Ngân sách giáo dục tăng 33%, vẫn chưa đủ...

Thứ trưởng phụ trách tài chính và phát ngôn của Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết như vậy, ngay sau Hội nghị kế hoạch và ngân sách năm 2006, do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tại TPHCM.

Được biết ngân sách cho giáo dục đào tạo năm 2006 tăng cao nhất nhất từ trước đến nay,  ông có thể nói cụ thể hơn về việc này?

 

Tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo năm 2006 so với 2005 là tăng 33%. Đây là mức tăng cao thể hiện sự quan tâm rất lớn cho giáo dục đào tạo, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho  ngành.

 

Mặc dù tăng nhiều nhưng vẫn chưa đủ bởi khoảng hơn 10 tỷ dành cho bù đắp phần lương mới.

 

Có thể nói chiếm một phần đáng kể trong việc tăng ngân sách là để giải quyết vấn đề tiền lương, phần giải quyết nhiệm vụ khác còn lại không bao nhiêu. Trong khi đó, những mục tiêu như phát triển giáo dục tiểu học, giáo dục vùng dân tộc hải đảo đã có kết quả to lớn nhưng phần còn lại rất nặng nề và khó khăn đòi hỏi kinh phí nhiều; nhiệm vụ phát triển ĐBSCL, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc cũng đặt ra những nhu cầu rất lớn về kinh phí.

 

Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng đòi hỏi đầu tư phương tiện; thực hiện chỉ thị hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy... cũng đòi hỏi chi phí lớn.

 

Nói chung, do những thành tựu của đất nước năm 2005 tạo ra thế mới cho giáo dục 2006 phải đầu tư lớn.

 

Ngân sách giáo dục tăng 33%, vẫn chưa đủ... - 1
 

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận.

Kinh phí cấp cho toàn ngành giáo dục tăng như vậy, lại phần nhiều là dồn vào tiền lương như ông nói. Vậy năm 2006 có kế hoạch gì về lương của giáo viên không?

 

Tăng lương lại là việc khác. Tăng lương theo chính sách chung không phải như trong gia đình nếu nhiều tiền ông bố hoặc bà mẹ quyết định chi tiêu. Chúng tôi cùng Bộ Nội vụ đã và đang phối hợp các văn bản thực hiện. Còn bố trí ngân sách cho việc này là trách nhiệm của Bộ Tài chính.

 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa triển khai được bởi có nhiều loại giáo viên, nhiều loại trường, nhiều loại chính sách...Mỗi loại cần có một văn bản và việc xây dựng văn bản đòi hỏi phải có thời gian.

 

Trong hội nghị này, 5 trường tự chủ tài chính "kêu" khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, chi ngân sách cho trường bị giảm trong khi chỉ tiêu và học phí vẫn không được thay đổi. Liệu có tín hiệu gì khả quan cho họ trong năm 2006 hay không?

 

Có những điều các trường nói là đúng nhưng đó không phải là bức tranh toàn cảnh. Về mặt trách nhiệm, chúng tôi vẫn phải xử lý tất cả những thông tin. Tuy nhiên, không đến nỗi bi đát như vậy.

 

Vấn đề khó khăn của các trường này ở chỗ là cơ chế chưa hoàn thiện. Hiện nay các trường đang thực hiện Nghị định 10 của chính phủ. Tuy nhiên qua 3 năm thực hiện, bắt đầu bộc lộ những "vấn đề". Bởi Nghị định 10 mới  quy định tự chủ tài chính mà tài chính chỉ là một vấn đề trong nhà trường, bên cạnh đó, còn còn bộ máy nhân sự, tổ chức...

 

Sau thời gian thực hiện Nghị định 10 tổng kết cần có Nghị định khác toàn diện hơn, không chỉ nói đến tài chính mà còn đề cập đến các vấn đề khác như tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ... Nghị định mới đó do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và đang trong thời gian thẩm định.  Khi có nghị định này ban hành thì nhiều vướng mắc được tháo gỡ.

 

Trong việc phân bổ chỉ tiêu, có trường cho rằng vẫn còn nặng cơ chế "xin-cho", thậm chí có trường xin nhiều để trừ hao. Tình trạng này sẽ tái diễn trong năm nay như thế nào, thưa ông?

 

Như năm nay chẳng có ai xin. Nói xin không phải mà trên cân nhắc và quyết định. Hiện nay là do trên dự kiến và quyết. Phân bổ chỉ tiêu dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh năm ngoái và dựa vào trường làm tốt hay không tốt; dựa vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên đầu tư cho vùng nào...

 

Nếu có trường xin cũng không cho bởi không đủ điều kiện, nhưng cũng có nhiều trường Bộ lại giao nhiệm vụ như ĐH Thủy sản về Kiên Giang mở chi nhánh, ĐH Nông lâm TPHCM lên Gia Lai mở chi nhánh...

 

Hiện Chính phủ đang giao Bộ nghiên cứu đề án cải tiến việc giao chỉ tiêu, có thể sau này trường tự quyết định chỉ tiêu nếu đáp ứng được một học sinh cần có bao nhiêu m2 diện tích phục vụ giáo dục đào tạo, bao nhiêu thầy giáo, bao nhiêu đầu sách...thay vì cách cấp trên ấn chỉ tiêu xuống như hiện nay.

 

Có ý kiến cho rằng chỉ tiêu năm nay tăng tuy nhiên trên thực tế ở trường có ngành lại không muốn tăng mà đề nghị được giảm chỉ tiêu ngành này, tăng chỉ tiêu ngành khác. Ông giải thích như thế nào về việc này?

 

Về nguyên tắc có thể thay đổi bởi hôm nay là thảo luận. Tất cả lý do nào đúng và đủ thì sẽ xử lý. Nếu trường bảo không cần nhưng địa phương nói cần (tiếng nói của người sử sụng cần) thì Bộ phải xem xét bởi cách đây vài tháng, Bộ đã  làm việc với các tỉnh, Bộ Kế hoạch Đầu tư để xem nhu cầu nhân lực của từng địa phương.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Cam Lu

Vietnamnet