"Ngại" lấy dẫn chứng dạy phòng chống tham nhũng
(Dân trí) - Khi giảng dạy về nội dung phòng chống tham nhũng, giáo viên gặp khó trong việc đưa dẫn chứng vào bài giảng. Những dẫn chứng cụ thể giúp bài học sinh động, hiệu quả nhưng họ e ngại làm các em mất niềm tin.
Nhiều vấn đề về việc dạy học phòng chống tham nhũng (PCTN) được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN cho các Sở GD-ĐT, trường THPT năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 3/4.
Giáo dục cũng bị “rút ruột”
Tiến sĩ Đinh Văn Minh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra) cho rằng, nạn tham nhũng có ở rất nhiều lĩnh vực, làm méo mó nhiều thứ. Từ những trọng án thất thoát hàng ngàn tỉ, có những thứ mua một thổi lên gấp cả ngần ngàn lần đến “Tề Thiên Đại Thánh cũng chịu thua”. Cho đến các công trình văn hóa đền chùa, tượng đài... cũng có tham nhũng.
Nhiều thầy cô e ngại việc đưa các dẫn chứng "nhạy cảm" về tham nhũng vào dạy học sẽ làm học sinh mất niềm tin và có cái nhìn tiêu cực.
Và chẳng ở đâu xa, theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh, ngay trong giáo dục cũng có tình trạng “rút ruột”. Giáo dục cho ra sản phẩm nhưng nhiều sản phẩm không có “ruột”, không đảm bảo được các chuẩn mực về chuyên môn, kỹ thuật.
"Giáo dục chúng ta cũng có tình trạng "rút ruột". Giáo dục cho ra nhiều sản phẩm không có "ruột", không đảm bảo được các chuẩn mực về chuyên môn, kỹ thuật" - Tiến sĩ Đinh Văn Minh |
Tiến sĩ Đinh Văn Minh cho hay, tham nhũng xuất phát từ lòng tham và quyền lực. Việc đưa vào trường học giáo dục cho học sinh là rất cần thiết để các em không tham lam. Qua đó, giúp các em nhận thức, thái độ đúng về vấn đề này và hình thành nhân cách để trở thành một công dân tốt. Khi là một công dân tốt mới trở thành một cán bộ tử tế.
Giáo viên khó lấy dẫn chứng
Hiện nay, ở bậc THPT, nội dung PCTN được lồng ghép vào môn Giáo dục Công dân với thời lượng 6 tiết được phân bổ trong ba năm học. Tuy nhiên, đây là một nội dung mới nên GV còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, nhất là việc đưa ra thông tin, dẫn chứng cho bài giảng về vấn đề khá “nhạy cảm” này.
Đại diện đến từ trường THPT Thăng Long, Hà Nội chia sẻ, hai vấn đề giáo viên gặp phải khi triển khai nội dung TCTN là chính họ cũng không thật sự am hiểu về pháp luật và phải tự tìm tài liệu, thông tin cho bài giảng. Đặc biệt việc đưa dẫn chứng vào bài rất khó, những dẫn chứng sinh động nhưng không khéo léo có thể làm các em nhìn nhận tiêu cực về xã hội.
Đây cũng là băn khoăn của Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang: Sợ các em mất niềm tin vào cuộc sống, xã hội nếu đưa vào những ví dụ thực tế. Nhất là lứa tuổi các em, trải nghiệm sống còn ít, chưa có cái nhìn đa chiều có thể nhìn nhận sai lệch.
Học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM trong tiết học ngoại khóa về quản lý tài chính.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, sự truyền đạt của GV chính là các yếu tố quan trọng nhất để thu hút sự chú ý của học sinh trong việc giảng dạy tích hợp nội dung TCTN. Nhưng hiện nay, GV đang rất thiếu trang thiết bị và tư liệu cho bài giảng. Họ cần được tập huấn thường xuyên để bồi dưỡng về kiến thức, phương pháp truyền đạt lẫn kỹ năng giải quyết tình huống.
Ông Đạt nhấn mạnh, sự tác động từ các phương tiện truyền thông và thực trạng tham nhũng hiện nay tác động lớn đến niềm tin, nhận thức và thái độ của học sinh. Để việc dạy học PCTN cho học sinh hiệu quả thì cần xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng cũng như phải có biện pháp xử lý các thông tin thất thiệt, tràn lan.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh chia sẻ, trước hết GV cần nhận thức rằng việc đưa nội dung PCTN vào trường học là chuyện rất bình thường trước một thực tế không thể né tránh. Việc giáo dục phải đa chiều để tránh nặng nề bằng cách không chỉ đưa các dẫn chứng về tiêu cực, tham nhũng mà cần ca ngợi về những hình ảnh, việc làm tốt, con người tốt như là tấm tương để học tập, nhân rộng.
Hoài Nam