Nga: Thiếu trường kinh doanh giỏi

Chính phủ Nga dự định chi hàng chục triệu USD để đào tạo quản trị kinh doanh, bởi thiếu tài năng quản lý là thách thức lớn của nước này.

Hơn 100 trường kinh doanh đã được thành lập kể từ khi Liên Xô sụp đổ nhưng nhiều trường không giành được sự tin cậy của các chủ sử dụng lao động Nga và quốc tế, những người thích chọn các nhà quản lý được đào tạo ở nước ngoài cho những vị trí cao cấp.

 

Một nghiên cứu mới đây do hãng tư vấn McKinsey cho thấy việc đào tạo quản lý ở Nga còn một con đường dài phải vượt qua trước khi bắt kịp phương Tây. Chỉ 3/100.000 người Nga có bằng quản trị kinh doanh (MBA) so với 20/100.000 dân ở châu Âu và 70/100.000 dân ở Mỹ.

 

Ở Mỹ và châu Âu, bằng MBA được coi là không thể thiếu đối với những ai muốn thành đạt. Vitaly Klintsov, một chuyên viên của McKinsey, phát biểu tại một hội nghị mới đây ở Moscow, Nga - do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức nhận xét: “Thật không dễ thu nhận các sinh viên ưu tú vào các trường kinh doanh Nga bởi vì họ thích sang phương Tây học hơn” – ông nói.

 

Việc đào tạo về kinh doanh cũng bị hạn chế do các doanh nhân mới khởi nghiệp trong những năm 1990 thường sợ rằng họ sẽ mất quá nhiều cơ hội nếu họ nghỉ 1 hoặc 2 năm để nâng cao kỹ năng quản lý tại một trường kinh doanh.

 

Điều đó đã bắt đầu thay đổi sau khi môi trường kinh doanh của Nga được củng cố. “Việc mất đi những cơ hội (từ việc bỏ chỗ làm đi học lấy bằng MBA) ngày nay đã ít đi do các tổ chức đã được thể chế hóa” – Ryan nói. Việc thiếu hụt giám đốc có trình độ cao đã thu hút hàng trăm người nước ngoài, được các công ty nội địa tuyển dụng và thường đòi hỏi lương cao hơn nhiều lần so với lương họ lãnh ở nước họ.

 

Những gì thu được từ việc đào tạo về kinh doanh ở Nga thường mang tính lý thuyết và sinh viên có quá ít cơ hội tiếp thu các kinh nghiệm thực tế. “Một trong những vấn đề lớn là sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành” – Carl Fey thuộc Trường Kinh tế Stockholm cung cấp các khóa đào tạo MBA ở Nga kể từ cuối những năm 1990, nhận xét- “Chúng tôi cần cách học chủ động hơn. Cách học hiện nay quá thụ động”.

 

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nga đang thúc đẩy các “trường điểm” ở Nga. “Chúng tôi nhận thấy việc thiếu những tài năng quản lý là một trong những thách thức lớn của đất nước chúng tôi” – bà Aigooi Khalikova, một cố vấn của Bộ trưởng Kinh tế Nga German Gref, phát biểu. “Chúng tôi dự định chi hàng chục triệu USD để phát triển các “nhà vô địch quốc gia” về đào tạo MBA”.

 

Việc thiếu các trường kinh doanh ưu tú cạnh tranh với Trường INSEAD ở Pháp, trường kinh doanh London ở Anh và Harvard ở Mỹ đã buộc các doanh nghiệp hành động. Ruben Vardanian, nhà sáng lập ngân hàng đầu tư Nga Troika Dialog, đang thảo kế hoạch ủng hộ một nhóm công ty Nga và nước ngoài lập một trường kinh doanh ở Moscow có thể cạnh tranh với các đại gia khác. “Chúng tôi đang cố gắng lập một cơ sở làm chuẩn mực. Giờ đây đã đến lúc làm điều đó” – Vardanian, người tuyên bố ông muốn bỏ ra 200 triệu USD để lập trường, nói.

 

Trường Kinh tế Mới, được thành lập ở Moscow vào năm 1992 với sự trợ giúp của các khoản tài trợ tư nhân từ nước ngoài, được coi là một tấm gương về một cơ sở đào tạo bậc cao trong nước nhanh chóng tạo danh tiếng về trình độ giảng dạy. Dù trường này không có các khóa học về kinh doanh nhưng nó đã thu hút các giảng viên có bằng tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ và châu Âu và những người hoàn tất các chương trình cao học của trường này thường được các công ty đón nhận.

 

Theo Người Lao Động/Reuters