu chính cấp cho trường.
Những thí sinh trúng tuyển thuộc diện con số Bộ Bbưu chính cấp (khoảng 800 đối với cả hai cơ sở) thì sẽ được những quyền ưu tiên như: học phí theo quy định của nhà nước, được bố trí công việc sau khi tốt nghiệp…
Sau khi xét tuyển hết con số do Bộ Bưu chính cấp, trường sẽ xét tuyển đến con số nằm ngoài chỉ tiêu Bộ Bưu chính cấp cho đến khi đủ con số mà Bộ GD-ĐT đã phê duyệt.
Đối tượng tham gia xét tuyển vào hệ này có thể là thí sinh ĐKDT vào trường hoặc từ những thí sinh ĐKDT ở trường khác.
Những thí sinh trúng tuyển hệ này phải làm đơn cam kết đào tạo, bên cạnh đó phải chịu hoàn toàn chi phí trong quá trình đào tạo.
Tuy nhiên, năm 2008 thì trường có tuyển sinh tiếp theo hình thức này hay không em phải đợi đến khi trường chính thức đưa ra thông tin tuyển sinh nhé.
Hiện tại em là thí sinh tự do, em rất muốn tìm hiểu sâu về hai khoa: Quốc Tế học và Đông Phương học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) để đăng ký dự thi. Hãy cho em biết những thông tin cụ thể về hai khoa này? (goodluck183@gmail.com)
- Mục tiêu đào tạo của ngành Đông phương học là đào tạo các cử nhân có phẩm chất đạo đức tốt, có tri thức về văn hoá khu vực Đông Á như Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học và Việt Nam, có khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, quan hệ quốc tế, môi trường của quốc gia mà sinh viên theo học.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan văn hoá, giáo dục, du lịch, các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), có khả năng tiếp tục học lên cao ở trong nước hoặc ở ngoài nước để trở thành những chuyên gia bậc cao thuộc ngành tương ứng.
- Mục tiêu đào tạo của ngành Quốc Tế học là trang bị cho sinh viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân; Nắm vững kiến thức cơ bản và hệ thống về khoa học xã hội- nhân văn, về Quốc tế học và chuyên ngành; có khả năng vận dụng vào nghiên cứu những vấn đề quốc tế, khu vực và quan hệ quốc tế; Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ để nghiên cứu chuyên môn với 5 kỹ năng nói, nghe, đọc viết, và dịch thuật; Có kỹ năng thực hành nghiệp vụ nghiên cứu, giảng dạy, giao dịch và các công tác trong lĩnh vực quốc tế và quan hệ đối ngoại; Chương trình có thể hướng sâu vào chuyên ngành như Châu Au học, Châu Mỹ học, Châu Phi học, Châu Á –Thái Bình Dương học, Quan hệ quốc tế…
Những người tốt nghiệp ngành quốc tế học có khả năng công tác trên các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ trong các ngành liên quan đến các vấn đề quốc tế và quan hệ đối ngoại. Cụ thể, họ có thể đảm nhận công việc về quan hệ quốc tế tại các trường đại học và cao đẳng, các viện nghiên cứu, các cơ quan đối ngoại, an ninh, truyền thông; các văn phòng đại diện, các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân; các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ trong nước hoặc nước ngoài.
Về tiểu sử thành lập hai khoa trên của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn em có thể tham khảo tại website của trường: http://www.ussh.edu.vn
Ban Tư vấn Tuyển sinh