“Nếu em là hiệu trưởng”

Nếu em là hiệu trưởng, em sẽ ngồi thẳng lưng giống học sinh (HS) được giáo viên hướng dẫn. Em sẽ luôn mỉm cười với tất cả mọi người và không nói lúc đang cáu giận. Hiệu trưởng không cho các bạn đá banh ngay cổng trường thì cô phải xây cho HS chỗ để được đá banh…

Đó là một số chia sẻ rất hồn nhiên của các em HS Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), trong bài thi học kỳ một môn Tập làm văn khối lớp 3 và cuộc thi Nếu em là hiệu trưởng mà trường này vừa tổ chức.
 
Những đóng góp của phụ huynh, học sinh trong cách dạy, cách học đã tạo được hiệu quả tích cực để mỗi ngày học sinh đến trường luôn là một ngày vui.

Nếu là hiệu trưởng, em sẽ…

Nếu là hiệu trưởng, em sẽ xây một phòng nhạc để đỡ ồn khi học nhạc. Em sẽ kêu căn tin không bán đồ chơi xấu và mua thêm bàn ghế mới cho bọn em ngồi” - là một phần bài viết của em Thế Luân, HS lớp 3/6.

Em Võ Ngọc Anh Thư, lớp 4/6 có sáng kiến: “Đặt tên một lớp học là “Nụ cười” để HS học được cách cười và luôn đem đến nụ cười cho tất cả mọi người; “Một lớp mang tên “Nhân ái” để dạy cho mọi người biết yêu thương, biết chia sẻ; một lớp học “Công bằng”; “Hạnh phúc”… Em Duy Phước, lớp 4/1 cũng mạnh dạn... mơ ước miễn đóng chi phí tiền mua sách vở và những thứ khác cho HS nghèo, sẽ xây một thư viện có đầy đủ các loại sách hay như là văn học, truyện về danh nhân, truyện ngụ ngôn để phục vụ HS. Sân trường sẽ có một góc chơi riêng cho HS để không bị va chạm với người khác như hiện nay.

Học thực tế “3 trong 1” là phương p
Học thực tế “3 trong 1” là phương pháp được đánh giá cao tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Trong ảnh: HS đang tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng, cho biết trường lấy chủ đề này để HS lớp 3 làm tập làm văn và cho cả HS trong trường bày tỏ nguyện vọng của chính mình. Ý tưởng rất thơ trẻ nhưng đã thể hiện được tâm tư của các em về trường, lớp, thầy cô. Đây không chỉ là hoạt động cho các em tham gia để hướng về điều tốt đẹp. Nó còn rèn cho các em kỹ năng hành văn, rèn chữ viết, cách trang trí một tác phẩm, bày tỏ được suy nghĩ. Sau khi các giáo viên đọc và chấm bài, chính hiệu trưởng sẽ đọc tất cả bài viết này để tiếp thu những ý kiến đóng góp của các em, hiểu thêm được tâm tư và mong muốn của các em.

Tích hợp “3 trong 1”

Ngày 28/12 vừa qua, hơn 200 HS đã cùng tham dự triển lãm Trẻ em thời chiến tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3). Các hình ảnh tại đây được sưu tập từ nhiều nguồn trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nó đã miêu tả rất xúc động cuộc sống xã hội bị đảo lộn khi chiến tranh ập đến, nhất là trẻ em. Triển lãm đã tái hiện cho các HS nhỏ tuổi thấy được sự khắc nghiệt của chiến tranh, trẻ em thời đó sống cực khổ nhưng vẫn chăm ngoan, học giỏi, học cách phòng thân và cứu người. Em Lý Hồng Ngọc, đã xúc động ghi trong sổ cảm tưởng rằng: “Ước gì em được trở về quá khứ và giúp đỡ các bạn thời chiến”. Nhiều em khác cũng vừa tham quan vừa say sưa ghi chép lại những chú thích ý nghĩa từ những tấm hình được trưng bày để trang bị thêm kiến thức cho mình.

Đây là buổi học không chỉ mang lại kiến thức về lịch sử mà còn giáo dục HS những giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc sống, về con người, nhất là về những người bạn đồng trang lứa với các em ngày xưa.

“Cách đây nhiều năm, tôi liên tục đọc được những bài văn mẫu của HS đến nhàm chán, miêu tả gà hay mèo cũng chỉ biết nhìn vào tranh ảnh để tả sơ sài, không phân biệt được cây lúa và cây xả, con cóc và con ếch…. Tôi trăn trở suy nghĩ đổi mới theo hướng “3 trong 1”, tức là, các em sẽ có những buổi học chính khóa ngoài trời. Mỗi lần đi thực tế được ghép chung ba môn học liên quan nào đó. Ví dụ đi Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ học tích hợp Địa lý, Lịch sử, Đạo đức; đi Thảo Cầm Viên sẽ học về Địa lý, Làm văn, Khoa học… Mỗi năm sẽ có khoảng ba đợt đi học thực tế như vậy, bài giảng của giáo viên cũng hấp dẫn hơn, HS làm văn hay hơn và học về khoa học cũng phong phú hơn” - bà Điệp nói.

Những đổi thay nho nhỏ trong cách dạy, cách học tại ngôi trường này đã dần tạo được hiệu quả tích cực để mỗi ngày học sinh đến trường luôn là một ngày vui…

 

Mong có hướng đi thoáng cho giáo dục

ThS Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết trường luôn có những đổi mới tích cực trong dạy và học, được ngành giáo dục đánh giá là một trường có mô hình giáo dục theo hướng mở.

Theo ThS Lê Thị Ngọc Điệp, tất cả những gì ngành giáo dục đưa ra đều được các trường thực hiện từ lâu nhưng giờ mới có “tên tuổi” rõ ràng. Ngành cũng không áp đặt mà chỉ mang tính định hướng, các trường chủ động vận dụng sao cho phù hợp với thực tế của trường. Ví dụ tiếng Anh, trường có điều kiện thì tập trung tiếng Anh tăng cường và Cambridge, trường khó khăn hơn thì cho HS tiếp cận tiếng Anh với nhiều mức độ khác nhau. Hay về phương pháp giảng dạy, mỗi giáo viên trong trường sẽ tùy khả năng vận dụng sao cho tiết học hiệu quả nhất…

Tuy nhiên, bà Điệp cho rằng giáo dục là phải có sự chung tay của toàn xã hội, chỉ mong phụ huynh chung tay cùng nhà trường để các em HS được học trong môi trường tốt nhất.

HS ngày một đông, sĩ số không thể giảm nên nhiều khi chất lượng không đồng đều, khó được như mong muốn của trường và của ngành giáo dục. Chính quyền nên tập trung về mở rộng trường lớp, đảm bảo chỗ học tốt cho tất cả HS.

Ngành nên tiếp tục có những chính sách thoáng, mang tính định hướng để các trường được chủ động lựa chọn và vận dụng sao cho phù hợp với điều kiện từng trường là được.

 

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM