“Nếu mình “né” họ lại tưởng mình sai”

Đó là chia sẻ của ThS. Lê Xuân Trung, hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo, ngôi trường đang có những đổi thay vượt bậc sau những năm từng là “điểm nóng” của ngành giáo dục Hà Tây (cũ).

Sự kiện 2 học sinh lớp 11 Trường THPT Vân Tảo đánh nhau dẫn tới chết người ngay trong lớp học tháng 10/2006 gây chấn động dư luận, tiếp đến là vụ tung clip tố cáo tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2006 của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, Trường THPT Vân Tảo đã biến ngôi trường này trở thành “điểm nóng” của ngành giáo dục Hà Tây cũ.

 

Thời điểm đó, chiếc ghế hiệu trưởng của ngôi trường này gần như bỏ trống và cuối cùng ThS. Lê Xuân Trung - Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp “lĩnh ấn” hiệu trưởng của ngôi trường này.
 
Trường THPT Vân Tảo
Trường THPT Vân Tảo.

 

Sau 6 năm xây dựng và phát triển, hiện trường THPT Vân Tảo đã hoàn thiện đầy đủ các bước để được xét, công nhận trường chuẩn Quốc gia và năm 2012 vừa qua, ThS. Lê Xuân Trung đã vinh dự được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tôn vinh là một trong 80 gương mặt tiêu biểu của Giáo dục Thủ đô.

 

ảnh
Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng thầy Lê Xuân Trung (ảnh) về những bước phát triển của ngôi trường này:

 

Thưa thầy, thầy có thể cho biết những khó khăn và thách thức khi thầy nhận nhiệm vụ về làm Hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo vào thời điểm mà Vân Tảo là“điểm nóng” không chỉ của ngành Giáo dục Hà Tây cũ mà còn gây sự chú ý của giáo dục cả nước cũng như giới truyền thông?

 

Sau khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa đưa clip tố cáo tiêu cực tại điểm thi Phú Xuyên A (Hà Tây cũ) ra công luận, đồng thời cũng trong năm học đó, sự kiện học sinh trong trường mâu thuẫn dẫn tới án mạng, trường THPT Vân Tảo đã trở thành tâm điểm thu hút dư luận của ngành giáo dục, cũng như truyền thông cả nước… Đối mặt với những thách thức đó, thầy Hiệu trưởng cũ của trường đã phải xin từ nhiệm.

 

Ngay sau đó, nhiều gương mặt được Sở Giáo dục Hà Tây (cũ) khi đó chỉ định về đây làm Hiệu trưởng nhưng không ít người đã từ chối. Riêng tôi, thay vì “né” Vân Tảo, tôi đã đồng ý đi về “điểm nóng” này. Tôi xác định đây cũng là cơ hội cho bản thân tôi rèn luyện vai trò quản lý ở cấp cơ sở, trau dồi bản thân và năng lực.

 

Thưa thầy, ngay sau khi đặt chân về Vân Tảo, thầy đã có những ý tưởng gì để biến ngôi trường này có thể “thay da, đổi thịt”?

 

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ về Vân Tảo, từ tình hình thực tế tại trường, tôi thấy để xảy ra tình trạng lộn xộn ở đây, vấn đề mấu chốt là do kỷ cương nề nếp ở cả thầy và trò đều chưa tốt, chưa phát huy được sức mạnh tập thể, kỷ luật nhà trường và nội quy điều lệ của ngành Giáo dục đối với hệ THPT, đặc biệt nội bộ giáo viên trong trường mất đoàn kết, không nhìn về một hướng.

 

Đầu tiên, tôi đã cho thành lập tổ giáo vụ có chức năng kiểm soát việc dạy và học. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra gắt gao trong toàn trường, ở khắp các lớp, với những học sinh cá biệt, vi phạm kỉ luật nhiều lần, khi việc nhắc nhở, uốn nắn các em không hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhất trí cần phải có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc như dừng học một thời gian để các em khác nhìn vào đó làm gương.

 

Đối với các thầy, cô giáo, nếu phát hiện ra sai phạm, thiếu nghiêm túc trong giờ dạy, chúng tôi lập tức phê bình và nhắc nhở trước tập thể giáo viên.

 

Phải nói rằng, ban đầu nhiều thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đều “sốc” trước các biện pháp kỷ luật cứng rắn mà Ban giám hiệu áp dụng vào nhà trường. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những đổi thay rõ rệt về nề nếp, kỷ cương trường học ở Vân Tảo như: các hiện tượng đi học muộn, học sinh mất trật tự trong lớp, xích mích đánh nhau, vô lễ với thầy cô, hay thầy cô buông lỏng quản lý trong giờ dạy gần như không còn tồn tại đã khiến các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh thay đổi “thái độ” và đồng loạt hưởng ứng các nội quy, quy chế do Ban Giám hiệu đề ra.

 

Tăng cường các hoạt động giao lưu ngoại khóa cũng được Ban Giám hiệu nhà trường hết sức chú trọng. Chúng tôi xác định bên cạnh nhiệm vụ dạy và học, các buổi ngoại khóa cũng góp phần rất quan trọng nâng cao văn, thể, mỹ cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về nhân cách khi bước chân ra khỏi cánh cổng THPT, bước vào một chân trời mới khi đến tuổi trưởng thành, vào đời.

 

Một ngôi trường khang trang, nề nếp, chất lượng đội ngũ giáo viên, học sinh ngày càng nâng cao. Điều đó đã khiến thầy hài lòng?

 

Chúng ta có câu "Tiên học lễ, hậu học văn; Tôn sư trọng đạo", nếu như đánh mất những điều thiêng liêng đó trong môi trường sư phạm, những sản phẩm “người” khi chúng ta đào tạo ra sẽ bị “biến nhân cách”. Chính vì vậy, tôi nghĩ không thể chỉ “giơ cao, đánh khẽ”. “Thuốc đắng thì mới giã tật”, kỷ cương trường học không chỉ ở Vân Tảo mà ở trong ngành Giáo dục cần đặc biệt hết sức coi trọng; uốn nắn nhưng phải nghiêm khắc, tạo ra cho học sinh một ý thức hệ biết tuân thủ kỷ cương, nề nếp để khi vào đời các em có ý thức tốt trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu làm được điều đó, tôi nghĩ sẽ góp phần giúp cho tội phạm trẻ vị thành niên không còn là một vấn đề nhức nhối.

 

Xin chân thành cảm ơn thầy! Chúc thầy cùng gia đình và trường THPT Vân Tảo một năm mới sức khỏe và nhiều thành công mới.