Nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi hàng loạt nghề mới
(Dân trí) - Các ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật dự báo sẽ sự bùng nổ trong thời công nghiệp 4.0.
Trong nghiên cứu "Tiếp cận giáo dục đại học 4.0 – Các đặc trưng và tiêu chí đánh giá" của nhóm nghiên cứu GS Nguyễn Hữu Đức cho biết, trong nền công nghiệp 4.0, các mối quan hệ tương tác cơ bản của lực lượng sản xuất là tương tác giữa các thiết bị và giữa thiết bị với con người, tạo ra một hình thái sản xuất mới đòi hỏi những kĩ năng mới ở lực lượng lao động.
Sự xuất hiện và bị thay thế nhanh chóng của các loại công nghệ dẫn đến sự xuất hiện nhanh chóng của các loại nghề nghiệp phi truyền thống. Đây là đặc điểm quan trọng không những để định hướng cho việc thay đổi chương trình đào tạo, hình thành các ngành nghề mới trong các trường đại học mà định hướng "học tập suốt đời"còn trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối với mọi kỹ năng làm việc trong thời kỳ CMCN 4.0.
Theo nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Hữu Đức, vai trò và mục tiêu đào tạo đang thay đổi theo hướng thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho người học, dạy cho người học biết phát triển tài năng cá nhân (personalized learning), nhưng biết sáng tạo tập thể (common creating).
Để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, đào tạo theo định hướng khởi nghiệp phải được triển khai theo mô hình "5 trong 1", trong đó, chuẩn đầu ra với nhiều kỹ năng mới của công dân 4.0 và năm thành tố bao gồm: Có nhiều chương trình đào tạo (ngành nghề) mới có tính liên ngành và xuyên ngành cao và nhiều chương trình đào tạo gắn với công nghệ 4.0; Cấu trúc chương trình đào tạo mới; Công nghệ đào tạo mới; Các dự án khởi nghiệp mới và Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp mới kết nối tất cả các bên liên quan: giảng viên, người học, giảng đường, phòng thí nghiệm và người sử dụng.
Theo đó, các chương trình đào tạo ngành nghề mới mà nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi, mối liên hệ giữa các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật dự báo sẽ sự bùng nổ và 10 công nghệ cốt lõi: Công nghệ số; Công nghệ dữ liệu lớn; Trí tuệ nhân tạo; Người máy; Internet kết nối vạn vật; Công nghệ vật liệu mới và cảm biến; Công nghệ nano; Công nghệ in 3D; Công nghệ năng lượng và Công nghệ sinh học.
Trong đó, hệ thống thực - ảo được coi là nền tảng. Các công nghệ cốt lõi này sẽ tạo ra các thay đổi có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong 10 năm tới của thế giới, hình thành các đột phá về các giải pháp: Khả năng kiểm soát và phòng chống bệnh tật; Điều trị y tế; Dược phẩm; Các giải pháp năng lượng; Truyền thông số; Thiết bị đa phương tiện và Ánh sáng; Thiết bị công nghệ sinh học; Vật lý hạt cơ bản; Vật liệu mới và vật liệu nanô; Di truyền học.
GS Đức cho rằng, đây là các ngành nghề đặc trưng của thời kỳ công nghiệp mới mà các trường đại học không thể không đầu tư phát triển.
Đối với các quốc gia, hệ thống lĩnh vực ngành nghề đào tạo còn được xác định cụ thể, tích hợp phù hợp với ưu tiên. Ví dụ, ở Malaysia, 5 nhóm lĩnh vực sau đây đã được xác định: -Trí tuệ nhân tạo, học máy, tự động hóa, an toàn mạng, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; Các lĩnh vực kỹ thuật lai như Công nghệ sinh học, Khoa học và công nghệ y sinh, công nghệ thông tin, khoa học máy tính và chăm sóc sức khỏe; -Khí hậu, năng lượng, tài nguyên và môi trường;– Giáo dục khai phóng, công nghệ thiết kế và công nghiệp sáng tạo;– Giáo dục và đào tạo kỹ năng.
GS Đức lưu ý rằng, trong thời đại 4.0, đổi mới sáng tạo không chỉ xảy ra trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật mà với khả năng sử dụng nền tảng công nghệ chung, đổi mới sáng tạo cũng hoàn toàn được triển khai trong cả các lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo (điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sáng tác...).
Về lĩnh vực này, một số trường đại học ở Việt Nam, nhất là các trường đại học tư thục đã rất năng động, tiên phong đi đầu. Ngoài ra, các ngành nghề dịch vụ, tiêu thụ cũng sẽ có nhu cầu rất lớn.
GS Đức cho hay, tinh thần sáng nghiệp của đại học 4.0 không chỉ được thể hiện trong đặc điểm ngành nghề mới, mà cả trong cấu trúc của chương trình đào tạo.
Theo đó, tiếp cận kiểu chương trình đào tạo linh hoạt (Fluid and Organic Curriculum) và kiểu chương trình đào tạo sẵn sàng cho tương lai (Future Readiness Curriculum) của Bộ Giáo dục Đại học Malaysia đề xuất là một hướng đi rất lôgic và hợp lý. Trước hết, sự linh hoạt thể hiện ở chỗ thay cho nền tảng kiến thức cơ bản là các môn học đại cương truyền thống (ví dụ như Toán cao cấp, Vật lý đại cương, Tin học cơ sở…), các trường đại học cần quan tâm bổ sung các môn học mới, ví dụ như về Công nghệ 4.0 đại cương, Kỹ năng số và khoa học dữ liệu, Giáo trình khởi nghiệp và Kiến thức về sở hữu trí tuệ.
Các môn học như vậy phải là hành trang khởi nghiệp sáng tạo của công dân 4.0. Trong trường hợp này, các yếu tố thích hợp của giáo dục khai phóng cũng cần được tích hợp.
Đối với Việt Nam, việc thay đổi chương trình đào tạo không chỉ để giúp sinh viên suy nghĩ sáng tạo hơn và thực thi tinh thần đổi mới sáng tạo hiệu quả mà còn phải lưu ý làm sao để hỗ trợ nhiều hơn giúp họ chuyển từ một thiết chế giáo dục giáo khoa bảng (chỉ hướng đến các kỳ thi) thành một môi trường học tập dựa trên trải nghiệm có định hướng.
Nhật Hồng